2 đối tượng hành hung phóng viên Đài truyền hình Hà Nội có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ năm, ngày 08/06/2023 17:20 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội bị hành hung giữa Thủ đô. Hiện 2 đối tượng thực hiện hành vi đã bị tạm giữ hình sự.
Bình luận 0

Danh tính 2 đối tượng hành hung phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội

Liên quan đến vụ phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội bị hành hung, chiều 7/6 Công an quận Đống Đa đã quyết định tạm giữ hình sự Phạm Văn Phương (SN 1981) và Lê Văn Hưng (SN 1984) ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích.

2 đối tượng hành hung phóng viên Đài truyền hình Hà Nội có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Dù phóng viên T.T.C đã nằm gục trên lòng đường, hai đối tượng này vẫn tiếp tục tấn công phóng viên.

Theo Công an quận Đống Đa, Phạm Văn Phương, chủ cửa hàng quạt Khánh Phương và Lê Văn Hưng, nhân viên cửa hàng chính là đối tượng hành hung phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội vào chiều 6/6.

Trước đó, hồi 14 giờ 25 ngày 6/6, nhóm phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội trong khi đang tác nghiệp tại khu vực vỉa hè trước cửa số nhà 19 phố Đông Các, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa đã bị một số đối tượng cản trở tác nghiệp và hành hung.

Trong đó, phóng viên quay phim T.T.C đã bị đánh đập dã man ngay trên đường phố, bị thương tích nghiêm trọng. Sau khi bị tấn công, các đồng nghiệp đưa phóng viên T.T.C đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng vẫn bị các đối tượng truy đuổi, uy hiếp.

Hiện tại, phóng viên T.T.C bị đa chấn thương vùng gáy, lưng, đầu, cổ và đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.

Nạn nhân không có đơn vẫn có thể xử lý hình sự

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân.

Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.

Đối với phóng viên, nhà báo có quyền tác nghiệp theo Luật báo chí, hành vi cản trở phóng viên nhà báo tác nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì thế, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý nghiêm minh, trong đó không loại trừ trường hợp sẽ xử lý bằng chế tài hình sự.

Trong vụ việc trên, theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan, xác định khả năng nhận thức điều khiển hành vi của các đối tượng. Đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xử lý.

Trong trường hợp người bị hại có yêu cầu xử lý hình sự mà có tỷ lệ phần trăm thương tích dù dưới 11%, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố hình sự để xử lý các đối tượng về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, bởi hành vi có thể được xác định là có tính chất côn đồ. Chế tài là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

"Nếu nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự nhưng sự việc được xác định là gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan điều tra vẫn có thể xử lý các đối tượng về tội Gây rối trật tự công cộng" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem