2 người sốc nhiệt vì làm việc liên tục dưới trời nắng nóng

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 01/06/2024 06:04 AM (GMT+7)
Làm việc dài ngày ngoài trời dưới nắng nóng, 2 bệnh nhân sốc nhiệt, nóng bừng toàn thân, phải nhập viện.
Bình luận 0

Trong vài ngày qua, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) liên tục tiếp nhận các ca sốc nhiệt sau khi làm việc kéo dài dưới trời nắng nóng. 

𝐂𝐚 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 đ𝐚̂̀𝐮 𝐭𝐢𝐞̂𝐧 là anh HMP, 33 tuổi, quê ở Hà Giang đang làm việc tại nhà máy gạch trên địa bàn huyện Cẩm Khê. 

Chiều ngày 29/5, do môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao, cộng hưởng với mức nhiệt cao ngoài trời, anh P cảm thấy nóng bức, vã mồ hôi, khát nước, nôn nhiều lần, đến tối xuất hiện thêm triệu chứng co rút tay chân, nóng bừng toàn thân nên nhập viện cấp cứu.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân có mạch nhanh (97 lần/phút), huyết áp tụt 80/50mmHg. Được chẩn đoán sốc giảm thể tích, sau 01 giờ bù nước và điện giải, mạch huyết áp trở về mức ổn định. Chiều cùng ngày, cảm thấy trong người khỏe mạnh nên cam kết xin ra viện.

2 người sốc nhiệt vì làm việc liên tục dưới trời nắng nóng - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốc nhiệt được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê. Ảnh BSCC

𝐂𝐚 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝟐 là cô NTT, 57 tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê, làm việc thường xuyên ở môi trường ngoài trời. Ngày 29/5, trong khi đang làm việc, cô T cảm thấy nóng bừng toàn thân, mệt mỏi, vã mồ hôi, khó thở, khát nước, nhiệt độ cơ thể 39 độ C. 

Tại Trung tâm Y tế Cẩm Khê, cô T được chẩn đoán say nóng, chỉ định bù nước và điện giải, hiện sức khỏe ổn định.

Trước đó, một người cũng đã bị sốc nhiệt dẫn đến tử vong sau khi đi theo ông Thích Minh Tuệ di chuyển dưới trời nắng nóng nhiều giờ. 

Ông này nhập viện trong tình trạng tím tái, hôn mê sâu, mạch quay không bắt được, huyết áp không bắt được, ngừng tuần hoàn hô hấp, dù đã được cấp cứu tích cực nhưng không qua khỏi. 

Sốc nhiệt là gì? 

TS, bác sĩ Phạm Đăng Hải – Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội và chống độc (Bệnh viện Quân đội 108) cho biết: “Sốc nhiệt (heat stroke) có thể được chia thành hai loại gồm sốc nhiệt kinh điển (classic heatstroke) và sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke).

Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay các rối loạn nội tiết, thường xảy ra sau tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Cũng có khi sốc nhiệt xảy ra khi gắng sức, trường hợp này hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức”

"Sốc nhiệt làm tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong.

Vì vậy, việc hiểu biết kiến thức về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt là hết sức quan trọng, giúp chúng ta giảm được tỉ lệ bệnh tật và tử vong", TS Hải nhận định.

Theo TS Hải, để phòng ngừa nguy cơ sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng, người dân cần lưu ý một số thông tin sau:

Dấu hiệu nhận biết sốc nhiệt

2 người sốc nhiệt vì làm việc liên tục dưới trời nắng nóng - Ảnh 2.

Một người bị sốc nhiệt không qua khỏi sau nhiều giờ đi theo ông Thích Minh Tuệ dưới nắng nóng gay gắt . Ảnh: BSCC

Một số dấu hiệu giúp mọi người nhận biết sớm tình trạng sốc nhiệt bao gồm rối loạn ý thức: hôn mê, cơn động kinh; rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp; rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, ỉa chảy, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô.

Cách sơ cứu bệnh nhân sốc nhiệt

Ngay khi phát hiện có người sốc nhiệt cần lập tức phải hạ thân nhiệt và hỗ trợ suy chức năng các cơ quan là hai điều cốt lõi trong cấp cứu và điều trị.

Người cấp cứu cần đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, chuyển tới nơi bóng râm, mát, cởi bỏ quẩn áo, ngay lập tức hạ thân nhiệt bằng các cách sau:

- Đặt bệnh nhân trong phòng lạnh 20- 22 độ C và quạt

- Xối nước lạnh 25- 30 độ C vào bệnh nhân hoặc phủ gạc ướt, lạnh 20-25 độ C vào bệnh nhân và quạt, có thể ngâm bệnh nhân vào nước lạnh 20- 25 độ C, để đầu trên mặt nước, theo dõi sát chức năng sống.

- Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ.

"Việc hạ thân nhiệt bệnh nhân bằng mọi cách cần được thực hiện, tuy nhiên không được gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, có thể vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân", TS Hải khuyến cáo.

Cách phòng chống sốc nhiệt trong ngày nắng nóng

Theo TS Hải, trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ lên đến 37-40 độ như hiện nay cần đề phòng sốc nhiệt.

Các đối tượng có nguy cơ dễ sốc nhiệt như: trẻ em, người già, người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết, chuyển hóa, cơ thể suy kiệt. Khi có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.

Mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện để thích nghi với nóng, lập thời gian luyện tập thể lực vào lúc mát trong ngày, giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng.

Trường hợp bắt buộc phải lao động sinh hoạt dưới thời tiết nắng nóng, người dân cần uống đủ nước và muối, che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem