Quảng Trị: 2 người tử vong vì chủ quan với bệnh này

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 29/08/2023 07:35 AM (GMT+7)
Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân chủ quan, không sơ cứu, không tiêm vaccine kháng dại, kéo dài thời gian ủ bệnh dẫn đến tử vong.
Bình luận 0

Ngày 29/8, ông Nguyễn Phú Quốc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc chỉ đạo công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo; thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự phát sinh và lây lan bệnh Dại.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 2 người tử vong do mắc bệnh dại.

Quảng Trị: 2 người tử vong vì bệnh Dại, nguyên nhân chủ yếu do ý thức người dân - Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị chó cắn, người dân cần sơ cứu và lập tức đến cơ sở y tế để được điều trị. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Shutterstock.

Trường hợp đầu tiên, khoảng tháng 1, anh H.V.M (trú thôn Ra Lây, xã Ba Nang, huyện Đakrông) bị chó cắn vào mu bàn tay. Sau khi bị cắn, bệnh nhân không được sơ cứu và không điều trị phơi nhiễm bằng vắc xin. Con chó cắn anh M đã bị người dân giết thịt. Đến ngày 6/3, anh M tử vong.

Trường hợp thứ hai, ngày 23/7, cháu bé H.Đ.P (6 tuổi, trú khóm 5, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá) bị chó cắn vào gò má phải, không được đưa đi tiêm huyết thanh và vắc xin kháng dại. Người nhà chỉ dùng lá ớt đắp vào vết thương. Đến ngày 13/8, cháu bé phát bệnh dại, vào viện trong tình trạng sốt cao 39 độ C, da nhợt nhạt, tức ngực khó thở, nhịp tim nhanh, sợ uống nước, sợ ánh sáng… Khi bác sĩ chuyển tuyến trên thì người nhà không chịu hợp tác mà đưa về nhà điều trị theo bài thuốc dân gian. Ngày 14/8, cháu P tử vong.

Theo ông Quốc, nguyên nhân làm bệnh dại có chiều hướng gia tăng là môi trường đã ô nhiễm vi rút dại, người dân không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi, tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 15/8/2023 toàn tỉnh mới tiêm vắc xin dại được 32.158 con chó, đạt 69,9% kế hoạch; một số địa phương đạt kết quả rất thấp như: Đakrông 36,1% kế hoạch, Hướng Hóa đạt 39,3% kế hoạch, Gio Linh đạt 63,1% kế hoạch.

Đáng chú ý, có nhiều thôn, bản không tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo tại địa phương nên nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao.

Ông Quốc cho biết, UBND các địa phương cần chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại, trong đó tập trung quyết liệt tuyên truyền, tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo, bảo đảm tỷ lệ trên 80% tổng đàn. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã.

Các hộ nuôi chó phải nâng cao ý thức, cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc xích, nhốt chó. Đeo rọ mõm cho chó khi ra đường, nơi công cộng. Thành lập và có cơ chế cho các đơn vị xử lý chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.

"Ý thức người dân trong việc nuôi chó mèo và phòng, chống bệnh dại để tự bảo vệ tính mạng cho bản thân, mọi người xung quanh là rất quan trọng" – ông Quốc nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem