2 nước Đông Nam Á đột nhiên tăng tốc mua lượng gạo khổng lồ của Việt Nam để làm gì?
2 nước Đông Nam Á tăng tốc mua lượng gạo khổng lồ của Việt Nam
K.Nguyên
Chủ nhật, ngày 02/07/2023 12:28 PM (GMT+7)
Trong khi Việt Nam giữ vững vị thế nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines thì Indonesia cũng có xu hướng tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện, Indonesia đã trở thành một trong 3 quốc gia mua nhiều gạo nhất của Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Thống kê Philippines, trong 5 tháng đầu năm 2023, Philippines nhập khẩu 1,5 tấn triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm tới 89,6% trong tổng số 1,62 triệu tấn gạo được nhập khẩu vào quốc gia này. Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 1,5 triệu tấn, chiếm 42,3%. Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines trong giai đoạn trên đạt 772,4 triệu USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, bất chấp những dự báo trước đó về khả năng Philippines giảm nhập khẩu gạo trong năm 2023 do chi phí nhập khẩu tăng cao và định hướng phát triển sản xuất nội địa nhằm tự chủ lương thực của Chính phủ nước này, Philippines cho thấy nhu cầu nhập khẩu lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cũng như tích trữ để đối phó với những bất ổn thời tiết khi hiện tượng El Nino trở lại kéo theo tình trạng hạn hán, khô nóng có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng lương thực nội địa.
Theo Cục Thống kê Philippines, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong 5 tháng đầu năm 2023 đã tăng gần 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh nhu cầu về lượng nhập khẩu gia tăng, El Nino cũng góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng cao khi nhiều nước bắt đầu dự trữ lương thực. Đây là một số yếu tố chính dẫn tới tăng trưởng tích cực của xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines cả về lượng và kim ngạch.
Ngoài những yếu tố thị trường, hoạt động của Chính phủ và Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại gạo với Philippines trong nhiều năm liên tục tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp gạo Việt Nam duy trì vị thế hàng đầu tại thị trường truyền thống này.
Thông qua trao đổi cấp cao và cấp Bộ, Việt Nam nhiều lần khẳng định thiện chí cung cấp nguồn gạo ổn định cho Philippines để góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia này, đặc biệt trong các giai đoạn dịch bệnh, thiên tai. Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cũng đã phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong thời gian qua với nhiều công tác tháo gỡ khó khăn được triển khai thành công và nhiều hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại được tổ chức.
Trong phần còn lại của năm 2023 và sang năm 2024, dự kiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục gia tăng. Để tận dụng cơ hội tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và chính sách của Philippines liên quan tới thương mại gạo, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan Chính phủ, Bộ, ngành, hiệp hội liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động giao thương và tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Philippines.
Ngoài Philippines, một nước Đông Nam Á khác cũng đang có xu hướng tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Dữ liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia đạt hơn 181 triệu USD, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ 2022, chiếm 9,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm.
Indonesia từ vị trí thứ 8, vươn lên top 3 quốc gia mua gạo Việt Nam nhiều nhất, chỉ sau Philippines và Trung Quốc.
Indonesia là một trong những nước tiêu thụ gạo nhiều nhất trên thế giới. Bộ trưởng Thương mại Indonessia Zulkifli Hasan cho biết, việc nhập khẩu gạo là cần thiết vì lượng gạo dự trữ của Chính phủ đang "giảm dần". Theo Cơ quan Lương thực Quốc gia, hiện Indonesia chỉ có 220.000 tấn gạo dự trữ.
Năm 2022, Indonesia nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan, nông dân lo ngại rằng nếu Indonesia tiếp tục nhập khẩu gạo, động thái này sẽ làm giảm giá gạo mà người nông dân bán ra, mặc dù giá gạo tại các siêu thị vẫn ở mức cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.