Một Hợp tác xã ở Thái Nguyên giúp nông dân có thêm việc làm, thu mua chè tươi hơn 30.000 đồng/kg

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 22/03/2024 08:04 AM (GMT+7)
HTX Nông sản Phú Lương (xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) chủ yếu chế biến chuyên sâu chè và tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Với chuỗi liên kết của mình, HTX đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Anh Tống Văn Viện - Giám đốc HTX Nông sản Phú Lương (xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, anh bắt đầu kinh doanh chè từ thời còn là sinh viên. Sau khi ra trường, anh Viện làm việc tại một công ty liên doanh với nước ngoài và kết hợp kinh doanh chè.

Đến năm 2013, anh Viện quyết định tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chè, mở rộng và xây dựng hệ thống bán chè với quy mô lớn. Sau hơn 10 năm tập trung phát triển, đến nay anh Viện đã có một hệ thống kinh doanh chè ổn định trên thị trường.

Một Hợp tác xã ở Thái Nguyên giúp nông dân có thêm việc làm, thu mua chè tươi hơn 30.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Năm 2020 anh Tống Văn Viện thành lập HTX Nông sản Phú Lương để chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ cây chè. Ảnh: Hà Thanh

Với mong muốn xây dựng những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của quê hương, năm 2020 anh Viện quyết định thành lập HTX Nông sản Phú Lương và từng bước quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm chè tại địa phương.

Hiện nay, tổng số thành viên của HTX là 7 người và số lao động tham gia sản xuất chế biến chè là 50 người (cả lao động thường xuyên và lao động thời vụ) với thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, HTX có tổng diện tích vùng nguyên liệu 6ha, ngoài ra HTX còn liên kết với các hộ dân thêm 50ha. Ngoài ra, HTX còn trồng thêm 1ha hoa thí điểm để ướp trà. Bên cạnh đó, HTX cũng đang chuyển đổi một số ruộng thụt không thể trồng cấy để trồng hoa sen phục vụ cho việc ướp chè.

Một Hợp tác xã ở Thái Nguyên giúp nông dân có thêm việc làm, thu mua chè tươi hơn 30.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Hiện nay, HTX Nông sản Phú Lương đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định. Ảnh: Hà Thanh

Có một điểm mới mà anh Viện đang áp dụng trong việc liên kết sản xuất đó là kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, HTX có một xưởng sản xuất phân bón hữu cơ chuyên thu gom các phụ phế phẩm nông nghiệp của người dân trong vùng, sau đó ủ phân vi sinh hữu cơ. Khi đã tạo ra một lượng phân vi sinh hữu cơ ổn định, HTX sẽ cung cấp cho người dân để phát triển cây chè.

Cùng với đó, HTX có kỹ sư trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc cây chè, cách chế biến chè sao cho đạt chất lượng cao nhất. Khi chè của người dân đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng yêu cầu, HTX sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho người dân.

Theo anh Viện, trước đây giá chè tươi của bà con trong vùng chỉ có giá bán dao động từ 24.000 – 26.000 đồng/kg, thời điểm giá cao nhất đạt 27.000 – 28.000 đồng/kg. Nhưng khi sản xuất theo đúng yêu cầu đặt ra, HTX sẽ thu mua với giá từ 30.000 – 38.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm là 40.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường). Cùng với đó, HTX cũng kết hợp tập huấn cho các hộ dân về trồng chè sạch, chè an toàn.

Một Hợp tác xã ở Thái Nguyên giúp nông dân có thêm việc làm, thu mua chè tươi hơn 30.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Năm 2023, HTX Nông sản Phú Lương có 3 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Hà Thanh

Đối với sản phẩm chè, HTX đi vào chế biến chuyên sâu thành các sản phẩm chè ướp hoa sen, chè ướp hoa nhài. Năm 2023, HTX có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao đó là Trà mầm sương sớm hương quê, Trà tôm nõn hương quê, Trà móc câu hương quê. Khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP sẽ tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, nhờ đó giá thành sản phẩm cũng được nâng lên rất nhiều.

Bên cạnh việc sản xuất, chế biến và kinh doanh chè như hiện nay, HTX Nông sản Ôn Lương còn kinh doanh nhiều mặt hàng nông sản của nhiều vùng miền trên cả nước như hạt macca Tây Bắc, hạt điều Bình Phước, hạnh nhân nhập khẩu, hạt dẻ nhập khẩu, các sản phẩm phục vụ trong bếp ăn gia đình như mỳ, miến, mộc nhĩ, nấm hương…

Một Hợp tác xã ở Thái Nguyên giúp nông dân có thêm việc làm, thu mua chè tươi hơn 30.000 đồng/kg - Ảnh 4.

Ngoài kinh doanh sản phẩm chè, HTX Nông sản Phú Lương còn kinh doanh nhiều mặt hàng nông sản khác như mỳ gạo, miến, mộc nhĩ... Ảnh: Hà Thanh

Đối với các sản phẩm chủ lực do HTX trực tiếp sản xuất đang có giá bán dao động từ 400.000 – 600.000 đồng/kg. Với những sản phẩm cao cấp được HTX bán với giá 2 triệu đồng/kg.

"Trong thời gian tới, giá thành các sản phẩm này có thể tăng lên 5 triệu, 10 triệu, thậm chí là 20 triệu đồng/kg vì HTX đang chuyển đổi 1ha diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn Organic để chế biến sâu hơn nữa" - anh Viện cho biết.

Hiện nay, các sản phẩm của HTX được bán dưới hai hình thức là online và truyền thống. Đối với kênh bán hàng truyền thống, hiện HTX có các hệ thống ở 20 tỉnh, thành phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Ngoài ra, HTX còn có 4 cửa hàng lẻ thuộc công ty phân phối sản phẩm của đơn vị tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên.

Đối với kênh bán hàng online, HTX bán trên các nền tảng mạng xã hội như facebook và các sàn thương mại điện tử. Năm 2023, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn chè khô các loại. Doanh thu năm 2023 của HTX dao động từ 13 – 15 tỷ đồng.

Một Hợp tác xã ở Thái Nguyên giúp nông dân có thêm việc làm, thu mua chè tươi hơn 30.000 đồng/kg - Ảnh 5.

Năm 2023, doanh thu của HTX Nông sản Phú Lương dao động từ 13-15 tỷ đồng. Ảnh: Hà Thanh

Năm 2024, HTX đang triển khai hai dự án lớn là dự án chè với quy mô 70ha tại xã Ôn Lương, huyện Phú Lương và hai huyện lân cận là Đại Từ, Định Hóa để kết nối thành vùng nguyên liệu sau đó sẽ chuyển giao cho người dân sản xuất. Dự án thứ hai là dự án lúa với quy mô 100ha để tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất mỳ gạo và sản xuất lúa nếp Vải. Tất cả những sản phẩm đó, HTX đều dự định sẽ đăng ký tham gia OCOP trong năm nay.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của HTX là về nguồn vốn phát triển sản xuất. Trong thời gian tới, HTX dự định sẽ phát triển nông nghiệp tuần hoàn bền vững kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng nhằm phục dựng lại những nét văn hóa của người Tày tại địa phương. Do đó, HTX rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các ban ngành, địa phương về cơ chế chính sách, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tham gia xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại...

Bà Lê Kim Anh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch, đề xuất hỗ trợ 5 dự án từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho 5 xã trên địa bàn huyện Phú Lương. Trong đó dự kiến sẽ hỗ trợ cho các thành viên của HTX Nông sản Phú Lương với số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2024, Hội Nông dân huyện sẽ trực tiếp hướng dẫn HTX Nông sản Phú Lương tham gia nâng hạng lên OCOP 5 sao đối với sản phẩm Trà Tôm nõn quê hương. Đồng thời, trong thời gian tới, các cấp, các ngành từ huyện đến xã cũng sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành và hỗ trợ HTX trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem