20 năm thị trường chứng khoán VN: Còn nhiều thứ phải sửa

Quốc Hải Thứ năm, ngày 17/11/2016 08:00 AM (GMT+7)
Các chuyên gia đầu ngành của thị trường tài chính, chứng khoán đã có những mổ xẻ về thành quả “khó tin” của một hành trình 20 năm xây dựng thị trường vốn đầy “trái đắng” tại Việt Nam.
Bình luận 0

img

Các chuyên gia tài chính chia sẻ về thị trường chứng khoán Việt Nam sau 20 năm

Đắn đo khâu... “giữ cửa”

Thị trường chứng khoán Việt Nam qua 20 năm xây dựng, bên cạnh những thành tựu đạt được (tổng giá trị vốn hóa thị trường gần 40% GDP), vẫn còn nhiều vấn đề về khâu giám sát, quản lý và phát triển quy mô.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sài Gòn SSI cho biết, có người phản biện với ông thị trường chứng khoán của chúng ta hiện nay chỉ như một “sòng bạc cao cấp”, nhưng ông không đồng ý với góc nhìn này. Ở góc độ là một trong những người “dám nhảy vào” thị trường vốn đầu tiên tại Việt Nam, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta đã quản lý khá tốt thị trường này.

Thực tế, phần lớn chúng ta đều tham lam và với mức độ phổ biến thông tin hiện nay, tôi tin rằng phần lớn mọi người đều có thể nhận định được đâu là công ty tốt, đâu là công ty có vấn đề qua nhiều kênh như các công ty chứng khoán, phương tiện truyền thông... và số lượng nhà đầu tư không phân biệt được là không quá lớn. Do vậy, không thể nói thị trường hiện nay là sòng bạc cao cấp được”, ông Hưng nói.

Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia tài chính cũng nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã như một người trưởng thành và cái cần nhất bây giờ là việc nâng cao các chuẩn mực được ví như các “kỹ năng sống” cần thiết để người đó bước vào xã hội.

Về vấn đề này, ông Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst&Young Việt Nam, cũng cho rằng việc nâng cao các chuẩn mực là cần thiết vì Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 30% yêu cầu so với thế giới. “Tôi ví dụ các chuẩn mực kế toán thì chúng ta đang thiếu khoảng 10 chuẩn mực, ngoài ra còn có 8 chuẩn mực quốc tế đã điều chỉnh nhưng chúng ta vẫn giữ nguyên. Chuẩn mực thực chất chỉ là luật chơi, nếu áp dụng liền thì có thể sẽ bỡ ngỡ 1 vài năm rồi cũng sẽ quen bởi thị trường chứng khoán chúng ta đang lớn dần. Nếu thống kê cả 2 sàn HOSE, HNX và Upcom thì chúng ta đã có hơn 1.000 DN niêm yết, rất cần siết lại chuẩn mực”, ông Cường nói.

Cần “thiết quân luật” trong cuộc chơi

Đánh giá về việc quản lý thị trường chứng khoán hiện nay, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK Nhà nước thừa nhận: Ở một số nước, họ sẽ sẵn sàng xử phạt nặng các hành vi thao túng, làm giá, chuyển giá, gian lận hàng tồn kho... trên thị trường chứng khoán. Còn tại Việt Nam thì các chế tài xử phạt còn khá thấp và đa số là xử phạt hành chính vì không thể chuyển hình sự.

“Muốn xử phạt thì UBCK phải điều tra nhưng trong quá trình lại gặp khó do thẩm quyền trong việc tiếp cận email, tài khoản ngân hàng... Nhiều vụ được gửi lên nhưng không điều tra được. Chưa kể, Luật hình sự phải quy định đầy đủ thiệt hại vật chất và phi vật chất; UBCK muốn áp dụng biện pháp hình sự nhưng không đủ thẩm quyền giải quyết gửi hồ sơ lên cơ quan công an nhưng không xử lý được, phải trả về nên tính răn đe chưa cao”, ông Bằng nói.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn “vướng” trên thị trường chứng khoán chưa được giải quyết thấu đáo. Đó là việc nới room cho nước ngoài còn đang khá lừng khừng, mỗi doanh nghiệp làm mỗi kiểu, cần giải quyết sớm theo hướng minh bạch, đơn giản hơn. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước và tạo sân chơi công bằng cho cả DN ngoại lẫn nội.

“Điều quan trọng nhất với thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này là phải đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng, trách nhiệm đối với các chủ thể hoạt động trên thị trường. Theo tôi, việc này là khó nhất nhưng quan trọng nhất bởi không làm rõ điều đó thì thị trường sẽ mất uy tín với nhà đầu tư, mất uy tín với doanh nghiệp niêm yết”, ông Dominic nói.

Sau 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển cả về chất và lượng với gần 700 DN niêm yết trên hai sàn HOSE, HNX và 320 DN giao dịch trên sàn Upcom. Tính tại thời điểm 15.11, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 75,61 tỷ USD, tương đương 37,8% GDP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem