20 năm, Việt Nam vay 42 tỷ ODA

Thứ năm, ngày 17/10/2013 21:50 PM (GMT+7)
Trong 20 năm qua, quy mô nguồn vốn tài trợ phát triển chính thức (ODA) được cam kết từ hơn 50 nhà tài trợ đạt 78 tỷ USD, trong đó trên 63 tỷ USD đã được ký kết và hơn 42 tỷ USD đã được giải ngân - tin từ Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Bình luận 0
Kể từ tháng 11/1993, Hội nghị bàn tròn về viện trợ phát triển chính thức dành cho Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Paris (Pháp) đến nay, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã có 20 năm đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển kinh tế-xã hội với những thành quả đáng khích lệ.

ODA chiếm 3% GDP


Theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do nguồn lực trong nước còn hạn chế, Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương huy động nguồn lực bên ngoài để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, trong đó có nguồn vốn ODA. Theo đó, những năm qua nguồn vốn ODA đã trở thành nguồn vốn đầu tư quan trọng, chiếm khoảng 3% GDP và khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trên thực tế, từ một đất nước bị rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở những năm cuối thập kỷ 90, song sau bảy năm Đổi mới, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đã đạt trên 8% với GDP bình quân đầu người là 190 USD vào năm 1993, chỉ số lạm phát cũng được chặn đứng, giảm xuống còn 5,2% từ mức phi mã 76,1% tại năm 1990. Kể từ đó, các đối tác phát triển và các nhà đầu tư đã bắt đầu tìm đến với Việt Nam.

imgCầu vượt tại nút giao thông Liễu Giai - Kim Mã được thực hiện từ nguồn vốn ODA

Đến nay, Việt Nam đã đạt được sự đổi thay toàn diện, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đặt khoảng 7% trong suốt hai thập kỷ qua và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010 với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.600 USD.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đánh giá rất cao về những thành tựu đạt được của Việt Nam với việc trở thành nước có thu nhập trung bình và đạt nền kinh tế 154 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.700 USD; đồng thời đưa được hơn 30 triệu người ra khỏi tình trạng nghèo đói tại năm 2012.

Hiện, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới với mức tăng trưởng thương mại trên 20%/năm, đồng thời đạt trước thời hạn hầu hết các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG).

Những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua là sự kết hợp tổng hợp giữa việc phát huy yếu tố nội lực với những hỗ trợ to lớn từ bạn bè quốc tế.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "nguồn vốn ODA trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thông qua thực hiện các chương trình, dự án, nguồn vốn ODA đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số ngành như tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế."

Đòn bẩy tài chính++

Tuy nhiên, theo tập quán viện trợ phát triển quốc tế, với việc trở thành nước có thu nhập trung bình thấp thì những chính sách và quy mô viện trợ cho Việt Nam cũng có sự thay đổi.

Nguồn từ MPI, sau khi các đối tác phát triển cam kết tài trợ ODA đạt đỉnh hơn 8 tỷ USD tại năm 2009, đã có xu hướng giảm dần ở các năm tiếp theo và về mức gần 6,5 tỷ USD ở năm 2012.

Một số nhà tài trợ đã bắt đầu điều chỉnh giảm cơ cấu nguồn vốn ODA, thay vào đó là mở rộng các kênh tín dụng mới với các điều kiện cho vay kém ưu đãi hơn với lãi suất sát thị trường vốn, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ cũng ngắn hơn.

Căn cứ theo các điều kiện của vốn kém ưu đãi, có thể thấy đây là nguồn vốn đắt và khó sử dụng so với nguồn vốn ưu đãi trước đây. Điều này đòi hỏi việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.

Cụ thể, nguồn vốn kém ưu đãi đòi hỏi người vay phải thông minh khi lựa chọn đồng tiền vay trong một rổ tiền tệ gồm USD, yen (Nhật), hay euro sao cho rủi ro tỷ giá thấp nhất. Lãi suất cộng phí của vốn sẽ sát với giá thị trường vốn, yêu cầu người vay phải năng động, tính toán làm sao có lợi nhất cũng như phải thông minh sử dụng vốn vào những dự án có thể hoàn trả nợ đúng hạn.

Về vấn đề này, ông J.A. Nugent, Tổng vụ trưởng, Tổng Vụ Đông Nam Á của ADB cho biết, trong điều kiện mới, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần nhiều hơn những đóng góp kiến thức có trách nhiệm và tinh tế hơn từ các đối tác phát triển.

"Do vậy, ADB đã áp dụng một sự kết hợp giữa đòn bẩy tài chính và kiến thức (tài chính++) nhằm hỗ trợ nhiều hơn và tốt hơn nữa các quốc gia thành viên đang phát triển, bao gồm Việt Nam và các mục tiêu phát triển của Việt Nam."

Ủng hộ tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Việt Nam với những nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, song Việt Nam mới đi được nửa chặng đường tới mốc công nghiệp hóa.

"Đây là thời điểm để Việt Nam vượt qua những thách thức nhằm phát triển mạnh mẽ hơn. Để giúp Việt Nam vượt qua những thách thức, Nhật Bản sẽ vận dụng vốn ODA bao gồm cả hợp tác kỹ thuật trong việc tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển nguồn nhân lực bên cạnh cơ sở hạ tầng trong những năm tới," ông khẳng định./.
Vietnam+ (Theo Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem