2022 đồng bào, 900 diễn viên cùng biểu diễn màn Xòe Thái lớn chưa từng có
Chương trình vinh danh Xòe Thái lớn chưa từng có: 2022 đồng bào và 900 diễn viên cùng biểu diễn
Hà Tùng Long
Thứ tư, ngày 14/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
"Xòe Thái – tinh hoa miền di sản" là chương trình nghệ thuật đặc sắc nhằm tôn vinh Xòe Thái khi được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
"Xòe Thái – tinh hoa miền di sản"là chủ đề của Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022. Chương trình sẽ diễn ra tại Sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào 20h ngày 24/9, trực tiếp trên VTV1 và tiếp sóng trên YTV.
Theo đó, chương trình sẽ giống như một thiên sử thi đặc sắc với liên tiếp những đại cảnh công phu, lộng lẫy và hoành tráng, là sự kết hợp hài hòa giữa đại vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời.
Thiên sử thi bằng nghệ thuật đó kể với công chúng về lịch sử, con người, văn hoá, đời sống… của người Thái qua 3 chương: "Thiên di - Dựng bản, lập mường"; "Miền Di sản" và chương 3 "Tinh hoa nghệ thuật Xòe". Với lối kể non- stop (không dừng lại), các chương sẽ như dòng Nậm Thia cuộn chảy không ngừng tái hiện câu chuyện thiên di của 2 anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần dựa theo cuốn sử thi "Quan tô mương", vào khoảng thế kỷ thứ XI về lịch sử hình thành của người Thái ở Tây Bắc, các hoạt cảnh sẽ liên tiếp tái hiện những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc nhất của người Thái thông qua hình ảnh người con gái Thái, và từ đây tôn vinh điệu Xoè- di sản phi vật thể văn hoá nhân loại với 2.022 người tham gia màn Đại Xoè.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ với Dân Việt, chương trình không chỉ liên tiếp các đại cảnh do 900 diễn viên chuyên và không chuyên biểu diễn, mà còn có nhiều "diễn viên" là trâu, bò, ngựa… thật. Rất nhiều đạo cụ sân khấu trong các màn tái hiện phong tục văn hoá của người Thái cũng đều được lấy từ các hiện vật trong các gia đình người Thái nhờ sự nghiên cứu và sưu tầm hết sức công phu, tỉ mỉ về văn hoá Thái của ê-kíp. Kể cả bộ trang phục cô dâu chú rể cho màn tái hiện đám cưới người Thái cũng là thật chứ không phải trang phục biểu diễn.
Một trong những dấu ấn khác biệt của "Xòe Thái – tinh hoa miền di sản" là mọi thứ sẽ diễn ra như một vở đại vũ kịch dân gian Tây Bắc khổng lồ. Toàn bộ sân vận động trung tâm được liên kết xuyên suốt với hình tượng dòng suối chảy ngang qua sân vận động như dòng Nậm Thia (ngòi Thia), chảy dài từ trên thượng nguồn những dãy núi bao la, xuống tận vùng đồng bằng. Con suối Nậm Thia vắt từ trên sân khấu xuống ngang qua sân vận động như vẽ một dải lụa mềm uốn lượn giữa sóng lúa vàng trên đại cảnh sân khấu.
"Sân khấu biểu diễn của chương trình gồm 2 thành tố, sân khấu chính và sân khấu trung tâm dưới sân vận động. Sân khấu chính với 3 cấp biểu diễn, lấy hình tượng chủ đạo là hình ảnh Quả Bầu Mẹ - tượng trưng cho ý nghĩa "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" để nói về hình tượng đặc trưng của Tây Bắc, cũng là một trong những hình tượng gắn với tích Quả Bầu Tiên và cội nguồn của các dân tộc Việt Nam. Vắt ngang qua quả Bầu Mẹ là hình tượng chiếc khăn Piêu thổ cẩm uốn lượn trên sân khấu, nối xuống dưới sàn và chạy quanh sân vận động được làm từ hiệu ứng LED matrix để khi là một con đường, khi lại trở thành dòng suối", Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết thêm.
Xòe Thái sẽ được vinh danh đúng tinh thần tự hào của người dân Tây Bắc
Xuất phát từ ý tưởng muốn tôn vinh Xòe, văn hóa của người Thái cũng như đất và người Tây Bắc, lấy người dân làm chủ thể cũng như đất và người Tây Bắc, nên trong vở đại vũ kịch dân gian này, chỉ có 2 nghệ sĩ tham gia biểu diễn là Tùng Dương và Sao mai Sèn Hoàng Mỹ Lam biểu diễn. Còn lại các nghệ sỹ đều dành để chính những nghệ nhân dân gian người dân Thái và Tây Bắc được thể hiện, được kể về đồng bào mình - chủ thể của nghệ thuật Xòe Thái cũng là chủ thể của chương trình.
Tham gia biểu diễn trong chương trình là gần 3.000 diễn viên, trong đó, diễn viên quần chúng tham gia màn Đại Xòe lên tới 2022 bà con dân tộc Thái từ Nghĩa Lộ, Văn Chấn, cùng với 200 diễn viên đoàn Múa Ta Dance, 200 diễn viên tại Trường CĐ Yên Bái, 500 Học sinh, sinh viên các trường và bà con dân tộc Thái tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn.
Để hiểu được đến tận cùng văn hoá, con người Tây Bắc với tham vọng xây dựng một chương trình để mỗi người Thái, người Tây Bắc thấy mình ở trong đó, đạo diễn Lê Hải Yến, nhạc sỹ Mạnh Tiến, Phạm Khánh Băng, biên đạo múa - NSƯT Thanh Hằng… đã tìm tòi, nghiên cứu từ trong chính dân gian, trong đời sống người Thái và người Tây Bắc từ nhiều năm nay.
"Mặc dù rất nhiều áp lực nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ làm được những điều hơn cả một Lễ hội, đó là truyền đi một tình yêu, một niềm tự hào với Xòe, với văn hóa Tây Bắc đến với người dân khắp nơi trên thế giới", Tổng đạo diễn Lê Hải Yến bộc bạch thêm.
Hiện nay, các diễn viên và nhân dân cùng ê-kíp thực hiện chương trình đang miệt mài tập luyện tại Yên Bái và Hà Nội. Công tác dàn dựngcũng đang được tiến hành khẩn trương. Ê-kíp cũng tâm huyết đưa toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại hàng đầu hiện nay từ TP.HCM ra nhằm đảm bảo nổi bật được từng chi tiết, hiệu ứng sân khấu mà mình muốn thể hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.