25 năm quan hệ Việt - Mỹ: Từ bình thường hóa đến nhân lên nhiều cơ hội mới

Mỹ Hằng Chủ nhật, ngày 12/07/2020 17:40 PM (GMT+7)
Nắm lấy những cơ hội ngoại giao với Mỹ để đem lại những lợi ích lâu dài cho Việt Nam, và thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ là chính sách đúng đắn để Việt Nam có vị thế mới trên thế giới - nhìn nhận của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.
Bình luận 0

Việc nắm được những cơ hội mới dưới chính quyền của Tổng thống Trump đã giúp quan hệ hai nước Việt-Mỹ phát triển trong một thế giới đầy biến động. Ông có thể tiết lộ ông đã sắp xếp những cuộc điện đàm đầu tiên, hay chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo ta tới Mỹ dưới thời một vị tổng thống đặc biệt như Donald Trump như thế nào?

- Tháng 11/2016 khi Trump tranh cử ít ai thấy nhà tỷ phú này có khả năng chiến thắng. Khi ông đắc cử, hầu hết các đại sứ nước ngoài ở Washington D.C. đều cho rằng cần có một thời gian để nắm vững hơn đường lối chính sách của tổng thống mới sắp nhậm chức vào đầu 2017.

Trong tranh cử Trump đề ra chính sách "Nước Mỹ vĩ đại trở lại, Nước Mỹ trên hết"…  Vì thế các nước chưa rõ chính sách của Trump thế nào, tuy nhiên đều biết rằng sẽ có sự thay đổi cách tiếp cận và ưu tiên trong đối ngoại của tổng thống mới.

25 năm quan hệ Việt - Mỹ: Từ bình thường hóa đến nhân lên nhiều cơ hội mới - Ảnh 1.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Phạm Hưng.

Việt Nam có lẽ là một trong những nước chủ động vào thời điểm đó, trừ Nhật Bản có Thủ tướng Shinzo Abe tiếp xúc sớm nhất với Trump. Lúc đó, chúng ta cho rằng: Dù nước Mỹ do đảng nào cầm quyền, tổng thống nào cầm quyền thì vẫn phải giữ đà quan hệ Việt - Mỹ, Mỹ vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Chính vì vậy mà Đại sứ quán Việt Nam đã chủ động tiếp xúc và kiến nghị cần có hình thức nào đó tiếp xúc trực tiếp với Trump để có thể khẳng định ưu  tiên, và giới thiệu Việt Nam để Mỹ thấy quan hệ với Việt Nam không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà có lợi cho cả Mỹ, chính sách của Mỹ với khu vực và quốc tế.

Thông qua nhiều kênh bạn bè, chính quyền, những người gần với tân Tổng thống Trump, các công ty, học giả, thông qua kênh Quốc hội, chúng ta có thể tiếp cận và có được điện đàm rất sớm của lãnh đạo vào 14/12/2016, chỉ hơn 1 tháng sau khi Trump đắc cử và 1 tháng trước nhậm chức chính thức. Trong trao đổi, câu chuyện rất cởi mở, thảo luận những vấn đề hai bên quan tâm, ông Trump bày tỏ mong muốn có thể đón lãnh đạo ta tới thăm. Đó là cơ sở để thúc đẩy chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Đông Nam Á đến Mỹ dưới thời Trump – chuyến thăm tháng 5/2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là lúc Mỹ định hình chính sách mới, trong đó nhấn mạnh lợi ích của Mỹ trong quan hệ với các nước, xử lý thâm hụt thương mại. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan hệ đối tác toàn diện, trong đó có những nguyên tắc chỉ đạo và các vấn đề phù hợp với những ưu tiên mới của cả Mỹ và Việt Nam, và có hình thức xử lý phù hợp, nhất là vấn đề thâm hụt thương mại, an ninh an toàn hàng hải… Qua đó hai bên giữ được đà quan hệ dù có chuyển giao chính quyền sang đảng khác.

Ông nhìn nhận thế nào về quá trình xây dựng lòng tin giữa hai nước, nhất là việc hai bên cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam tới Mỹ năm 2015?

-  Việc hiểu biết để xây dựng lòng tin và nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau là câu chuyện trải dài trong bình thường hóa và sau bình thường hóa quan hệ hai nước.

Sau chiến tranh việc ngăn cách hai bên là xử lý hậu quả chiến tranh. Trong lòng nước Mỹ là hội chứng chiến tranh Việt Nam. Trong lòng Việt Nam là hậu quả đau thương tang tóc và tàn phá của cuộc chiến tranh áp đặt lên đất nước Việt Nam, lại thêm 20 năm cấm vận của Mỹ.

25 năm quan hệ Việt - Mỹ: Từ bình thường hóa đến nhân lên nhiều cơ hội mới - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà Trắng năm 2017.

Chính chuyện trao đổi với nhau, Việt Nam thực hiện việc làm nhân đạo trong tìm kiếm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh, Mỹ có bước đi trong khắc phục bom mìn, tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa…  Đó là câu chuyện lớn để hai bên hiểu biết tin cậy nhau hơn, cùng chủ trương khép lại quá khứ hướng tới tương lai.

Nhưng năm 1995 quan hệ hai bên vẫn còn rất nhiều hạn chế. Chính trong quá trình hợp tác đó, câu chuyện vừa tăng cường lòng tin thông qua hiểu biết, vừa khẳng định nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, vừa đan xen lợi ích trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, từ đó quan hệ mới được mở rộng, và sau đó trở thành khuôn khổ đối tác toàn diện, tăng cường cả về chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, khoa học giáo dục, y tế, giao lưu nhân dân cùng khắc phục hậu quả chiến tranh…  tất cả để gia tăng hiểu biết lẫn nhau.

Giữa 2 quốc gia vừa song trùng lợi ích vừa khác biệt thì Việt Nam – Mỹ thể hiện rất rõ, hai nước có đặc thù chế độ chính trị xã hội khác nhau, hai nước có quá khứ chiến tranh, ở hai đầu bán cầu, một nước Đông Nam Á, một cường quốc số 1 thì khác biệt là đương nhiên. Nhưng hai nước từ chỗ không hiểu biết nhau đến xây dựng cơ chế đối thoại xử lý những khác biệt về dân chủ nhân quyền là một bước tiến lớn. Ngay trong hợp tác kinh tế thương mại cũng nhiều khác biệt: Mỗi giai đoạn Mỹ đòi hỏi ưu tiên khác nhau, mỗi giai đoạn Việt Nam hội nhập khác nhau, do vậy chỉ có thông qua đối thoại thường xuyên mới hiểu biết và tin cậy nhau hơn.

Khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên khẳng định nguyên tắc bình đẳng và  tôn trọng lẫn nhau, nhất là khi quan hệ phát triển, lợi ích đan xen.

Đến tháng 7/2015 khi Tổng Bí thư thăm Mỹ, có lẽ đây là sự công nhận cao nhất của Mỹ với thể chế chính trị của Việt Nam, một điều chưa từng có tiền lệ, Mỹ đón người đứng đầu Đảng Cộng sản mà trong quy tắc lễ tân của họ không có. Hai nhà lãnh đạo, hai người đứng đầu 2 hệ thống chính trị đã gặp gỡ rất chất lượng với câu chuyện hiệu quả và ra tuyên bố tầm nhìn, khẳng định làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện từ 2013, các nguyên tắc trong quan hệ cùng việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau, mở rộng tầm nhìn, đặt khuôn khổ hợp tác đối tác hai nước trong thời gian dài trong tương lai, khẳng định cả hợp tác song phương, khu vực và quốc tế.

Khi 2 nước có thể chế chính trị xã hội khác nhau mà khẳng định nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị  và dành nghi lễ cao cho nhau, điều đó chắc chắn tạo đà sâu sắc hơn nữa cho quan hệ.

Nhìn lại 25 năm, việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ đã đem lại lợi ích như thế nào cho Việt Nam, thưa ông?

- Vào thời điểm tháng 7/1995, phải thấy rằng hai nước đều cần nhau để trở thành đối tác, vượt qua quá khứ vốn là chiến tranh, vốn là cựu thù, vốn là cấm vận. Rõ ràng Mỹ cần Việt Nam, muốn bước qua hội chứng chiến tranh Việt Nam, một Việt Nam sau chiến tranh đang vươn lên và có vai trò với khu vực.

Lúc đó trên thế giới có những chuyển động rất mạnh mẽ: Bước ra khỏi chiến tranh lạnh,  sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu. Việt Nam tiếp tục chịu bao vây cấm vận của phương Tây, trải qua khủng hoảng sau chiến tranh, rồi đổi mới. Việt Nam cùng lúc xử lý nhiều quan hệ: "Vấn đề" Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tham gia ASEAN . Trong nước, Việt Nam đã trải qua 10 năm đầu đổi mới và chuẩn bị cho 10 năm tiếp theo của đổi mới từ giữa những năm 1990.

Câu chuyện bình thường hóa trước hết thể hiện chính sách đối ngoại muốn làm bạn với tất cả các nước, đặc biệt nước lớn và các nước trong khu vực. Mỹ là đối tác kinh tế lớn của thế giới, của khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng. Cùng với đổi mới trong nước, vươn khỏi chiến tranh lạnh, bình thường hóa là câu chuyện phát triển và hội nhập.

Hơn nữa, bứt phá trong quan hệ với Mỹ - đó là sự công nhận quan hệ của cường quốc lớn từng có chiến tranh với Việt Nam, từ đó sẽ tạo đà cho quan hệ với nước khác, đặc biệt là những nước đồng minh với Mỹ, là nước còn bị ngăn cản bởi cấm vận của Mỹ.

Một loạt động thái của Việt Nam lúc đó, từ khắc phục khó khăn do cả kinh tế bao cấp và hậu quả chiến tranh, đổi mới, mở cửa cho thấy, Việt Nam đã và đang có bước đi rất lớn để mở rộng quan hệ với tất cả các châu lục và đối tác lớn.

Nếu chúng ta có một môi trường quan hệ đối ngoại tốt cả về chính trị,  an ninh, kinh tế, trong đó có quan hệ với tất cả nước lớn và láng giềng thì Việt Nam sẽ có môi trường hòa bình, thuận lợi để phát triển.

Thực sự nhìn lại thấy việc gia nhập ASEAN đã khép lại chương đối đầu ở Đông Nam Á, mở ra tiền đề cho một ASEAN mới, một ASEAN hướng tới đoàn kết cả 10 nước Đông Nam Á, hướng tới xây dựng cộng đồng, không còn phân cực, có thể đóng vai trò lớn hơn ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Cùng quan hệ với các nước lớn đã có, việc bình thường hóa với Trung Quốc, Mỹ nghĩa là lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ ngoại giao với khuôn khổ ổn định bình thường với tất cả nước lớn, trong đó có 5 nước Hội đồng Bảo an, như vậy tạo đà để có quan hệ kinh tế, quan hệ an ninh chính trị tốt hơn.

Về kinh tế, giữa những năm 1990, thương mại song phương mới có nửa tỉ USD, nhưng từ đó tới nay đã tăng gấp 150 lần, lên tới 77 tỉ USD. Từ một nước thù địch cấm vận, nay hàng loạt doanh nghiệp công ty Mỹ vào Việt Nam làm ăn, như giấy chứng nhận về môi trường kinh tế kinh doanh của Việt Nam, để các công ty châu Âu và Nhật thấy môi trường kinh doanh ở đây tốt hơn.

Khuôn khổ quan hệ Việt Nam – Mỹ  trước là bất bình thường do chiến tranh, thù địch, cấm vận, đến tháng 7/1995 thì được bình thường hóa, mở rộng trên tất cả lĩnh vực, để đến năm 2013 trở thành đối tác toàn diện và tiếp tục nhân lên.

Không chỉ trong quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ và Việt Nam với các nước khác được khơi  thông, mà việc thiết lập quan hệ với Mỹ còn tháo gỡ nút thắt trong việc Việt Nam tham gia các diễn đàn, tổ chức quốc tế, tham gia các vấn đề khu vực và quốc tế khác. Sau bình thường hóa, hai bên đàm phán và có những thỏa thuận để Việt Nam gia nhập WTO, phối hợp với Mỹ trên các vấn đề khu vực như biến đổi khí hậu, an ninh truyền thống và phi truyền thống trong đó có cả vấn đề biển Đông, như vậy có thể thấy mối quan tâm chung được nhân lên nhiều lần.

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem