Ngày 19.7, lãnh đạo TP.HCM đã có buổi đối thoại với hơn 250 doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp trên địa bàn. Tại buổi đối thoại, các doanh nhân trẻ đã nêu những kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm phát triển cộng đồng doanh nghiệp trẻ.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi gặp gỡ.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC), việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với doanh nhân trẻ là điều kiện tốt để doanh nhân bày tỏ những ý kiến của mình. Nhưng nên chăng cần tổ chức thường xuyên hơn các buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với các ngành chức năng. Bởi đối thoại trực tiếp như vậy sẽ trực tiếp giải quyết những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.
Còn ông Dương Công Đức - Giám đốc Công ty Vietphone cho biết, qua khảo sát, có 8 khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp phải, đó là vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nhân lực, trình độ quản lý, thị trường, môi trường kinh doanh và quản trị các yếu tố rủi ro khi có biến động của kinh tế thế giới...
Ông Đức đưa ra 5 đề nghị “3 mềm, 2 cứng”. Như cần xác định lại một lần nữa doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành phần quan trọng tất yếu, trọng tâm của nền kinh tế và phải được hỗ trợ chứ không phải thấy yếu mới hỗ trợ. Việc này phải được lãnh đạo cấp cao chia sẻ và có sự đồng thuận của từng sở ngành, được thể hiện qua từng sự vụ hằng ngày trong quá trình tương tác với doanh nghiệp.
“Thấy lãnh đạo các tập đoàn lớn thì ai cũng tập trung đến, còn một anh doanh nghiệp vốn chừng vài chục tỷ thì dường như bị gạt ra bên ngoài. Đề xuất lãnh đạo thành phố nên có chính sách để các doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ bằng cách dành cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các gói thầu của mình. Đề nghị nên xây dựng gói tín dụng tương tự gói 30 nghìn tỷ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và xem xét lập các khu công nghiệp dành cho họ”, ông Đức đề nghị.
Tại buổi gặp gỡ có ý kiến cho rằng công nghiệp phụ trợ là “cánh cửa” để khởi nghiệp (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc công ty Đông A thì mong muốn làm thế nào để chuyển ủng hộ doanh nghiệp của lãnh đạo thành phố đến với cán bộ ở các sở, ngành như Thuế, Hải quan…để họ chia sẻ và xử lý công việc nhanh hơn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Vì thực tế còn có nhiều cán bộ nhà nước ít nhiều gây khó khăn khi doanh nghiệp đến làm thủ tục.
Cũng tại buổi đối thoại, có đại diện doanh nghiệp nêu ý doanh nhân muốn khởi nghiệp hãy bắt đầu từ những cái nhỏ, nhất là công nghiệp phụ trợ.
Lấy một dẫn chứng cụ thể, người này cho biết có một doanh nghiệp Nhật ở Bình Dương, một tháng sản xuất 12 triệu sản phẩm tai nghe cho dòng điện thoại iPhone. Nhưng tất cả các chi tiết nhỏ nhất đều phải nhập khẩu chứ Việt Nam không có doanh nghiệp nào sản xuất được. Khởi nghiệp phải thực tế, tránh tình trạng chạy theo phong trào, theo số lượng.
Sau khi nghe ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đồng tình với những đề xuất, kiến nghị của Hội doanh nhân trẻ. Đồng thời ông Phong đồng ý sẽ tổ chức đối thoại thường xuyên hơn, xem xét bố trí một khu đất để xây dựng trung tâm làm nơi trao đổi giữa các doanh nhân trẻ.
Lãnh đạo thành phố sẽ đồng hành, tạo điều kiện thực hiện các chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trẻ phát triển. Phấn đấu để năm 2020 TP.HCM sẽ đạt 500 nghìn doanh nghiệp. Đặc biệt là phải xây dựng được những doanh nghiệp, những thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế.
“Làm sao trong 5 năm tới khi nước ta gia nhập các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phải được nâng lên và để làm được việc đó thì phải bắt đầu từ sự lớn mạnh, tiềm lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp”, ông Phong nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.