3 bên “bắt tay” dẹp nạn học thêm

Đỗ Tấn Ngọc Thứ ba, ngày 11/11/2014 16:22 PM (GMT+7)
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT có Chỉ thị số 5105 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi 1 ngày, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh. 
Bình luận 0

Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các "sân chơi” trí tuệ. Bộ trưởng yêu cầu, giám đốc các sở GDĐT cần chỉ đạo các phòng GDĐT, các trường tiểu học ở địa phương quán triệt đến từng giáo viên các quy định này

Chỉ thị trên bước đầu đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh. Là người trong cuộc, chúng tôi nhận thấy, “vấn nạn” dạy thêm - học thêm xuất phát từ 2 phía. Phía giáo viên, cũng vì căn bệnh thành tích của nhà trường, của ngành; vì nhận thức thiếu đầy đủ về khả năng tiếp thu, tâm sinh lý lứa tuổi nên nhiều giáo viên tiểu học trong quá trình dạy học gia tăng thêm những bài tập về nhà, bài tập nâng cao cho con trẻ khiến các em không có thời nghỉ ngơi, cứ vùi đầu vào luyện tập, làm bài. Có một số thầy cô dùng “chiêu” này để buộc học sinh, phụ huynh cho con đi học thêm để đáp ứng được yêu cầu, để bằng bạn bằng bè. Vì thế, việc không chấm điểm, bỏ bài tập về nhà là “phương thuốc tốt” để “trị” các giáo viên này.

Về phía phụ huynh học sinh thì thường có tâm lý sốt ruột, lo lắng quá mức về sự phát triển trí trệ, hiểu biết của con trẻ, thấy con họ học trước chương trình, thấy con người ta làm được bài tập nâng cao là lòng dạ không yên, phải bắt con mình đua theo bằng được.

Cái tư tưởng thích ganh đua, khoe mẽ, nhiễm bệnh thành tích qua điểm số, danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi… vẫn còn cố hữu trong nhiều bậc phụ huynh, kể cả phụ huynh thuộc ngành giáo dục, có trình độ học vấn cao. Cần phải tuyên truyền thêm cho phụ huynh nhận ra cái lệch lạc, không đúng cách trong giáo dục con em. Chủ trương là tốt, vấn đề còn lại thuộc về nhận thức và những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực và quyết liệt của nhà trường, đội ngũ giáo viên bậc tiểu học, trong đó có sự phối hợp, đồng hành đầy trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Có cú “bắt tay” ba bên này, học sinh mới có cơ hội học thật, chơi vui đúng với lứa tuổi các em.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem