3 điểm/môn đỗ sư phạm: Đầu vào không quyết định tất cả?

Tùng Anh (t/h) Thứ ba, ngày 15/08/2017 19:00 PM (GMT+7)
Nhiều trường sư phạm có điểm đầu vào thấp kỷ lục, chỉ cần 3 điểm/môn đang là chủ đề được dư luận đem ra mổ xẻ. Trong khi xã hội lo lắng với điểm chuẩn thấp sẽ không thể có giáo viên giỏi thì một số ý kiến lại cho rằng đầu vào không quyết định tất cả?
Bình luận 0

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 của các trường ĐH, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành Công an, Quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường.

“Nhưng tôi cũng lưu ý, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo " -  ông Nhạ khẳng định.

img

Nhiều tranh luận xung quanh điểm đầu vào sư phạm thấp (ảnh minh họa: IT)

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Văn Huấn – Phó GĐ Sở GD ĐT Bến Tre cũng cho rằng, không phủ nhận điểm đầu vào là yếu tố tác động đến chất lượng giáo viên tương lai, tuy nhiên theo ông Huấn, đó không phải là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định. Thậm chí ngay cả điểm đầu ra cũng chưa phải là yếu tố quan trọng nhất.

Không đồng tình với quan điểm này, TS Lê Thống Nhất - Tổng Giám đốc tại Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (BigSchool) trao đổi trên bigschool.vn cho rằng, từ kinh nghiệm giảng dạy của ông ở khoa Toán, ĐH sư phạm Vinh cho thấy, sự chênh lệnh ở điểm đầu vào khi tuyển sinh sẽ quyết định quan trọng tới chất lượng đầu ra.

TS Nhất cho biết, đã có quá nhiều sinh viên khi vào học sư phạm đã không tự mình giải được các bài tập trong sách giáo khoa làm cho các giảng viên các trường Đại học Sư phạm rất mệt mỏi khi rèn luyện nghiệp vụ dạy học cho các bạn. Bởi năng lực giải bài tập không có thì còn nói gì đến dạy cho học sinh giải được bài tập? Mọi phương pháp dạy học sẽ không thể thay thế năng lực chuyên môn kiến thức của người thầy.

“Không có phép thần thông nào có thể biến đầu vào thấp thành đầu ra tốt. Nói không quan trọng là đã phủ định câu nói của bao đời nay: “có bột mới gột nên hồ”” – ông Nhất khẳng định.

TS Vũ Thu Hương – Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, sinh viên sư phạm cần có lượng kiến thức khá nhiều để có thể ra đời làm thầy. Tuy nhiên, với các sinh viên có điểm đầu vào thấp đôi khi điều đó không đơn giản, đặc biệt khi sinh viên đó thiếu hụt lượng kiến thức phổ thông lớn. “Các em sẽ khó có thể tiếp thu tốt những kiến thức ở ĐH, các giảng viên vì thế cũng gặp khó khăn khi dạy, bổ sung cho các em. Thực tế cũng chỉ ra rằng, các sinh viên sư phạm có điểm đầu vào thấp thường gặp khó khăn nhiều hơn khi đi dạy” – bà Hương nói.

Để “gỡ khó” cho chất lượng ngành sư phạm, TS Lê Thống Nhất cho rằng cần phải  coi ngành sư phạm là đặc  thù vì liên quan tới đào tạo con người, tới các thế hệ kế tiếp xây dựng đất nước; phải có sàn riêng khi xét tuyển và tiêu chí phụ cần thiết liên quan tới các tố chất của nghề dạy học. Không thể truyền thông theo kiểu : Đầu vào thấp cũng chẳng sao!

Ngoài ra, theo TS Nhất,  phải có chế độ riêng với sinh viên học ngành sư phạm kể cả học bổng và đặc biệt là đảm bảo học xong có việc làm. Điều này sẽ liên quan tới nhiều việc lớn: quy hoạch lại mạng lưới, cầu nối giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên,...

“Với những trường "lỡ tuyển đầu vào thấp", cần tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đặc biệt là quản lý chất lượng đầu ra, không đạt chuẩn là không xét tốt nghiệp và định hướng cho sinh viên chọn nghề khác phù hợp hơn” – TS Nhất nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem