Ở xã Lộc Thanh, không ai không biết đến ba lão nông là ông Trần Văn Hùng (63 tuổi), ông Trần Văn Hy (54 tuổi) và ông Trần Văn Thái (cùng ngụ xã Lộc Thanh), những người đã thành lập và gắn bó với Nghĩa trang Tín Thác gần 10 năm nay. Công việc thầm lặng của ba ông đã trở thành một huyền thoại trong đời thực.
Ông Hùng tự tay làm những phần mộ trong nghĩa trang Tín Thác.
Dẫn chúng tôi đi thăm nơi mà người ta vẫn gọi là “nghĩa trang của những thiên thần”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại: “Năm 2009, tôi và một người bạn tên Hy đang đi bộ trên đường thì gặp một cảnh tượng hãi hùng. Một chú chó đang giằng xé một chiếc túi ni lông màu đen, kiểm tra thì chúng tôi phát hiện bên trong là một thai nhi đã chết. Xót xa xen lẫn thương cảm cho số phận bé nhỏ, tức giận bậc cha mẹ nào đã nhẫn tâm chối bỏ đứa con mình, tôi cùng người bạn đã đem thai nhi đó đi chôn cất cẩn thận”.
Cũng từ lần đó, hai ông Hùng và Hy đã có ý định thành lập một nghĩa trang dành cho những đứa trẻ bất hạnh.
Cũng trong năm đó, ngày 27 Tết âm lịch, ông Hùng tìm được một miếng đất có diện tích 1.400m2, tuy nhiên số tiền để mua lên đến 450 triệu đồng. Chỉ trong một ngày, hai ông đã liên lạc với 6 người bạn để vay mượn được vỏn vẹn 30 triệu đồng dùng để đặt cọc.
Những phần mộ được ông Hùng, ông Hy và ông Thái xây dựng trong gần 10 năm qua trong khuôn viên nghĩa trang.
Tuy nhiên, nghĩ rằng những sinh linh bé nhỏ ấy cũng như một mạng người nên ông Hùng đã mang chiếc sổ đỏ của gia đình đi cầm cố được hơn 400 triệu đồng rồi mua miếng đất đó xây dựng nghĩa trang Tín Thác.
Đến năm 2012, được nghe rất nhiều về nghĩa trang này nên ông Thái cũng đến hỏi chuyện và xin được “gia nhập” để phụ công việc làm cỏ, lau dọn mộ phần và lo hương khói cho các cháu.
“Những ngày đầu thành lập vất vả lắm, kinh phí chẳng có nhiều, nhiều khi đi qua những nhà đang xây dựng tôi lại ghé vào xin vài cân xi mang, vài viên gạch về để làm mộ. Dần về sau, khi mọi người biết đến thì họ mang đến cát, gạch…để làm từ thiện”, ông Hùng chia sẻ.
Đang trò chuyện với ông Hùng, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng trẻ không may có thai lưu (thai nhi chết trong bụng mẹ) đến xin phép chôn cất “hòn máu” của mình trong nghĩa trang.
Cặp vợ chồng trẻ đến xin phép chôn con mình trong nghĩa trang để hương khói, tưởng nhớ.
Anh Tường, một người không may mắn có con bị chết lưu chia sẻ: “Gia đình tôi không may mắn giữ được con, biết đến nghĩa trang của bác Hùng ở địa phương nên đến xin một ô đất để chôn cất con, rồi hương khói tưởng nhớ”.
Không phải ai cũng đủ can đảm đển mang đứa con của mình đến nghĩa trang xin gửi gắm. Bởi họ sợ những lời đàm tiếu của xã hội, người thân và bạn bè. Hay đơn giản là chỉ nghĩ cho chính bản thân mình...
Gần 10 năm nay, cả ba người trong coi nghĩa trang vẫn thường nghe những cuộc điện thoại từ người lạ về những thi thể bé nhỏ bị bỏ lại ở đâu đó, nghe tin là ba người lại phân công nhau đến nhận về chôn cất cẩn thận.
“Chúng tôi chỉ mong sao chuyện của người lớn nên bảo nhau giải quyết, đừng mang mạng sống của những đứa trẻ tội nghiệp đi vùi dập. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được cho các cháu hơn 8.000 ngôi nhà, mong sao con số này không tăng lên nữa…” ông Hùng chia sẻ.
Đến nay, nghĩa trang đã có khoảng 8.000 ngôi mộ được ba người đàn ông chăm sóc, cắm hoa, hương khói hàng ngày.
Tại nơi này, hầu hết các nấm mộ đều rất nhỏ, chỉ vài chục cm2, được phủ bằng miếng đá hoa cương, trên những nấm mộ đều có tên thánh và ngày được các lão nông nhặt về để tưởng nhớ. Hàng ngày 3 người đàn ông vẫn thay nhau quét dọn, cắm hoa và thắp hương đầy đủ.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh cho biết: “Nghĩa trang Tín Thác được cho là “nghĩa trang của những thiên thần bé nhỏ”. Công việc của ông Hùng và những người bạn là rất tốt, đáng được tuyên dương. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho nghĩa trang. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan như y tế, hội phụ nữ… nhằm vận động để hạn chế tối đa trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Đồng thời, có chế tài xử phạt nghiêm đối với những hành vi vứt bỏ con”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.