Lá chuối, lá tre hay lá bàng xưa kia vốn chẳng được ai ngó ngàng tới. Nhưng hiện nay, chúng lại trở thành “mỏ vàng” giúp nhiều người Việt kiếm được bộn tiền.
Thời gian qua, trên thị trường, lá chuối, lá dong được ưu tiên lựa chọn sử dụng để gói thực phẩm thay túi nilon.
Nếu trồng chuối lấy quả, người dân sẽ sử dụng loại chuối tiêu, chuối tây. Còn nếu trồng chuối lấy lá thì họ sẽ trồng chuối hột.
Nếu trồng cây lấy quả thì mật độ là 1.000 cây/ha, còn chuối lấy lá trồng với mật độ từ 1.500 cho tới 1.700 cây/ha.
Lá chuối hột dễ sử dụng hơn các loại chuối khác vì bản to, dày, giữ được màu xanh sau khi xử lý nhiệt, không có vị chát, không ảnh hưởng đến mùi vị đồ ăn, thậm chí còn làm tăng thêm hương vị thơm ngon của món ăn.
Lá chuối hột thường được cung cấp cho các cửa hàng làm bánh, gói giò chả, nem chua hay bọc hàng hóa...
Bà Thân (Hà Nội) - một người chuyên cung cấp lá chuối cho biết, mỗi ngày gia đình bà thu được 2 tạ lá chuối, bán với 10.000 đồng/kg.
Giá bán lá chuối hột có thể lên đến 15.000 đồng/kg nếu chất lượng tốt, hình thức lá xanh, đẹp.
Công việc thu lá chuối khá vất vả, nếu lượng lá chuối lớn, việc mang vác chúng để di chuyển cũng không hề đơn giản. Người thu hoạch lá cũng phải làm việc bất kể mưa nắng.
Khi hái, phải chọn những lá có màu xanh, không dập nát, bản to. Sau đó dùng dao để rọc 2 bên, loại bỏ phần cuống ở giữa.
Lá chuối sau khi hái xong sẽ được phân loại theo chất lượng, các lá không đảm bảo chất lượng được loại bỏ.
Lá tre là thứ lá mọc trong rừng núi và xuất hiện phổ biến ở các vùng quê. Từ xưa, nó được xem là loại lá ít giá trị, thường bị bỏ phí.
Nhưng ở một vùng của Hà Nội, lá tre lại trở thành mặt hàng xuất khẩu, đem lại thu nhập khả quan cho người dân.
Loại lá tre được thu mua là tre Bát Độ (hay còn gọi là bương). Khác với lá tre thường, tre Bát Độ có những chiếc lá to bản.
Những chiếc lá tre này được làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất nên được xuất khẩu ra nước ngoài để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm…
Mùa thu mua của lá tre Bát Độ bắt đầu từ tháng 5, 6 âm lịch đến tháng 10 hàng năm.
Hiện nay, giá thu mua lá tre khô là 40 nghìn đồng/kg, lá tre tươi là 10 -11 nghìn đồng/kg.
Bà Triệu - chủ cơ sở thu mua lá tre lớn nhất ở làng Đồng Chiêm (Hà Nội) cho biết, những năm trước, gia đình bà xuất khẩu tới hàng trăm tấn lá tre khô.
Ngoài giúp các chủ cơ sở làm giàu, công việc thu hái, phân loại lá tre còn đem thu nhập cho những người già trong làng.
Công việc của họ chỉ đơn giản là đếm lá tre kẹp vào thanh nứa đem vào lò sấy khô rồi phân loại đóng bao. Với 1 tạ lá tre được phân loại, người làm thuê sẽ được trả 50 nghìn đồng.
Mỗi ngày có người làm được 2 tạ, nhiều hơn thì khoảng 3 tạ. Nếu làm đều việc, họ sẽ có khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.
Lá bàng khô trước kia vốn bị coi là rác, nhưng gần đây, chúng lại được nhiều người chuyên chơi cá cảnh tìm mua.
Thời điểm năm 2020, lá bàng khô đang được rao bán với giá 1.000 đồng/lá, nếu mua nhiều sẽ được giảm giá. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng cũng bán 100.000 đồng/kg lá bàng khô.
Không chỉ được bán tại các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ sinh vật cảnh, trên các trang thương mại điện tử, nhiều gian hàng cũng đua nhau đăng bán sản phẩm này với giá dao động từ 800 – 1.000 đồng/lá.
Được biết, những người nuôi cá cảnh sử dụng sản phẩm này để giúp diệt ký sinh trùng và một số loại vi khuẩn gây bệnh cho động vật thủy sản.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, trong lá bàng khô có chất được sử dụng để tạo màu, ngăn ngừa một số vi khuẩn và các loại nấm trên cá rồng và các loài cá ưa nước mềm như cá dĩa, cá thìa lìa…
Một chủ cửa hàng chuyên bán sản phẩm hỗ trợ nuôi cá cảnh chia sẻ, chiết xuất từ lá bàng sẽ tái lập một môi trường gần tự nhiên hơn cho các loài cá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.