Ông Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La khẳng định tại buổi thông tin báo chí vào tháng 7.2018.
Con lãnh đạo trong danh sách nâng điểm
Được nhìn nhận là “nghiêm trọng và tinh vi”, vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình đang dần được sáng tỏ, với việc hàng loạt cán bộ bị khởi tố, thí sinh gian lận bị trả lại điểm thật.
Kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 114 thí sinh Hà Giang với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Hòa Bình có 64 thí sinh và Sơn La có 44 người được chỉnh sửa điểm thi.
Có thí sinh từ 0 nâng lên 9 điểm. Có người được nâng từ điểm liệt thành thủ khoa. Trong số những thí sinh này, không ít em là con, cháu của quan chức tại các địa phương.
Đáng chú ý, tại Sơn La, xuất hiện thông tin có 3 thí sinh là con của Phó Chủ tịch huyện, TP cũng nằm trong danh sách được nâng điểm thi.
Trong đó, nguồn tin của Lao Động, một thí sinh là con gái của Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai có được nâng điểm.
Thí sinh này có điểm thi Toán và Ngoại ngữ lần lượt là 9,8 và 9,8. Tuy nhiên, sau khi qua chấm thẩm định, điểm thực bài thi giảm xuống còn 5,8 điểm ở môn Toán và 2,8 điểm ở môn Ngoại ngữ.
Còn theo VOV, T – con trai của một Phó Chủ tịch UBND TP.Sơn La được nâng tới 12,15 điểm để đỗ vào Học viện An ninh nhân dân.
Một thí sinh nữa là con gái của một Phó Chủ tịch UBND TP.Sơn La cũng có trong danh sách 44 thí sinh bị hạ điểm sau chấm thẩm định. Thí sinh được nâng 4,45 điểm và trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự.
Điểm thi của 3 thí sinh là con của Phó Chủ tịch huyện và UBND TP.Sơn La.
Các lãnh đạo nói gì trước nghi án con được nâng điểm?
Những ngày qua, PV đã liên hệ với 3 vị lãnh đạo huyện, TP trên để xác minh thông tin, hỏi lý do con cái của các vị này được nâng điểm.
Trao đổi với Lao Động, lúc đầu, ông D - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai - nói rằng ông không biết việc con mình bị hạ điểm sau chấm thẩm định vì chưa thấy ai thông báo.
Sau đó, ông lại nói con mình được nâng điểm môn tự nhiên, nhưng đã không dùng tổ hợp này để xét tuyển đại học nữa, mà dùng tổ hợp xã hội.
Ông D khoe con mình học giỏi ở trường chuyên và đã đỗ đại học đàng hoàng. Hiện đang học luật ở Hà Nội.
Ông D cũng khẳng định gia đình không có sự tác động nào để con mình được nâng điểm.
Trong khi đó, ông Q - Phó Chủ tịch UBND TP.Sơn La - bày tỏ bất ngờ và bức xúc trước thông tin con ông được nâng điểm.
"Tôi đang làm thủ tục để gửi Sở GDĐT Sơn La phúc khảo lại điểm cho con. Hôm qua, tôi gọi điện hỏi con, con nói rất bức xúc và muốn phúc khảo lại điểm này. Tôi không nhờ vả ai để nâng điểm cho con cả"- ông Q thông tin.
Khi PV tiếp tục hỏi: "Ông có chắc chắn mình và gia đình không tác động gì để nâng điểm cho con đỗ vào trường quân đội?", ông D nhấn mạnh: "Tôi khẳng định không có tác động ở đâu, không có chuyện đó".
Trước đây, khi vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang bị phanh phui, khi thấy tên của con gái mình trong danh sách được nâng điểm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đã lên tiếng khẳng định không biết gì về việc con mình được nâng điểm.
Vợ của một Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang, khi được hỏi vì sao con bà được nâng điểm, bà cũng ngạc nhiên: “Việc nằm trong danh sách được nâng điểm chính cháu cũng không biết và gia đình chúng tôi càng không có chủ trương, sắp xếp”.
Giờ đến lượt rất nhiều con em lãnh đạo ngành giáo dục, thuế, kiểm lâm, công an ở Sơn La cũng nằm trong danh sách được nâng điểm. Một số người cũng nói không biết vì sao.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn: "Tại sao hầu hết việc nâng điểm đều rơi vào cán bộ lãnh đạo dù to hay nhỏ, tới lãnh đạo trong ngành giáo dục, con em doanh nhân mà không nâng điểm cho những đối tượng yếu thế như con em nông dân, gia đình có hoàn cảnh…?".
Ông cho rằng đây cũng là băn khoăn của nhiều người dân và mong cơ quan điều tra cần làm rõ. Có hay không việc dùng tiền, quyền để tác động nâng điểm cho con? Nếu có, cần phải xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự. Còn không, các lãnh đạo này cũng cần được trả lại danh dự.
|
Đặng Chung (Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.