Sáng 11.4, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo khoa học cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng.
Quyền lực là bệ đỡ cho tham nhũng
Ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước mà còn làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin và cản trở ỗ lực giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu tại hội thảo
Từ lý luận và thực tiễn chống tham nhũng cho thấy, thực chất tham nhũng là xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực. “Không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra, tha hóa quyền lực là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng tồn tại và phát triển”, Phó Tổng kiểm toán nhấn mạnh.
Phó Tổng KTNN cho rằng, quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối. Quyền lực càng lớn tha hóa càng lớn. Cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu tín nhiệm và lương tâm là xảy rat ham nhũng, “dĩ công vi tư”. Chính vì vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực là hết sức quan trọng và cần thiết.
“Quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt. Nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta sẽ không thể đạt hiệu quả”, Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh thừa nhận.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định tham nhũng phải gắn liền với quyền lực. “Chúng ta đã từng có những vụ án rất thú vị, khép tội tham nhũng một ông chẳng có quyền lực gì. Vô lý kinh khủng khiếp”, ông Ánh nhận mạnh.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế
Theo TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tham nhũng phải có quyền lực. Chính vì vậy, muốn phòng chống tham nhũng thì phải kiểm soát quyền lực.
Không chỉ vậy, việc phát hiện sớm ngăn chặn kịp thời không để tham nhũng phát sinh cũng là một yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng.
“Phải phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời không để tham nhũng phát sinh. Nếu để người ta tham nhũng tới hàng nghìn, chục nghìn tỷ mới phát hiện ra thì công tác chống tham nhũng của chúng ta quá dở chứ không phải quá tốt. Tôi cho là như vậy. Đừng để cái lò nhét củi tươi vào cũng cháy. Rất nguy hiểm. Củi tươi đâu phải năng lượng để chúng ta đem đốt”, TS. Vũ Đình Ánh bày tỏ.
Xét về phạm vi tham nhũng, theo TS. Vũ Đình Ánh, tham nhũng lớn nhất nhiều nhất là ở lĩnh vực tài chính công, tài sản công, đặc biệt là việc tham nhũng quyền lực.
Nhìn từ vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La, Hà Giang hay Hòa Bình trong kỳ tuyển sinh vừa qua, vị chuyên gia này đặt câu hỏi, gian lận điểm thi là vi phạm quyết định thi cử hay tham nhũng?
“Việc gian lận điểm thi ở Sơn La, Hà Giang hay Hòa Bình vừa qua chỉ là vi phạm quyết định thi cử hay tham nhũng. Sâu xa hơn nữa là tham nhũng quyền lực? Trong vụ việc gian lận điểm thi này, có bàn tay quyền lực can thiệp vào đó không? Việc gian lận này được xây dựng dựa trên sử giả dối, dựa trên tiền bạc của một người, một nhóm người nào đó. Không phải “tự nhiên” từ 0 điểm hay 0,25 điểm bằng 27 điểm. Không học sinh chuyên toán nào giải được bài toán này cả”, TS. Vũ Đình Ánh bức xúc.
Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực đa chiều
Đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, TS. Nguyễn Minh Phong dẫn dụ vụ việc của Vinashin trước đây có tới 12 đoàn vào kiểm tra vào cuộc nhưng không phát hiện ra vi phạm, chỉ đến đoàn thứ 13 mới thực sự có kết quả. Vậy cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào? Trên thực tế có tình trạng khi đương chức khó phát hiện và chỉ khi về hưu rồi mới phát hiện được vi phạm.
Như vậy nghĩa là chúng ta đang phải chạy theo hệ quả, đi xử lý hậu quả chứ chưa phải ngăn ngừa hậu quả xảy ra. Nhấn mạnh đến việc phải đưa ra cơ chế để PCTN, kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn, ông Phong dẫn dụ, Tổng thống Trump khi đưa ra cơ chế gì, lập tức Quốc hội sẽ có cơ chế kiểm soát, thậm chí họ còn kiện Tổng thống khi ban bố tình trạng khẩn cấp không đúng luật.
“Chúng ta phải có cơ chế kiểm soát quyền lực đa chiều, đa phần, đa cấp để PCTN có hiệu quả hơn, ngăn ngừa xảy ra trước khi đi giải quyết hậu quả. Muốn vậy cần phải định vị trách nhiệm cá nhân rõ ràng, nghiêm khắc và phải được quy định bằng pháp luật. Chúng ta có Luật PCTN nhưng luật kiểm soát quyền lực còn đang thiếu hụt, phải được bổ sung trong thời gian tới”, ông Phong cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.