Liệu Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump có đủ khả năng ngăn chặn tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un?
Trước đó, hôm Chủ nhật, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng, nước này sắp thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Mỹ, ông Trump đã đăng thông điệp lên Twitter rằng, "chuyện đó sẽ không xảy ra".
Sự tự tin của ông Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu ông đã có cách trị được Triều Tiên, chặn đứng chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này khi 3 vị tổng thống tiền nhiệm của ông đã thất bại?
Theo giới chuyên gia phân tích, chính quyền Donald Trump đang đứng trước thế khó để đối phó với Triều Tiên khi nước này đã nhiều lần thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như Liên Hợp Quốc để tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân. Các chính quyền trước Trump, bao gồm chính quyền Obama dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng đều đã không thành công để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Kể từ chính quyền Bill Clinton, Mỹ đã cố gắng sử dụng biện pháp dùng viện trợ để cố gắng thuyết phục Triều Tiên giải trừ quân bị. Một thỏa thuận năm 1994 cho phép Triều Tiên sản xuất năng lượng hạt nhân và bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã sụp đổ sau khi Bình Nhưỡng bị phát hiện sử dụng uranium để sản xuất vũ khí.
Năm 2006, dưới thời chính quyền George W. Bush, Triều Tiên đã thử hạt nhân lần đầu tiên, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc khiến nước này bị cô lập về chính trị cũng như kinh tế.
Năm 2009, dưới thời chính quyền Obama, Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 2 sau khi rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân với 4 nước khác do Trung Quốc làm trung gian. Năm 2012, Bình Nhưỡng tiếp tục mang đến cho chính quyền Obama "một vố đau" khi phóng tên lửa tầm xa, phá hỏng thỏa thuận đổi viện trợ lương thực dể đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa với Mỹ.
Ông Trump đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống rằng, ông sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhưng không hề nêu bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn tham vọng vũ khí hạt nhân của ông Kim.
Một cố vấn trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump nói rằng, các biện pháp trừng phạt nặng nề sẽ là "một phần quan trọng trong mọi cuộc thảo luận về các tùy chọn có sẵn" đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong nhiều năm qua đã cho thấy không hiệu quả.
Ngoài ra, giới chuyên gia phân tích còn quan ngại rằng, quan điểm cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc, đồng minh ruột của Triều Tiên có thể sẽ gây cản trở nỗ lực ngăn Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.