Sáng nay, 31.7, tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân (VPSF), các doanh nhân đã mong muốn đại diện Chính phủ chia sẻ trước thông tin người Việt Nam dành hơn 3 tỉ USD để mua nhà tại Mỹ.
Theo ông DonLam, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital, con số thực có thể còn lớn hơn mức 3 tỉ USD mà báo chí trong nước dẫn từ báo cáo của một tổ chức ở Mỹ. "Điều này cho thấy môi trường đầu tư còn có nhiều rủi ro khiến giới doanh nhân chưa yên tâm. Chính phủ có cách gì để doanh nghiệp trong nước yên tâm rót tiền vào đầu tư?", ông DonLam nêu vấn đề.
Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông có nghe được ý kiến lý giải rằng con số này một phần nằm trong nguồn kiều hối mà kiều bào đưa vào, song sau đó chảy ra lại. Vì vậy, ông cho rằng cần phải soi kỹ để có được con số chính xác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, điều này cũng một phần cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam là tự do, nhưng ở một khía cạnh khác, rất cần suy nghĩ về câu chuyện này. "Ví dụ như có chăng vì vấn đề lãi suất USD bằng 0 chẳng hạn. Cho nên, ngành ngân hàng nên quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân", Thủ tướng nói.
Ảnh: Quang Phúc
"Chúng ta cần có chính sách đảo chiều dòng tiền nhằm thu hút đầu tư. Bởi vì đã có những ví dụ rất thành công như một số quỹ đầu tư nước ngoài, từ chỗ chỉ 10 triệu USD thì nay đã lên đến 3 tỉ USD. Do vậy, phải tạo điều kiện để hút dòng tiền vào trong nước thông qua tiếp tục cải cách môi trường đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ở một thông tin có liên quan, tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) đã công bố chỉ số Niềm tin doanh nhân (CEO.CI) năm 2017 với 44% doanh nghiệp đã từng lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường.
Gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát của VPFS cho rằng các rào cản trong quy định/luật lệ khiến doanh nghiệp của họ chịu thiệt hại bằng cách này hay cách khác. Như vậy hệ thống các quy định chồng chéo không rõ ràng, thiếu hiệu quả đang khiến khu vực tư nhân tốn thêm các chi phí và thời gian không chính thức và khiến khu vực này kém cạnh tranh hơn.
Đây là cuộc khảo sát có sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia MBI (ADB) nhằm khảo sát đội ngũ Doanh nhân lãnh đạo (CEO) các công ty về "sức khỏe'' của doanh nghiệp, thông qua đó phản ánh, đánh giá ''sức khỏe'' của các ngành, lĩnh vực kinh tế trong nước.
Các doanh nghiệp chỉ dành cho môi trường kinh doanh 46/100 điểm, khá thấp so với mức điểm 64 họ chấm cho hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.
Chỉ có 33-37% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhìn thấy những thuận lợi trong ngành kinh doanh của mình, trong hoạt động của doanh nghiệp cùng ngành. Đặc biệt, dù có tới 63% doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, nhưng có tới 44% doanh nghiệp đã từng lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường.
Nhưng rào cản bao gồm: Giấy phép con quá nhiều; khởi nghiệp khó/không xin được giấy phép do ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai; tiếp cận vốn; chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Chính vì vậy, tại diễn đàn VPFS lần 2, khảo sát trực tiếp từ các doanh nghiệp tham gia diễn đàn cho thấy 65% doanh nghiệp muốn chính phủ hành động (trong thông điệp: liêm chính- kiến tạo- hành động).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chìa khoá tăng trưởng kinh tế Việt Nam nằm ở kinh tế tư nhân. Các cỗ máy tăng trưởng ở các thành phố, tỉnh cũng chủ yếu là kinh tế tư nhân. Tư nhân làm tốt thì nhà nước phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
“Vì vậy Chính phủ sẽ phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa. Tôi mong rằng trong thời gian tới kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 60% GDP, trước mắt là mục tiêu 50%”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.