30 con trâu tốt, khỏe, bệ vệ được "ngắm" đi những đường cày đầu tiên ở Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024
30 con trâu tốt, khỏe, bệ vệ được "ngắm" đi những đường cày đầu tiên ở Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024
Hồng Nhân
Thứ tư, ngày 14/02/2024 14:16 PM (GMT+7)
Ngày 14/2, chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Văn Thập - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên (Hà Nam) cho biết, địa phương đã chọn gần 30 con trâu tốt, trâu khỏe tham gia Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Huy Hoàng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) cho biết, địa phương đã chuẩn bị chu đáo để đón nhân dân đến với Lễ hội Tịch điền.
"Hiện, chúng tôi đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho lễ hội. Đến thời điểm hiện tại thời tiết vẫn đang ủng hộ địa phương. Chúng tôi hi vọng sẽ tổ chức Lễ hội Tịch điền thật trang trọng, khí thế, đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, mang đậm dấu ấn của vùng quê Duy Tiên, Hà Nam văn hiến", ông Hoàng nói.
Liên quan đến việc chọn trâu cho Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024, sáng 14/2, ông Phạm Văn Thập - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết, hiện đã chọn gần 30 "lão" trâu tốt, khỏe và đẹp để xuống ruộng đi cày.
"Như thông lệ những năm trước, trâu được chúng tôi chọn kĩ từ những hộ nuôi trâu trong thị xã. Năm nay địa phương vẫn duy trì hội thi trang trí trâu, nhưng trâu được chọn cày Tịch điền không tham gia hội thi này", Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên nói.
Ông Nguyễn Văn Cương (70 tuổi) - người có nhiều năm tham gia Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn cho biết, năm nay nhà ông có 2 con trâu được lựa chọn, chú trâu gần 30 tuổi vẫn được đánh giá cao.
"Hiện, chưa rõ con trâu nào được lựa để xuống đồng, thế nhưng nếu trâu được chọn cho vua đi cày, về mặt tinh thần không có gì để thay thế được", ông Cương nói.
Theo đó, Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn năm 2024 được tổ chức trong 3 ngày, từ 14/02 đến 16/02/2024 (tức từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), địa điểm tại khu vực chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn.
Các bước tiến hành và diễn trình nghi lễ của lễ hội do Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch xây dựng.
Các hoạt động diễn ra trong lễ hội có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần hội gồm có: Lễ cáo yết, Lễ rước nước lên Đàn tế, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an trên chùa Đọi Sơn, Lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành Hoàng và kiệu tổ nghề trống, Lễ Tịch điền, Lễ dâng hương trước bàn thờ Thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành.
Đối với phần hội, có các giải thể thao, triển lãm các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, triển lãm của hội sinh vật cảnh, hội thi vẽ, trang trí trâu, tổ chức các trò chơi dân gian, thi làm bánh dầy của các dòng họ làng Đọi Tam, thi kéo co giữa các làng trong xã, khai mạc giải vật Tịch Điền thị xã mở rộng năm 2024, biểu diễn nghệ thuật và đốt pháo bông, pháo thăng thiên tại lễ hội.
Lễ Tịch điền năm nay có nhiều đổi mới so với các năm, theo đó, cùng với đội múa Rồng sẽ có thêm đội múa Lân khai hội. Đây cũng là năm đầu tiên tổ chức cuộc thi cày tranh giải Nhất, Nhì, Ba giữa các đội thuộc các thôn trên địa bàn xã Tiên Sơn.
Lễ hội Tịch điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) diễn ra vào ngày mùng 7 Tết hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của đất nước dịp Tết đến xuân về.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông khai mở.
Mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền.
Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại cho đến ngày nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.