300 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán một loài cá đi khắp thế giới, bán cho Mỹ, Trung Quốc nhiều nhất

K.Nguyên Thứ tư, ngày 03/08/2022 14:01 PM (GMT+7)
6 tháng đầu năm 2022, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang 136 thị trường, thu về 1,4 tỷ USD, tăng gần 77% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trung bình xuất khẩu tăng mạnh là yếu tố chính giúp giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh.
Bình luận 0

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hai thị trường Trung Quốc và Mỹ chiếm tới 55% xuất khẩu cá tra của Việt Nam. 

Trong đó, Trung Quốc chiếm 30% với gần 428 triệu USD, tăng gần 79% so với cùng kỳ; Mỹ chiếm 25% với 356 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với nửa đầu năm 2021.

Giá trung bình xuất khẩu cá tra tăng mạnh là yếu tố chính giúp cho giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh. 

Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là 2,45 USD/kg, tăng 37% so với mức 1,79 USD/kg cùng kỳ năm 2021.

Giá cá tra phile xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trung bình 4,66 USD/kg, tăng 60% so với 2,93 USD/kg cùng kỳ năm 2021. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng từ 28 – 66%.

300 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán một loài cá đi khắp thế giới, bán cho Mỹ, Trung Quốc nhiều nhất - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 136 thị trường, thu về 1,4 tỷ USD, tăng gần 77% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: VASEP.

Lạm phát gia tăng kỷ lục ở Mỹ, giá thực phẩm tăng 20-30%, cá tra tăng 22% so với đầu năm ở chuỗi siêu thị bán lẻ. VASEP đánh giá đây là một trong những yếu tố thúc đẩy giá nhập khẩu cá tra của Mỹ từ Việt Nam tăng mạnh.

Giá xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Mỹ cũng tăng lên mức 4,6 - 4,89 USD/kg trong quý II/2022. Tuy nhiên, VASEP dự báo trong quý III/2022, giá xuất khẩu trung bình này giảm do giá nguyên liệu trong nước giảm mạnh gần 10.000 đồng/kg so với quý trước.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Mỹ.

Trừ xuất khẩu sang Nga giảm 30% do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, còn lại tất các thị trường khác đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

Đứng ngay sau Mỹ và Trung Quốc là Mexico và Thái Lan đều tăng đột phá nhập khẩu cá tra của Việt Nam. 

Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng 81%, sang Thái Lan tăng 90%. Hai thị trường này chiếm lần lượt 3,7% và 4,4% xuất khẩu cá tra. Tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng cùng với sự bùng nổ nhập khẩu của các thị trường khác như Hà Lan tăng 74%, Canada tăng 109% và hầu hết các thị trường đều tăng trưởng từ 2-3 con số.

Nhóm sản phẩm cá tra phile, cắt khúc đông lạnh chiếm hơn 88%, với 1,25 tỷ USD, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cá tra tươi/nguyên con/khô chiếm gần 10,8% với 154  triệu USD, tăng 30%; còn lại cá tra chế biến (cá tra tẩm bột, da cá, bao tử cá…) chiếm 1,4% với 21 triệu USD, tăng 111%.

VASEP cho biết, 6 tháng đầu năm nay có hơn 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra. Top 5 doanh nghiệp gồm Công ty CP Vĩnh Hoàn chiếm 16% doanh số, Công ty TNHH Thuỷ sản Biển Đông chiếm 6%, Công ty TNHH Chế biến TP xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang chiếm 5%, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I chiếm 5% và Công ty CP Nam Việt chiếm 4,7%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem