30-4: Thắng lợi của cả dân tộc

Thứ hai, ngày 30/04/2012 07:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Sau 30.4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”.
Bình luận 0

Sau ba mươi năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó” (1).

Ở vào vị thế địa-chính trị ngặt nghèo của "trứng chọi đá", phải thường trực cảnh giác với tham vọng bành trướng của các thế lực phong kiến phương Bắc, nhân dân ta luôn phải lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, vì vậy phải tìm mọi cách phát huy đến mức cao nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lấy đó làm kim chỉ nam dẫn đến mọi thắng lợi.

img
Các mũi tiến công của quân và dân Thừa Thiên - Huế tiến vào giải phóng TP. Huế. Ảnh chụp trước cửa Ngọ Môn trưa 26.3.1975.

Có thể nói, “đại đoàn kết dân tộc là một tư tưởng chính trị lớn, đồng thời là một đạo đức lớn… Tư tưởng và đạo đức ấy coi đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc ta từ ngàn xưa, là sức mạnh vô địch của cách mạng nước ta hiện nay và sau này. Tư tưởng và đạo đức ấy thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, tình tương thân tương ái của con người, sự độ lượng bao dung và lòng quý trọng từng nhân cách, tập hợp được đông đảo nhân dân, động viên được công sức tài năng của mọi người, không bỏ rơi, không để sót một ai. (2)

Vào dịp kỷ niệm ngày 30.4. ngày hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, non sông quy vào một mối, nhắc lại bài học lịch sử nói trên có một ý nghĩa thực tiễn hết sức lớn. Mọi "cao đàm khoát luận" sẽ trở nên rỗng tuếch và phản cảm nếu người dân đối chiếu với những giải pháp chính sách, những hành động, những lời nói và việc làm cụ thể không biểu hiện được điều đó mà lại làm phai nhạt hoặc đi ngược lại bài học ấy.

Càng thiết thực và có ý nghĩa trực tiếp hơn khi hiểu rằng bài học đại đoàn kết dân tộc cũng là bài học của "tinh thần hòa hợp dân tộc", bài học về "sự độ lượng bao dung và lòng quý trọng từng nhân cách", do vậy mà "tập hợp được đông đảo nhân dân, động viên được công sức tài năng của mọi người, không bỏ rơi, không để sót một ai".

Để sáng tỏ hơn nữa điều này, xin nhắc lại tư tưởng chỉ đạo trong bức thư năm 1972 của Lê Duẩn "Gửi Trung ương Cục miền Nam về những công tác cấp bách ở miền Nam sắp tới": "Theo tinh thần hòa hợp dân tộc, cách mạng chủ trương "đại xá" đối với những người đã tham gia các tổ chức chính trị hoặc vũ trang của địch. Tất cả những ai thấy được tội lỗi, đoạn tuyệt với quá khứ, quay về đường ngay lẽ phải, đều có chỗ đứng trong lòng dân tộc...

Chính sách của chúng ta lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, tuyệt đối không báo oán, trả thù"(3). Đáng tiếc rằng, tư tưởng cao đẹp thấm nhuần sâu sắc truyền thống nhân ái và khoan dung của dân tộc ấy đã không được chấp hành một cách nghiêm cẩn.

Ấy vậy mà, những ý tưởng ấy chính là sự kế thừa một cách trung thực và sáng tạo truyền thống nhân ái và khoan dung của ông cha ta, cội nguồn của ý chí và sức mạnh Việt Nam. Thì đây: Đại Việt sử ký toàn thư. Quyển X. Kỷ Nhà Lê đã chép chỉ dụ của Lê Thái Tổ: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức... tha mạng sống cho ức vạn người để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?”.

Cũng Đại Việt Sử ký. Quyển V. Kỷ Nhà Trần chép: "Trước kia, khi người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi...".

Vào thế kỷ XVIII, người chỉ huy đánh tan 29 vạn quân xâm lược phương Bắc, Quang Trung Nguyễn Huệ, đã từng nói với Ngô Thời Nhiệm: "Nay ta đến đây tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi... nhưng nước Thanh lớn hơn nước ta đến mười lần, bị thua chắc phải tìm cách rửa hận. Nếu cứ để binh lửa liên miên, thực không phải là phúc của nhân dân, lòng ta sao nỡ. Vì vậy, sau khi thắng trận phải khéo dùng từ lệnh thì mới dập tắt được lửa binh".

"Gò Đống Đa" với bài văn tế những tên xâm lược xấu số là một biểu hiện sống động của "từ lệnh" đó: "Nay ta cho thu nhặt xương cốt chôn vùi. Bảo lập đàn bên sông cúng tế. Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc. Xuất của kho đắp điếm đống xương khô. Hồn các ngươi đừng vất vưởng dưới trời Nam. Hãy lên đường quay về nơi hương chỉ". Chỉ nửa năm sau "sự kiện Đống Đa", Quang Trung đã lập lại quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh!

Kế thừa và đẩy lên đỉnh cao truyền thống nhân ái và khoan dung đó của dân tộc, Hồ Chí Minh đưa thêm nội dung dân chủ và tự do vào trong đó để chỉ ra tính chất "huynh đệ tương tàn" trong "cuộc chiến tranh giữa những người cùng theo đuổi một lý tưởng Tự do - Bình đẳng - Bác ái và chế độ dân chủ.

Trong thư trả lời bà Chossi viết ngày 22.9.1946 trên chiến hạm D.Durvin của Pháp có đoạn: "Trong khi một bà mẹ Pháp thương khóc đứa con mình thì có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vừa thương khóc những người con bị giết, lại vừa đau xót vì nỗi nhà tan, cửa nát... Phải chấm dứt cuộc huynh đệ tương tàn này. Người Việt Nam và người Pháp chúng ta cũng theo đuổi một lý tưởng giống nhau: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Chúng ta cùng có mục đích giống nhau là chế độ dân chủ... (4)

Đừng quên rằng ở đây, đối tượng của bức thư là người Pháp, tác giả lại là người hiểu biết sâu sắc văn hóa Pháp nói riêng và văn hóa phương Tây nói chung. Phải từ tầm cao văn hóa đó mới vận dụng và phát huy được bản lĩnh truyền thống văn hóa dân tộc mà nội dung cốt lõi của nó là tư tưởng nhân ái và khoan dung "thương người như thể thương thân". Những lời Hồ Chí Minh nói với các bà mẹ Pháp qua bức thư nói trên là những lời nói chân thành tự đáy lòng chứ không dừng lại ở ngôn từ ngoại giao mang tính cập nhật chỉ có ý nghĩa thời đoạn.

Thấm nhuần sâu sắc tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, một người thường trực đứng nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc chiến đấu khốc liệt, đã thẳng thắn nói lên một sự thật mà không phải ai cũng dám nhìn thẳng vào sự thật ấy để đưa ra những quyết sách: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy.

Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... Chính vì thế “…nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do thù hận vì bại, kiêu vì thắng thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ? (5).

Ngẫm cho kỹ đây cũng chính là tinh thần cơ bản của đạo lý dân tộc được khởi nguồn từ hơn nghìn năm trước đây với những quan điểm của Khúc Hạo năm 907 mở đầu cho thời kỳ tự chủ thoát khỏi ách Bắc thuộc, đặt cơ sở vững chắc cho nền độc lập, được xem là "cương lĩnh dựng nước": "Chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị" khiến cho "trăm họ đều được yên vui".

Chắc rằng, vào ngày kỷ niệm 30.4, non sông quy vào một mối, nhắc nhở để phát huy tinh thần cơ bản trong đạo lý dân tộc là một việc nên làm.

1 và 5. Võ Văn Kiệt: Người thắp lửa. NXB Trẻ. 2010, tr. 468, tr. 467.

2. Phạm Văn Đồng: “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh”.   Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội 1998, tr. 186.

3. Lê Duẩn: “Thư vào Nam”. NXB Sự thật, Hà Nội 1986, tr.342.

4. Hồ Chí Minh toàn tập,Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội 1995, tr.303.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem