|
Một số hộ dân có ruộng trên cánh đồng Cây Gõ bức xúc vì bị loại khỏi danh sách đền bù. |
Từ sau ngày Công ty Vedan bị bắt quả tang xả thải trái phép ra môi trường, nhiều người đã biết đến địa danh “Cánh đồng Cây Gõ” thuộc ấp 1A, xã Phước Thái (huyện Long Thành) qua các phương tiện thông tin đại chúng. 31 hộ dân sinh sống tại đây (canh tác trên diện tích 21ha lúa và một ít vườn điều, xoài) đã phải ly tán mỗi nhà mỗi nơi bằng các nghề khác nhau kiếm sống qua ngày do nước thải trực tiếp từ Nhà máy Vedan xả ra làm đất trên cánh đồng bị chai cứng, không thể canh tác được.
Theo họ, do ở “sát vách” Vedan, khí thải từ nhà máy của Vedan khiến nhiều loại cây trồng bị chết, một số nhà lợp tôn thì bị gỉ sét, mục nát dần...
Giám sát chi trả tiền bồi thường cho dânTrung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa có công văn gửi Hội Nông dân 3 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai về việc phối hợp giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân do Công ty Vedan gây ra. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam yêu cầu, Hội Nông dân các địa phương trên phối hợp với chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành có liên quan, thông báo tới các hộ dân bị thiệt hại, giám sát việc thực hiện chi trả tiền bồi thường cho Nông dân , tránh tình trạng xảy ra khiếu kiện trong quá trình bồi thường và báo cáo kết quả phối hợp thực hiện về T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.
Thế nhưng, mới đây khi họ đến UBND xã Phước Thái kê khai lại để được đền bù thiệt hại thì được cán bộ môi trường cho biết: “Vedan chỉ đền bù thiệt hại về nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản, không đền bù thiệt hại cho cây trồng”. Họ bị loại khỏi danh sách các hộ được đền bù.
Trước đó, trong hai năm 2008-2009, 31 hộ trên đã hai lần kê khai, làm đơn yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại, gửi đến Công ty Vedan, chính quyền, Hội ND xã Phước Thái và một số ngành liên quan nhưng chưa được giải quyết.
Chiều 17-8, phóng viên NTNN đến cánh đồng Cây Gõ để tìm hiểu. Nhiều người trong số 31 hộ dân nói trên khi gặp chúng tôi đã hết sức bức xúc. Bà Trương Thị Hoa (65 tuổi, có hơn 5.000m2 đất lúa tại cánh đồng bỏ hoang do chất thải của Vedan) gạt nước mắt nói với chúng tôi: “Tôi chừng này tuổi đầu mà phải đi ở đợ để kiếm cơm. Còn chồng và 8 đứa con thì ly tán mỗi người mỗi nơi, làm thuê, cuốc mướn lay lắt kiếm sống qua ngày”.
Còn anh Lê Trung Kiên, 46 tuổi thì kể: Gia đình tôi có 16.300m2 đất canh tác lúa. Từ năm 1995, sau khi nhà máy của Công ty Vedan hoạt động xả thải ra làm đất chai cứng, cây lúa không ngóc đầu lên được. Hai vợ chồng cùng hai đứa con phải bỏ ruộng đi làm mướn cho nhà giàu, kiếm ăn hàng ngày. Gia đình bà Nguyễn Thị Neo có 11 người đều phải tứ tán khắp nơi tìm kế sinh nhai, bỏ lại căn nhà, qua mưa nắng trở nên hoang tàn, đổ nát...
Vedan bắt đầu chuyển tiền bồi thường
Đúng 17 giờ 30 ngày hôm qua (17-8), đại diện của Công ty Vedan đến ngân hàng và hoàn thành thủ tục ký phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán của Vedan gửi cho Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh. Số tiền chuyển đợt 1 là 22,874 tỷ đồng.
Theo dự kiến, hôm nay (18-8) Công ty Vedan sẽ chuyển chuyển 50% số tiền bồi thường thiệt hại đợt I và 500 triệu đồng chi phí điều tra, xác minh thiệt hại cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau khi nhận được số tiền này, danh sách 1.255 hộ dân bị thiệt hại sẽ được niêm yết công khai trong 10 ngày để giải quyết khiếu nại, thắc mắc của bà con và 5 ngày tiếp theo ngân hàng sẽ phát tiền bồi thường cho dân.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.