"Bóng ma" vũ khí hóa học

Thứ bảy, ngày 22/06/2013 07:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ba năm sau ngày xảy ra các cuộc biểu tình đẫm máu ở Syria, đất nước này vẫn đang lặn ngụp trong vòng xoáy của nội chiến. Nay, những nhân tố mới dần xuất hiện, Syria đang có nguy cơ trở thành một Iraq thứ hai.
Bình luận 0

Kịch bản vũ khí hóa học

Mỹ và các đồng minh đang cố gắng thay đổi cán cân trong cuộc nội chiến ở Syria theo hướng có lợi cho lực lượng nổi dậy trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ngày càng chiếm ưu thế tại một trong những quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng nhất ở Trung Đông này.

img
Một tay súng nổi dậy ở Syria bên chiếc xe tăng vừa “cướp” được của quân đội

Việc Mỹ do dự can thiệp vào một cuộc chiến nữa ở Trung Đông, do bóng đen của cuộc chiến ở Iraq vẫn còn bao trùm khắp nước Mỹ, đã khiến cho cán cân quân sự đang nghiêng về lực lượng của ông Assad. Hơn nữa, trong những tuần gần đây, quân đội Syria được tiếp viện bởi nhóm vũ trang Hezbollah theo dòng Shi'ite tại Lebanon đã chiếm được thị trấn chiến lược Qusair giáp biên giới Lebanon. Các tay súng Hezbollah và lực lượng của ông Assad cũng đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công lớn vào thành phố Aleppo hiện do lực lượng nổi dậy kiểm soát một phần.

Theo Phó Trợ lý Tổng thống về an ninh quốc gia Ben Rhodes, quyết định của ông Barack Obama về việc bắt đầu tiếp vũ khí cho phiến quân Syria là nhằm đáp lại việc chế độ Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống phe đối lập. Dường như, Cục Tình báo liên bang Mỹ (CIA) đang nắm những tài liệu xác nhận việc quân đội chính phủ Syria sử dụng chất sarin vào tháng Ba năm nay.

Phe đối lập ra sức cáo buộc quân đội chính phủ Syria đã dùng vũ khí hóa học. Trong khi cuối tháng Năm vừa qua, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ gần biên giới Syria 12 chiến binh đối lập mang theo container chứa chất sarin.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ý hoài nghi về tuyên bố Syria sử dụng vũ khí hóa học, bởi họ vẫn nhận thấy có điều gì đó na ná như kịch bản vũ khí hóa học đã từng xảy ra ở Iraq mà sau này, nhiều bằng chứng cho thấy, người Mỹ đã từng dùng thông tin giả mạo về vũ khí hủy diệt hàng loạt để biện minh cho cuộc xâm lược Iraq.

Năm 2003, cựu Ngoại trưởng Colin Powell còn trình trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một chất độc màu trắng trong ống nghiệm, dường như được CIA tìm thấy ở Iraq. Năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian London, ông Powell tự thừa nhận rằng đó là sự lừa dối, CIA và Lầu Năm Góc cung cấp những thông tin không được xác minh.

Liệu Trung Đông có bị lôi kéo?

Sự kiện nhóm vũ trang Hezbollah từ Lebanon kéo quân sang Syria trực tiếp giúp chế độ Damas đã tạo thêm hận thù giữa hai hệ phái đạo Shiite và Sunni. Giới phân tích lo ngại nội chiến tại Syria sẽ gây rối loạn khắp Trung Đông khi những khác biệt giữa hai dòng giáo phái này biến thành xung đột vì quyền lợi chính trị.

Nhận định về những rò rỉ từ truyền thông phương Tây liên quan đến việc Mỹ đang xem xét nghiêm túc thiết lập một vùng cấm bay ở Syria thông qua triển khai tên lửa phòng không Patriot và máy bay F-16 ở Jordani, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định bất cứ nỗ lực nào nhằm thực thi một vùng cấm bay ở Syria bằng phương pháp như trên sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

Để giúp quân đội chính phủ Syria tái chiếm thành phố chiến lược Qusseir, tổ chức Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Lebanon hy sinh 350 chiến binh sau 17 ngày chiến đấu. Lực lượng dân quân theo phái Shiite và do Iran tài trợ đã công khai tuyên bố lao vào cuộc nội chiến tại Syria, bên cạnh quân đội trung thành với Tổng thống Bachar Al Assad, cũng đang được các chiến binh hồi giáo Shiite người Iraq tiếp sức để đương đầu với lực lượng nổi dậy tại Syria, đa số là tín đồ hệ phái Sunni.

Lãnh đạo của Liên minh đối lập Syria, ông George Sabra tố cáo Hezbollah và hai nước Iran và Iraq đang có ý đồ kéo cả khu vực vào chiến tranh hệ phái tôn giáo. Chế độ Damas hiện nằm trong tay những người Hồi giáo Allaoui, một chi nhánh của hệ Shiite, trong khi đa số dân lại thuộc dòng Sunni, đứng bên lề xã hội và chính quyền.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra bạo loạn tại Syria. Trong thập niên 1980, cha của Tổng thống hiện tại đã đem quân đàn áp một phong trào đối lập tại Homs, sát hại hơn 20 ngàn người.Tham vọng của gia đình Al Assad xây dựng một chế độ độc quyền gia tộc dựa trên một thiểu số thống trị đa số, một lần nữa đã đưa Syria vào lửa đạn. Nhưng lần này quốc gia đa sắc tộc này đứng trước hai nguy cơ - hoặc bị chia cắt, hoặc xung đột triền miên, và tệ hơn nữa lôi kéo cả khu vực Trung Đông vào cuộc sau hai năm nội chiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem