"Đột nhập" xưởng tàu ngầm Trường Sa ở "quê lúa"

Thứ tư, ngày 09/04/2014 13:23 PM (GMT+7)
Hơi khó tin khi biết rằng chiếc tàu ngầm tự chế gây chú ý trong dư luận thời gian qua đã được đóng tại một xưởng sản xuất máy in ở “quê lúa” Thái Bình.
Bình luận 0
Công ty cơ khí Quốc Hòa nằm bên con đường nhỏ có tên Lý Bôn và nhìn ra một cánh đồng giữa TP.Thái Bình. Biển hiệu cho biết công ty này sản xuất máy in. Khi tôi đến nơi, khoảng 5 công nhân đang sơn sửa gì đó ở phần vỏ của chiếc tàu ngầm đặt trước sân, một người có vẻ như là bảo vệ ra hiệu cho tôi tự mở cổng vào.

Như một quả bom khổng lồ

Khuôn viên công ty rộng khoảng hơn nghìn mét vuông, một máy xúc đang phá chiếc bể bê tông lớn, đó chính là chiếc bể xây để thử tàu ngầm. Trong xưởng, công nhân đang lắp ráp những cỗ máy trông khá hiện đại đóng nhãn “Quốc Hòa”. Đó là những chiếc máy in dùng công nghệ flexo, dùng để in các loại tờ rơi, bao bì, nhãn mác…

Tàu ngầm Trường Sa trong xưởng, ảnh chụp chiều 7.4 - Ảnh: Hoàng Long
Tàu ngầm Trường Sa trong xưởng, ảnh chụp chiều 7.4 - Ảnh: Hoàng Long

Trong khi chờ được gặp giám đốc công ty, tôi ngắm nghía chiếc “tàu ngầm” quê lúa, nó trông như một quả bom khổng lồ với chiều dài 8,8 m và cao hơn 3 m, chỗ rộng nhất 2,8 m (tính cả các cánh). Một thợ hàn là anh Hoàng Văn Hiệp, Tổ trưởng tổ phôi, cho biết các anh đang làm cho con tàu đẹp thêm chứ không phải vì nó hư hỏng hay có gì cần nâng cấp sau cuộc chạy thử hôm trước.

Khi thử trong bể, con tàu còn một cánh đuôi, hai cánh lái phía trước, nhưng lúc này chỉ có bánh lái phía sau và 2 chân vịt hai bên. Hông tàu có hai cánh tà giúp tàu ngoi lên hay lặn xuống khi chạy ngầm. Đầu tàu có hình trứng, dùng tay gõ thử, chi tiết này không phát ra tiếng kim loại và tôi đoán nó được làm bằng composite cốt thép. Đáy tàu có chân để đứng cho vững, bên trong là khoang chứa hơn 4 m3 nước giúp tàu chìm. Máy chính ở ngay sau ghế lái, bên phải có một laptop, có thể nối với camera để quan sát…

“Ngông hay không là do quan niệm”

Phòng làm việc của Giám đốc Nguyễn Quốc Hòa được quây từ một góc xưởng sản xuất, bàn nước có một mô hình tàu ngầm Kilo, trên tường treo giấy chứng nhận giải thưởng công nghệ VIFOTEX, kèm giấy khen cho chi bộ đảng, tuy nhiên ông Hòa không là đảng viên.

Tàu dài 8,8 m, nặng 12,5 tấn, thân tàu cao 2,8 m, rộng 1,8 m; lượng choán nước 13 tấn, có thể lặn sâu 50 m trong 2 giờ. Động cơ công suất 90 sức ngựa, tốc độ khoảng 10 hải lý/giờ, chở được 4 người.

Hiện chưa có quy định nào về việc thử nghiệm tàu ngầm cũng như quy định về an toàn khi thử nghiệm tàu ngầm. Cũng chưa cơ quan chức năng nào cấp phép cho thử tàu ngầm nên chưa đơn vị nào có yêu cầu cụ thể về việc đảm bảo an toàn khi thử nghiệm. Tuy nhiên theo ông Hòa, trên tàu có hệ thống xả khí để nổi nhanh trong trường hợp đặc biệt. Trong tàu cũng có bình ô xy cho tình trạng khẩn cấp. Người lái tàu (duy nhất) để thử nghiệm (nếu có sự kiện này) cũng là ông Nguyễn Quốc Hòa.

Người đàn ông phong độ 57 tuổi nói về mình ngắn gọn: “Có thể gọi tôi là một kỹ sư hóa vì sau khi học chế tạo máy ở Đức, tôi tu nghiệp ở Khoa Hóa, Đại học Bách khoa. Năm 1990, từ ngành bưu điện, tôi ra ngoài mở công ty làm giấy và là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Thái Bình. Năm 2000, tôi chuyển sang chế tạo máy in. Công ty hiện có 40 công nhân, tăng trưởng mỗi năm 30%, doanh số khoảng vài chục tỉ”.

“Tầm này năm ngoái, khi báo chí nói nhiều về việc VN ta mua tàu ngầm, tôi nghĩ tại sao mình lại không làm được nhỉ? Tôi nghĩ mình chưa làm được vì là mình chưa dám làm thôi, chứ về nguyên tắc thì không khó”. Ông Hòa nói và cho biết đã lên mạng tìm tài liệu, rồi tự thiết kế và chỉ đạo thi công. Tháng 8.2013, con tàu bắt đầu được hàn ráp và hình thành với 3 hệ thống chính là động lực, điện, không khí. Động cơ là một máy tàu thủy cũ, mua gần 100 triệu đồng. Vỏ thì gò, hàn bằng tôn đóng tàu bình thường. Hóa chất được dùng cho hệ thống tuần hoàn khí để biến khí thải thành khí sạch. Đầu năm nay, ông Hòa xây một bể nước 120 m3 cho tàu lặn thử. Ngày 28.3, tàu ra hồ chạy nổi và được cho là đã thành công.

“Việc thử chạy ngầm thì phải ra sông hoặc biển và sẽ khó khăn hơn vì ta chưa có quy định về chạy thử tàu ngầm. Tôi đã hỏi một cơ quan của Bộ Quốc phòng để xin phép, họ bảo hỏi sang Bộ Khoa học - Công nghệ, sang Bộ Khoa học - Công nghệ thì được bảo là phải có dự án mà duyệt dự án có lẽ còn khó hơn việc đóng tàu”.

Chi phí cho con tàu là bao nhiêu, ông Hòa cười lấp lửng: “Ít nhất thì 100 triệu, là tiền mua cái máy chính, nhiều nhất thì có thể là 100 tỉ”. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết chỉ xây cái bể nước để thử lặn, nổi đã tốn gần 100 triệu, tiền phá nó đi cũng là 15 triệu đồng.

Lựa lời hỏi rằng có phải là một đại gia hay không mà chơi ngông thế, ông cả cười: “Tôi không phải đại gia, còn ngông hay không là do quan niệm. Làm chủ doanh nghiệp, tôi cũng phải lo cho anh em, nhưng cuộc sống mà không có những sự mạo hiểm thì vô nghĩa lắm. Anh em công nhân cũng khoái vì họ là người làm ra chiếc tàu ngầm đầu tiên của VN”.

Thử nghiệm ở Tuần Châu

Trong khi đó, thông qua kết nối của Thanh Niên, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, đã đồng ý cho ông Nguyễn Quốc Hòa thử tàu ngầm trong cảng du thuyền tại Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh). “Tôi ủng hộ những người sáng tạo như thế”, ông Tuyển nói. Ngày 8.4, PV Thanh Niên đã giới thiệu ông Hòa đến khảo sát cảng du thuyền ở Khu du lịch Tuần Châu, Hạ Long (Quảng Ninh); dự kiến đây có thể là một điểm thử nghiệm tàu ngầm.

Tàu Trường Sa 01

Có mặt tại Công ty cơ khí Quốc Hòa chiều 7.4, PV Thanh Niên thấy tàu ngầm đã được sơn thành màu đen, trên thân có dòng chữ "Chế tạo tại Thái Bình - Việt Nam", trên tháp sơn cờ VN và tên tàu là Trường Sa 01. Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết đã có đơn gửi Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Thái Bình và một số cơ quan trong tỉnh, trong đó có Bộ đội biên phòng tỉnh để tàu được thử nghiệm ở biển và được ủng hộ. Thời gian và địa điểm thử tàu sẽ được tính toán sau khi được cơ quan chức năng ở Thái Bình cho phép.


Thanh Niên (Theo Thanh Niên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem