"Giờ thêm sông, biển lại thêm ban ngày"

Thứ năm, ngày 03/02/2011 09:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việt Nam ta từ "muôn thủa" đã là quốc gia sông biển. Văn minh ta từ 4.000 năm đã là văn minh nước - lúa nước và cuộc sống với "mẹ nước" - người mẹ đích thực của sự sống.
Bình luận 0

Học sử cũng thấy bao chiến công nước từ Bạch Đằng tới Rạch Gầm - Xoài Mút và các hạm đội thống trị biển Đông của nhà Nguyễn. Từ Âu Cơ - Lạc Long Quân, dân nước ta đã đi trên đôi chân Rừng - Núi và Sông - Biển, "vàng" và "bạc" của dân tộc. Sách trời đã phân định cho "Nam quốc" chúng ta một dải sơn hà tráng lệ và giàu có bậc nhất hoàn cầu.

img
Sông Son đoạn chảy qua động Phong Nha (Quảng Bình). Ảnh: Dương Minh Long

Địa lý nước Việt Nam trải dài, hẹp từ Bắc xuống Nam hơn 2.000km qua các tiểu vùng khí hậu phong phú với các dãy núi tiến sát ra biển. Và mạng lưới sông ngòi chằng chịt đan bện vùng núi cao, trung du, đồng bằng với biển tạo nên tấm gấm vóc Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ theo nghĩa đen. Từ Móng Cái, dải thêu ren lụa xanh bờ biển vắt tới Hà Tiên 3.200km. Và mênh mông ngoài trùng khơi kia, bao bọc lấy Hoàng Sa, Trường Sa là biển Đông của Đông Nam Á, cũng là một cái nôi phát tích của dân tộc. Người Chăm và các dân tộc Tây Nguyên chung một gốc với các dân tộc Đông Nam Á khác ở Malaysia, Philippines và Indonesia...

Các thế hệ thanh niên từ nay cần căng lồng ngực mà tự hào về văn minh, văn hóa nước - sông - biển của quốc gia. Cần nhìn nhận sâu sắc thêm về truyền thống nước - sông - biển của cha ông trên mọi lĩnh vực vật chất và tinh thần. Cần nhìn nhận công bình về nguồn gốc biển - Đông Nam Á của dân tộc và văn hóa dân tôc. Cần xóa cái nhìn thiên vị, thiếu chân thực khách quan "trọng Bắc khinh Nam" về văn hóa và mọi thứ khác. Cái nửa "Thủy Tinh" bị "Sơn Tinh" lấn át cần được phục hồi và làm cho cường thịnh lên. Không biết tự bao giờ chúng ta từ một quốc gia biển thành quốc gia quay lưng với biển, như Hà Nội không biết tự bao giờ "quay lưng với sông Hồng" và Sài Gòn thì quay lưng "lấp hết kênh rạch", trong khi đó chính là hệ tuần hoàn máu của siêu đô thị lớn nhất nước này. Và đồng bằng sông Cửu Long thì lâm vào cảnh thiếu nước! Mất mùa nước nổi!

Xây một khu đô thị, công nghiệp làm mất nguồn thoát nước tự nhiên thì cả đô thị mới lẫn đô thị cũ chìm trong nước. Biến đổi khí hậu toàn cầu là chuyện còn xa vời khó hiểu nhưng nhãn tiền là những cách ứng xử cụ thể không thuận với "mẹ nước" đã làm mẹ nổi giận!

Thực tế đáng mừng là giờ đây chúng ta đang xây dựng chiến lược biển, đưa quốc gia quay mặt tiền ra biển. Đó là chuyện to tát, dài lâu không dám lạm bàn tới ở đây. Chỉ xin nêu vài điều cần suy ngẫm về việc chúng ta đang ứng xử với nước - sông - biển như thế nào trong mắt một người dân thường.

Thứ nhất là: Chúng ta đang làm cạn kiệt nước - sông - biển. Nước ngầm đang cạn nhanh chóng. Thứ hai là: Chúng ta đầu độc nước - sông - biển ở quy mô toàn quốc. Thứ ba là: Chúng ta đang khai thác thực dụng, thiếu khôn ngoan, gây sự áp bức khiến nước - sông - biển nổi giận. Thứ tư là: Chúng ta đang tàn phá vẻ đẹp và tạo bất công lớn trong xã hội về tài nguyên nước - sông - biển. Nhiều chuyên gia cho rằng với thiên nhiên gấm vóc và văn hóa đa dạng như Việt Nam thì thay vì làm công xưởng của thế giới hay văn phòng của thế giới, ta có thể trở thành nơi nghỉ dưỡng thư giãn của thế giới, miễn là ta đừng "ăn xổi ở thì" với thiên nhiên và văn hóa, đừng vì những nhóm quyền lợi bất công và sự vô trách nhiệm với thiên nhiên và tiền nhân mà hủy hoại nước - sông - biển mà giời đã ban tặng cho mình.

Bao nhiêu đóa hoa đang nở, bao nhiêu nụ cười đang tươi trên nước - sông - biển Việt Nam lúc xuân này?

Gìn giữ, nâng niu chăm chút nước - sông - biển chính là chiến lược làm cho đất nước càng ngày càng xuân như Bác Hồ mong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem