"Hãy cho con tôi được thở"

Thứ tư, ngày 24/11/2010 09:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có những người mẹ, công kênh con trẻ trên vai với những lời cầu xin thảm thiết: "Hãy cho con tôi được thở", nhưng chẳng ai còn nghe thấy tiếng van nài của chị, dòng người cứ ập đến, đứa bé vuột khỏi tay mẹ…
Bình luận 0
img
Những người sống sót chưa hết bàng hoàng, sợ hãi

Đêm kinh hoàng

Vào khoảng 21 giờ tối 22-11, đảo Kim Cương - nơi diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội đua thuyền truyền thống của Campuchia (hay còn gọi là lễ hội nước), trở nên đông đúc bất thường. Mặc dù lễ hội này đã diễn ra từ 2 ngày trước đó với khoảng 4 triệu du khách tham quan, nhưng đến ngày cuối cùng, khoảng 2 triệu người dân hiếu kỳ vẫn tìm đến để xem, và cầu may cho nhau.

Đến 22 giờ, đêm nhạc vừa kết thúc, khi những chiếc thuyền đua cuối cùng tấp vào bờ, công việc thu dọn lễ hội được một vài người lo xa bắt đầu làm, thì cũng là lúc dòng người xem lễ hội hối hả tìm lối ra để trở về nhà.

Niềm vui bỗng chốc trở thành thảm họa kinh hoàng khi cây cầu Kim Cương ở thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia không đủ lối thoát cho hàng triệu người hối hả trở về nhà sau lễ hội nước truyền thống, khiến họ giẫm đạp lên nhau, làm gần 400 người thiệt mạng và 775 người bị thương.

Ai đó trong đám đông thốt lên những lời đe dọa rằng, cây cầu trên đảo Kim Cương sẽ không đủ sức mạnh để có thể "cõng" biển người đang đổ về. Lời tiên đoán "như thật" này có một sức mạnh khủng khiếp, mọi người truyền tai nhau về mối đe dọa đang cận kề mà không hề hay biết, thảm họa chính từ lời đồn, ập đến với họ chỉ trong nháy mắt.

Biển người bắt đầu nháo nhác, họ chen nhau chạy chỉ với một nỗ lực duy nhất, nhanh chóng vượt qua cây cầu. Hàng ngàn người cứ như vậy, ùn về, giẫm đạp lên nhau. Rất nhiều trong số họ là phụ nữ. Những tiếng kêu cứu thảm thương cất lên, nhưng mặc, chẳng còn ai nghe được những âm thanh khác ngoài việc "nào hãy cố ngoi lên!".

Nhiều nhân chứng kể lại, họ bị ép sát vào nhau, chân tê cứng, chỉ còn thoát mỗi cái đầu để thở. Có những người mẹ, công kênh con trẻ trên vai với những lời cầu xin thảm thiết: "Hãy cho con tôi được thở", nhưng chẳng ai còn nghe thấy tiếng van nài của chị, dòng người cứ ập đến, đứa bé vuột khỏi tay mẹ, ngập sâu vào đám đông…

Có những người, chỉ kịp với tay lên bầu trời cầu nguyện, và cả cơ thể đổ sụp xuống chết ngạt.

Kim Houng - một chàng trai may mắn thoát chết kể lại: "Tôi chỉ dịch chuyển được phần trên cơ thể còn chân không hề nhúc nhích được. Không thể thở nổi. Nhiều người ngã xuống và kêu cứu. Tôi cũng kêu: "Cứu tôi! Tôi không thể giúp anh được!'".

Với những kẻ mạnh, họ đạp lên chân, vai và thậm chí là đầu của người khác để tiến lên. Anh Chay Lamien - tài xế taxi gần cây cầu chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng cho biết, họ nháo nhào giẫm lên nhau, rồi lại nhích từng tí một, những cái đầu lắc lư trong tuyệt vọng, có những người ngạt thở, gục đầu chết trên cánh tay người kế bên.

"Một cảnh tượng hãi hùng chưa bao giờ xảy ra, đúng là đêm kinh hoàng" - Lamien rùng mình nhớ lại.

Trong khi đó, có những nhân chứng kể lại rằng, một số người bị điện giật trên cây cầu nhỏ, hoảng sợ la hét, khiến đám đông hoảng loạn, nhiều người nhảy khỏi cây cầu để thoát thân, tuy nhiên, một số khác không may chết do ngạt nước.

Tai họa chưa từng có

Từ 22 giờ đêm 22-11 đến 1 giờ sáng 23-11, đám đông mới được giải cứu. Sau thảm họa, cây cầu đảo Kim Cương tan hoang với những xác người nằm la liệt. Đâu đó trên cầu là những mảnh quần áo bị xé toang, cùng với những vật dụng như chai nước, kính mát… vứt bừa bãi, như dấu tích của một cuộc hỗn chiến vừa xảy ra.

Ở gần cây cầu, người ngồi, nằm la liệt, những người may mắn thoát chết chưa hết thẫn thờ sau cơn hoảng loạn. Những chiếc xe cứu thương rú còi inh ỏi, như chưa bao giờ gấp gáp đến vậy. Hàng đống xác chết được đưa lên xe, tiếng khóc than, đau đớn vang dội cả một không gian rộng lớn.

Rạng sáng 23-11, phát biểu trên truyền hình quốc gia với niềm tiếc thương vô bờ bến, Thủ tướng Campuchia Hun Sen mô tả đó là giờ phút đen tối nhất trong lịch sử Campuchia kể từ thời Khmer Đỏ.

"Đây là thảm họa lớn nhất kể từ thời Khmer Đỏ. Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến người dân và thân nhân các nạn nhân".

Phó Thủ tướng Campuchia Sok An cũng thông báo một ủy ban cấp quốc gia đã được thành lập để điều tra về thảm họa này.

Phát biểu trên kênh truyền hình trực tiếp Bayon TV, ông Sok An cho biết ủy ban trên được chia thành ba tiểu ban: Tiểu ban giám định pháp y do Bộ trưởng Y tế Bun Heng đứng đầu, Tiểu ban hỗ trợ người bị thương và gia đình những người thiệt mạng do Bộ trưởng Xã hội Ith Samheng chỉ đạo và Tiểu ban điều tra do Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Prum Sokha đứng đầu.

Ông Sok An nhấn mạnh: "Ủy ban này sẽ giải quyết mọi vấn đề liên quan tới thảm họa kinh hoàng ở Phnôm Pênh".

Đến cuối giờ chiều ngày 23-11, hoạt động tìm kiếm thi thể nạn nhân vẫn diễn ra dọc bờ sông của cây cầu Ngọc Bích.

"Từ thảm hoạ ở Campuchia, chúng ta cần rút kinh nghiệm nghiêm túc trong tổ chức các lễ hội sông nước. Phải thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội, giữ gìn trật tự trong cộng đồng tham gia lễ hội để tránh những trường hợp chen lấn xô đẩy; phải có bộ phận bảo vệ an toàn luôn túc trực để sẵn sàng xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra" - PGS Phạm Đức Dương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem