Năm 2001, quốc lộ 1A mới Hà Nội - Lạng Sơn được đưa vào sử dụng, mặc dù ai cũng thấy còn hạn chế. Đó là 37km đường qua tỉnh Bắc Giang mỗi bên chỉ có một làn xe và không có cầu vượt, đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư.
|
“Hiệp sĩ giao thông” với đồ nghề cứu thương luôn sẵn sàng |
Cung đường tử thần
Trong những điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn trên quốc lộ 1A mới ở Bắc Giang thì ngã tư giữa quốc lộ 1A cắt đường 284 là khốc liệt nhất. Vì sao nơi đây được gọi là ngã tư tử thần? Ông Đang năm nay 56 tuổi, với dáng người nhỏ thó, nhưng rất nhanh nhẹn và tinh tường, kể lại chuyện cũ, không giấu vẻ đượm buồn: "Khoảng 1g30 một sáng đầu năm 2001, có chiếc xe khách chở người đi lễ chùa Yên Tử về đến đây thì đâm thẳng vào chiếc ô tô chở hoa quả xuôi từ Lạng Sơn về Hà Nội. Toàn bộ 25 (hoặc 26) người trên chiếc xe khách tham quan ấy đều bị thương vong. Có một bé gái đã tử nạn ngay tại chỗ, sau khi đưa vào bệnh viện thêm 3 người nữa ra đi vĩnh viễn. Số còn lại nhiều người phải mang thương tật suốt đời".
Ông Đang bảo tối hôm đó, cả mấy xã ven đường đã phải huy động hàng chục chiếc xe máy để chở nạn nhân lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang. Vụ tai nạn kinh hoàng trên ngã tư này sau khi đường 1A mới khánh thành vài tháng đã ám ảnh người dân Bắc Giang lâu dài. Cứ vậy, dư luận ngày một nhiều và người Bắc Giang đã đặt cho nơi đây cái tên ngã tư tử thần.
Nhớ lại những năm đầu khi mở quán sửa xe ven ngã tư tử thần này, ông Đang kể: "Tôi sửa xe suốt ngày ở đây nên chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng lắm. Cứ vài ngày lại có một vụ tai nạn nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của ai đó”. Nhiều người ở xã Song Khê, xã Nội Hoàng nơi giáp ngã tư tử thần xác nhận: tai nạn giao thông ở đây kinh khủng đến mức khi vũng máu vụ trước chưa kịp khô thì đã có vũng máu của vụ sau thế chỗ!
Khi quốc lộ 1A mới được sử dụng, người Bắc Giang gọi là đường cao tốc để phân biệt với quốc lộ 1A cũ. Chính tâm lý của người dân "đã là cao tốc thì cứ phóng tẹt ga" bất chấp tất cả nên tai nạn nhiều là điều tất yếu.
Hành động nghĩa hiệp
|
Ngã tư tử thần, điểm đen tai nạn giao thông ở Bắc Giang |
Trải qua rất nhiều nghề như bán thịt lợn, chạy xe ôm… cuối cùng ông Đào Ngọc Đang chọn nghề sửa xe máy, với quán sửa xe nép ngay dưới sườn quốc lộ 1A cạnh ngã tư tử thần. Quán sửa xe của ông đặt tại nơi này dường như là một định mệnh cho cuộc đời ông.
Ông Đang nhớ lại: "Năm 2005 có chiếc ô tô chạy từ thị trấn Neo theo đường 284 đến ngã tư tử thần thì đâm vào một ô tô khác chạy từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Cú đâm mạnh đến mức chiếc xe từ Neo chạy lên đảo ngược 1 vòng rồi trở lại đúng vị trí cũ, lái phụ bắn người ra khỏi cửa kính". Không ngại gì cả, ông Đang bế luôn người thanh niên máu me be bét đó bắt xe ôm phi thẳng lên Bệnh viện đa khoa Bắc Giang. Ông ngậm ngùi cho biết: "Rất buồn là 9g hôm sau anh ta không qua khỏi".
Có nhiều vụ tai nạn xảy ra, rất nhiều người chạy ra xem, thậm chí còn nhân dịp đó "hôi của", nhưng chẳng ai giúp đỡ nạn nhân. Không đành lòng trước đau đớn của người khác, ông Đang quyết định xả thân vì việc nghĩa. Lần cấp cứu người phụ lái trên chính là vụ đầu tiên ông ra tay nghĩa hiệp.
Quán sửa xe của ông Đang giờ có cờ chữ thập đỏ bay phấp phới, cùng biển hiệu của Hội Chữ thập đỏ Bắc Giang, điểm sơ cấp cứu xã Song Khê, nhưng thường trực ở đây làm công tác cứu nạn giúp người chỉ có một mình ông Đang.
Không quản gian khó để sơ cứu những người bị tai nạn giao thông tại điểm đen giao thông khốc liệt nhất Bắc Giang, cũng chẳng ngại giúp lo hậu sự cho những người tử nạn trên đường, suốt 6-7 năm qua, “hiệp sĩ”tốt bụng Đào Ngọc Đang vẫn lặng lẽ làm nhiều việc nghĩa hiệp mà chẳng đòi hỏi bất cứ điều gì.
Hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Quý, hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã Song Khê (huyện Yên Dũng), chúng tôi được biết có hẳn một đội tình nguyện làm công tác sơ cứu thương cho người bị nạn trên đoạn ngã tư tử thần này. Họ chủ yếu là những người trung niên cựu chiến binh ở xã Song Khê, nhưng vì hoàn cảnh mà chỉ có duy nhất ông Đang đơn thân độc mã làm việc nhân đạo này.
Trong 6-7 năm trở lại đây ông Đang đã sơ cấp cứu, rửa thi thể, đắp chiếu… cho hàng trăm vụ tai nạn giao thông nặng, nhẹ trên đoạn ngã tư tử thần này. Hàng tháng, ông vẫn đưa tiền cho con gái lên thành phố Bắc Giang mua thêm bông băng, cồn, thuốc sát trùng… vì nhiều khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh mang xuống không đủ. Ông Đang nhớ lại: "Tôi còn nhớ có vụ tai nạn tới 4 người bị thương, máu me bê bết, bông băng ít, tôi phải chạy vội ra hiệu thuốc ở xã mua thêm 10 gói bông mới đủ".
Làm việc nghĩa xuất phát từ lương tâm, ông thật thà bảo: "Ban đầu tôi rất lúng túng, nhưng làm nhiều càng có kinh nghiệm, phải xem ai bị nặng hơn thì sơ cứu người đó trước. Mà phải làm nhanh, tránh gây thêm đau đớn cho họ".
|
Nhiều khi ông Đang phải bỏ tiền túi ra mua dụng cụ cấp cứu |
Ông nhớ lại vụ bà Nguyễn Thị Hợi ở thôn Liễu Thượng, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bị tai nạn xe máy tại ngã tư tử thần vào lúc 3g. Ông phải nhảy lò cò một chân (chân kia bị thương đang bó bột chưa khỏi) lấy nước rửa vết thương, băng bó cho nạn nhân. Còn anh Tuấn ở Lạng Sơn bị tai nạn lúc 1g khi trời mưa to, gió rét: "Tôi sơ cứu vết thương rồi chở lên Bệnh viện đa khoa tỉnh và vét túi đưa anh 150.000 đồng để làm thủ tục nhập viện".
Nhưng đau lòng nhất đối với ông Đang là phải chứng kiến vụ tai nạn của đôi vợ chồng trẻ, mới cưới nhau ở phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang. Chiếc xe máy của họ bị o tô đâm chính diện khi họ đang rẽ vào đường đi thị trấn Neo. Vụ tai nạn xảy ra ngay trước mắt ông. Người chồng tử nạn tại chỗ, nên ông không thể làm gì được. Còn người vợ máu mê bê bết toàn thân, ông đã nhanh chóng lau rửa sơ qua, rồi đưa đi cấp cứu. Nhưng kết cục buồn cũng đến, sáng hôm sau người vợ trẻ ấy cũng ra đi vĩnh viễn.
Ông Đang nói rằng làm phúc cứu người dù họ còn sống hay tử nạn đều là việc nên làm và chẳng vì bất cứ một chút danh lợi, tiếng tăm nào. Ông không nhớ chính xác đã phải chứng kiến và sơ cấp cứu cho bao nhiêu người bị tai nạn ở đoạn ngã tư tử thần này. Nhưng ông bảo vẫn hoàn toàn tình nguyện làm việc nghĩa đến khi nào còn sức, chứ không hề nhận một đồng tiền công. Nhiều người được ông giúp đã quay lại cảm ơn và hậu tạ, nhưng ông không nhận. Ông lại còn mời họ vào nhà cơm nước rồi tiễn họ về. "Với tôi, lời cảm ơn chân thành là quá đủ rồi" - ông cho biết.
Ông mong rằng ngã tư tử thần này, khi được lắp đặt đèn báo giao thông, sẽ không còn những vụ tai nạn đau lòng nữa. Đó cũng là nỗi mong của rất nhiều người dân Bắc Giang từng bị ám ảnh mỗi lần đi qua đây!
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.