"Không hết lòng vì công việc chung thì phải nghỉ"

Thứ ba, ngày 03/12/2013 15:36 PM (GMT+7)
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp sáng 2.12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: "Những ai không dám đương đầu với khó khăn, thử thách, không hết lòng vì công việc chung cần phải kịp thời đưa ra khỏi vị trí công tác”.
Bình luận 0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: “Năm 2013 là năm kỷ cương hành chính và thực sự đã đạt được những đổi mới và tiến bộ, nhưng vẫn còn những tập thể và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm; thậm chí còn những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiếu tinh thần trách nhiệm mà còn thiếu cả lương tâm, đạo đức con người”.

Từ đó, ông Nghị nhấn mạnh: “Những vụ việc vi phạm đã được phát hiện cần phải được xử lý thật nghiêm minh để bảo đảm giáo dục và răn đe. Cần khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Những ai không dám đương đầu với khó khăn, thử thách, không hết lòng vì công việc chung cần phải kịp thời đưa ra khỏi vị trí công tác”.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, trong năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố là phải tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, trong đó ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 7 nhóm giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính…

Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội của Thủ đô năm 2013, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết: Năm 2013, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 8,25%, đạt kế hoạch đề ra (từ 8% đến 8,5%) và bằng 1,53 lần mức tăng chung của cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 136.767 tỷ đồng, chỉ bằng 84,7% dự toán; dự kiến đến hết năm 2013 sẽ có 48 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới…

Tại kỳ họp lần này (kéo dài đến ngày 6.12), HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét 7 nội dung thường kỳ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng; dự toán ngân sách, biên chế hành chính, sự nghiệp; giá các loại đất... Bên cạnh đó, HĐND cũng xem xét, quyết định 10 nội dung chuyên đề quan trọng khác và việc chia tách địa giới hành chính huyện Từ Liêm.

Địa giới hành chính huyện Từ Liêm có thể điều chỉnh vào 1.7.2014. Ngày 2.12, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Từ Liêm Nguyễn Văn Việt cho biết như vậy xung quanh vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận mới, điều chỉnh địa giới hành chính các xã, thị trấn thuộc huyện để thành lập 23 phường mới. Thủ tướng đã đồng ý và yêu cầu UBND TP. Hà Nội khẩn trương xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc thành phố.

Về việc đặt tên 2 quận mới, ông Nguyễn Văn Việt cho hay, các phương án được đặt ra để lấy ý kiến nhân dân gồm: Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm; Từ Liêm và Mỹ Đình; Từ Liêm và Tây Thăng Long. Riêng tên quận Từ Liêm ưu tiên cho quận phía Bắc vì đây là khu vực “cội nguồn” của quận.
Đức Hiếu (Đức Hiếu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem