"Làng treo" dưới chân núi Hải Vân: Lặng lẽ nhưng không bình yên

Thứ tư, ngày 08/09/2010 16:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kể từ ngày hầm đường bộ được thông xe, Hải Vân trở thành điểm ngắm lý tưởng của hàng chục nhà đầu tư. Cũng vì có nhiều nhà đầu tư nhòm ngó mà gần 150 hộ dân sống dưới chân núi Hải Vân cũng bị "treo" cùng các dự án...
Bình luận 0
img
Chở hàng viện trợ ra làng Vân.

"Hồng nhan" bạc phận

Tôi theo chuyến tàu cá của phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chở hàng của Hội Chữ thập đỏ ra làng Vân. Đây là chuyến hàng viện trợ định kỳ cho học sinh ngoài “ốc đảo” vào đầu năm học. Làng Vân vẫn hoang sơ với những bờ cát trắng dài tít tắp, giấu mình sâu vào những rặng rừng xanh.

Nơi đây chỉ còn 147 hộ dân, vốn là bệnh nhân của loài virus Hansen - từng một thời vô phương cứu chữa. Những năm đầu thập niên 60, làng Vân được chọn là nơi "cách ly" điều trị bệnh nhân phong.

img Làng Vân của chúng tôi giống một cô gái đẹp, có quá nhiều người đến dạm hỏi, gia đình cũng vì kén chọn quá mà để nàng... bạc phận vì hồng nhan. img

Ông Dương Thành Thị

Đến đầu những năm 80, căn bệnh quái ác này đã có thuốc đặc trị, song bao nhiêu người đã phải suốt đời mang trên mình di chứng cụt, mòn. Và rồi góc vịnh yên ả này trở thành ngôi làng thanh bình của gần 150 hộ dân.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông cũng như các công trình phúc lợi xã hội cho 1 thôn có hơn 300 nhân khẩu ở đây, với Đà Nẵng là không khó.

Di dời họ vào định cư ở khu trung tâm cũng không phải là vượt tầm của một đô thị vốn đã di dời hơn 90.000 hộ dân trong 10 năm. Thực tế, đã từng có dự án di dời toàn bộ các hộ dân này vào đất liền từ năm 2007. Nhưng rồi dự án bị "treo", số phận của những hộ dân này đành tiếp tục hẩm hiu.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, ông Dương Thành Thị cho biết, từ năm 2003, đã từng có chủ trương quy hoạch, xây dựng làng Vân và cả khu vực lân cận thành khu du lịch sinh thái, câu lạc bộ vui chơi giải trí có thưởng... Mọi đầu tư, xây dựng cơ bản của chính quyền cho làng Vân bị tạm ngưng. Nhưng rồi những dự án lúc ấy cũng chỉ dừng trên giấy, chủ trương miệng.

Tuy vậy, từ đó đến nay chính quyền địa phương không thể đầu tư vào vùng đất đã được quy hoạch. Năm 2008, UBND thành phố chính thức có văn bản (4766/UBND-QLDTh) thông báo đến từng sở, ngành về chủ trương quy hoạch làng Vân thành quần thể đô thị du lịch. Theo đó, những hộ dân sẽ được di dời, bố trí tái định cư tập trung vào các dãy nhà liền kề, thuộc phường Hoà Hiệp Nam...

Chính quyền từ quận đến phường, thôn đã nhiều lần họp dân, quán triệt chủ trương. Nhưng rồi các nhà đầu tư lại thêm một lần bỏ dở. Điều đáng nói là chủ trương và dự án xây dựng làng Vân thành quần thể đô thị du lịch vẫn còn treo đấy, nên nơi đây chưa thể tính đến đầu tư hoặc di dời dân đi đâu được.

Mỏi mòn chờ đợi

Những đứa trẻ không vui, cũng chẳng ra vẻ gì là trông chờ. Việc hàng tháng có các đoàn từ thiện xã hội, các tổ chức dong thuyền ra viếng thăm, tặng quà đã trở thành quen thuộc. Chúng nối đuôi nhau, giúp các cô chú Hội Chữ thập đỏ khiêng, bê các thùng hàng là sách vở, bàn ghế, cả đồ dùng học tập vào trụ sở thôn, rồi ngồi dưới tán cây để chờ được gọi tên, nhận quà.

Trưởng thôn Hòa Vân - ông Trần Hữu Đức cho biết, năm nào chúng tôi cũng nghĩ đây là khóa học cuối của các cháu vì sắp phải dời cả làng vào đất liền. Nhưng bao mùa hè trôi qua, bao dự án "ra đi" không hẹn ngày tái ngộ, đã khiến không chỉ đám trẻ con mà người lớn cũng ngao ngán vì chờ. Thôi, đành chấp nhận vậy, chỉ có điều sự bình yên, an phận này không biết bao giờ sẽ kết thúc.

Chúng tôi bị “treo” theo sự phập phồng hứa hẹn của nhà đầu tư, treo theo từng dự án. Những ngày này, hàng chục tàu sắt, sà lan của Công ty DINCO đã kéo nhau ra làng Vân, sục vòi rồng để hút trộm cát, phục vụ cho dự án lấn biển. Cả làng Vân càng thấp thỏm lo âu. Đêm đêm, nhìn về thành phố, bóng đèn cao áp sáng rọi cả mặt vịnh biển, sự phồn vinh chỉ cách nhau cung đường hơn 20km, nhưng thành phố vẫn mãi là phía bên kia.

img
Cuộc sống ở làng Vân lặng lẽ nhưng không được bình yên.

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những đô thị có tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng thần tốc. Đường giao thông, công trình công cộng được xây dựng ào ạt, đẹp lộng lẫy. Thế nhưng, Làng Vân bây giờ vẫn là ốc đảo.

Muốn đặt chân ra đây, hoặc bằng tàu cá ngư dân phỏng phiêu trên vịnh biển, hoặc rát bỏng chân để đi bộ theo đường ray tàu lửa, chui qua những hầm tối đen ngòm. Hầu hết người dân-vốn là bệnh nhân, bị dị tật vì mang di chứng bệnh phong- đã chọn con đường trèo bộ lên đèo Hải Vân, rồi cắt rừng, lội bộ theo triền núi để về làng.

Không có ngày vui

Để tạo điều kiện cho lớp trẻ, các bậc phụ huynh đều gửi chúng vào thành phố để theo học. Đã có ít nhất 20 con em của họ là cử nhân, kỹ sư và trên đại học. Nhưng đến nay không có ai trở về làng cũ. Nhiều thanh niên khác, lỡ đường học cũng vào thành phố tìm việc rồi cư trú luôn trong đó.

Lão nông Đỗ Ngọc Ái cho biết, đã gần 10 năm nay, làng Vân chưa có một đám cưới nào diễn ra. Các cháu khi lập gia đình, đều tổ chức trong thành phố. Người làng Vân phần bị tàn phế, vì nghèo nhưng phần lớn vì mặc cảm nên cũng ít ai vào trong phố để dự đám cưới. Đám lớn nhất ở làng này chỉ là tang ma cho người chết bệnh, chết già, vắng lặng và buồn lắm.

Còn theo ông Trưởng thôn Trần Hữu Đức, cả làng có 322 nhân khẩu, giờ chỉ còn 54 người được hưởng phúc lợi xã hội với mức 240.000 đồng/tháng (phát bằng 13kg gạo mỗi tháng). Vẫn còn 90 em học sinh tiểu học phải đến lớp tại làng. Các thầy cô, mỗi ngày phải đi bộ dọc theo đường ray xe lửa cả chục cây số để đến lớp. Nhưng đáng ngại là trường lớp xuống cấp, có thể đổ sập trong bão. Trẻ em đến trường phải qua suối Cây Cam, rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ.

Những chương trình trợ cấp xã hội như Chương trình 134, 135 của Chính phủ lẽ ra phải đến với vùng hải đảo xa xôi này, nhưng cũng vì quy hoạch “treo” mà bị dừng hẳn. Chủ tịch Hội Nông dân làng Vân - ông Đỗ Ngọc Ái nói: "Ngay chương trình hỗ trợ giống măng của quận hội cũng tạm dừng cấp cho bà con. Các hỗ trợ về giống nuôi như bò, heo cũng không đến được làng Vân kể từ ngày được loan tin di dời, giải toả.

Trong 6ha ruộng lúa nước, chỉ cấy cày được 3ha, nhưng dự án xây dựng hồ chứa nước cũng vì bị quy hoạch “treo” mà gián đoạn". Làng Vân đang sống mòn, người dân vẫn tiếp tục chờ giải tỏa trong cảnh hắt hiu, và chính sự hy sinh của họ đã giữ nguyên vẹn sự hoang sơ của vùng biển-núi đẹp như chốn thiên đàng này. Không biết còn bao nhiêu nhà đầu tư đến ngỏ ý, bao nhiêu dự án hứa hẹn tương lai huy hoàng rồi bỏ dở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem