Những ngày tháng 9, mưa, gió se lạnh, con đường lầy lội cứ như “nuốt chửng” bánh xe “cà tàng” của chúng tôi. Vất vả men theo những con dốc để qua núi, trước mắt chúng tôi là những khúc quanh và những bản làng mỏng manh dần hiện ra trong sương khói. Dưới góc nhà sàn bên núi, một bà mẹ đang ngồi bồng con. Bà mẹ ấy mới chỉ tròn 15 tuổi đang ngơ ngác không biết dỗ dành đứa con gái đang khóc…
Từ trung tâm huyện Mường Lát, chúng tôi phải vất vả đi hơn 30km đường đất, lầy lội. Những cung đường cheo leo như những sợi dây thừng vắt ngang qua những dãy núi xa xăm. Đường đi ở đây chỉ cần vài hạt mưa phùn là đã trơn trượt, lầy lội, xe máy phải lắp bánh xích cỡ lớn mới có thể “bò” lên được.
Tuổi trăng tròn, sơn nữ phải đi lấy chồngNhọc nhằn leo qua mấy con dốc, cuối cùng chúng tôi cũng “bò” được lên bản Xa Lung, xã Mường Lý. Ngay khi vừa thở phào nhẹ nhõm, tôi vô tình bắt gặp được ánh mắt ngây thơ của một sơn nữ trạc tuổi đôi mươi đang ngồi bên vệ thềm, dưới hiên nhà sàn. Cô sơn nữ này đang bồng một bé gái kháu khỉnh. Có vẻ rất lúng túng chăm sóc “đứa em” khi cha mẹ vắng nhà.
Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý.
Dựng chiếc xe đầy bùn đất, chúng tôi lân la đến hỏi đường vào UBND xã. Vừa thấy chúng tôi, cô gái liền bế đứa bé đứng dậy vội vã đi vào trong nhà như muốn giấu giếm hay sợ hãi điều gì đó mà chúng tôi không hình dung ra được.
Tìm đủ mọi cách chúng tôi mới “khai thác” được thông tin về cô sơn nữ này. Cô tên là Hật Thị Dua, 15 tuổi đã lấy chồng được 2 năm. Đứa bé trên tay cô gái mà chúng tôi nhầm là “em” thì giờ té ngửa ra đó là con gái tên là Thầu Thị Dủa mới vừa 1 tuổi rưỡi.
Nhiều sơn nữ chỉ mới tuổi trăng tròn đã có một bề con.
Theo như lời của Dua kể thì, vì lấy chồng sớm, lại chưa có kinh nghiệm làm mẹ nên Dua chỉ biết cho con gái bú sữa và ăn chứ không biết hát ru. Đang nói chuyện, đứa trẻ trên tay bỗng khóc òa, Dua ngại ngùng ôm chặt lấy con vào lòng lắc đi lắc lại rồi dỗ: “Nín đi. Nín đi con”. Cái vẻ ngượng ngịu ấy làm chúng tôi không thể nào quên được. Làm mẹ ở cái tuổi 15 thì biết gì đâu mà dỗ dành, sẽ rất vụng về. Nhưng đó là sự thật ở trên Cổng trời Mường Lát này.
Tôi hỏi Dua: Em còn đi học không? Sao lại lấy chồng sớm vậy?
- Dạ, bố em bảo lấy chồng ạ!
Tìm hiểu mới biết, trước khi lấy chồng, Dua đi học ở Trường THCS Mường Lý. Ngày đó Dua cũng vô tư như những học sinh người Mông khác. Sau buổi nghỉ cuối tuần em về nhà lấy thêm rau, gạo chuẩn bị cho tuần học mới thì bố mẹ bắt ở nhà không cho đến trường nữa.
“Bố bảo học không ra được gạo, lấy chồng rồi thích làm gì cũng được. Em bảo chưa có ai lấy. Nhưng ngay hôm sau, bố dẫn về một chàng trai hơn em 1 tuổi và bảo cưới”, Dua tâm sự.
Chia tay bà mẹ nhí Hật Thị Dua, chúng tôi tiếp tục leo lên con xe cà tàng, men theo lối nhỏ giữa đường đồi ghé thăm nhà em Lương Thị Toạ ở bản Ún, xã Mường Lý. Tọa chỉ mới 16 tuổi nhưng đã có đến 2 đứa con. Theo bà con trong bản thì hầu hết vì hoàn cảnh khó khăn, lại đông anh em nên đại đa số là gia đình tính chuyện dựng vợ gả chồng sớm cho con cái mình.
Theo phong tục của người Mông vùng biên, khi con trai, con gái đến độ tuổi 13-15 thì bố mẹ dựng vợ gả chồng. Nhất là vào thời điểm sau mùa màng và tháng giáp tết được coi là mùa cưới của người Mông. Phong tục của người Mông khi nào cũng ăn tết trước một tháng so với tết cổ truyền. Trong các ngày tết của người Mông có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như chơi cù, chơi khẳng và các lễ hội khác… nhưng không thể thiếu được tục bắt vợ. Chính vì vậy mà năm nào xã Mường Lý cũng có hàng chục đôi cưới xin theo hình thức tảo hôn (có nghĩa là dưới 18 tuổi).
Để tường tận hơn, chúng tôi tìm tới UBND xã Mường Lý để “hỏi cho rõ” thì được ông Đinh Công Đại - Chủ tịch xã - cho biết: “Theo phong tục của người dân tộc, bắt vợ và ngủ thăm ở đây vẫn còn rất phổ biến. Tuy nhiên, để đúng tuổi lấy vợ, lấy chồng thì rất hiếm. Hầu hết các cuộc đám cưới đều dưới 18 tuổi. Tính trung bình, hằng năm xã Mường Lý chiếm tới 30-40% các đôi tảo hôn chủ yếu tập trung ở các bản người Mông như: bản Muống 1, Xì Lồ, bản Ún, Trung Thắng, Sài Khao”.
Khi cha, mẹ vẫn là… học sinhĐược sự giới thiệu của vị Chủ tịch xã Mường Lý, chúng tôi vào thăm Trường THCS Mường Lý. Đến ngôi trường này, chúng tôi mới thấu hiểu được cuộc sống của những em học sinh ở đây. Năm học nào nhà trường cũng có vài trường hợp học sinh bỏ học về lấy vợ, lấy chồng.
Những học sinh Trường THCS Mường Lý có thể sẽ trở thành cha, mẹ nếu gia đình bắt về lấy vợ .
Thầy Mai Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý - cho biết: “Nhà trường có 308 học sinh từ lớp 6 - 9. Tính khoảng 5 năm trở lại đây, nhà trường cũng có tới 30-40 trường hợp nghỉ học giữa chừng, trong số này chiếm tới 80% là về lấy vợ lấy chồng”.
Theo thầy Dũng thì trong năm học 2012 - 2013 nhà trường có tới 4 trường hợp bỏ học về lấy vợ, lấy chồng như các em: Vàng Pó Ly, bản Sài Khao; Thào Thị Giống, bản Muống 1; Thào Thị Xoa, bản Muống 1; Hơ A Sù, bản Muống 2. Tuy nhiên, theo thầy Dũng thì chưa dừng lại ở con số này.
“Theo phong tục của người Mông, thời gian ăn tết dài là lúc các đôi trai gái vui chơi thỏa thích trong men rượu và tục bắt vợ nên sau khi ra tết không tránh khỏi trường hợp học sinh bỏ học” - thầy Dũng cho biết thêm.
Em Vàng Po Ly là một ví dụ điển hình tại ngôi trường này. Để hiểu rõ, chúng tôi đã nhờ thầy Dũng cho gặp Ly để hỏi chuyện. Ly năm nay mới 15 tuổi, học sinh lớp 9B nhưng em đã lấy vợ được một năm. Vợ của Ly là Sùng Thị Dê (14 tuổi), không còn theo học nữa nên hằng ngày Sùng Thị Dê lên nương làm rẫy cùng gia đình, còn Ly vẫn tiếp tục “dùi mài kinh sử”.
Cũng như Ly, trường hợp của Thào Thị Xoa, học sinh lớp 8A, bản Muống 1 cũng mới lấy chồng được gần một năm trong đợt tết bắt vợ của người Mông năm ngoái. Xoa vốn là học sinh khá của trường, sau lần bị bắt vợ, Xoa đã chính thức về làm dâu nhà người ta. Sau tết, Xoa vẫn lên lớp đi học bình thường, thầy cô, bạn bè không biết Xoa đã có chồng. Mãi đến khi cái bụng dần to ra, em không thể đi học được nữa thì mọi người mới tá hỏa.
Quay lại vấn đề tại trường học mà lại xuất hiện tình trạng học sinh bỏ học về lấy vợ, lấy chồng, thầy Dũng cho biết do phong tục tập quán của người dân tộc nên nhà trường không có cách nào để can thiệp được. Trong mỗi giờ sinh hoạt, các thầy cô giáo cũng tuyên truyền, giáo dục các em về hôn nhân gia đình nhưng dường như không thể thắng được tập tục ở miền sơn cước này.
Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, thầy Dũng kể lại câu chuyện về buổi đầu tiên khi thầy từ miền xuôi lên đây nhận công tác: “Khi mới về công tác, vừa bước vào lớp, một học sinh đứng lên hỏi “Thầy đã có vợ chưa?”, tôi liền đáp: "Chưa!". Ngay lập tức cậu học trò này buông câu xanh rờn: “Thế thì thầy thua tao rồi”, tôi hỏi lại: "Tại sao lại thua?". Cậu học sinh này đáp: “Tao có vợ rồi đấy”, tôi hỏi tiếp: "Tuổi như các em lấy vợ thì biết cái gì?". Cậu học trò này đáp lại: “Thầy nói sai rồi, ta biết sướng rồi đấy…”.
Câu chuyện này cho đến tận bây giờ thầy Dũng không thể nào quên được. Vừa buồn cười nhưng lại vừa lo… Nỗi lo lắng ấy chắc những người như chúng tôi và thầy Dũng hiểu. Cuộc sống cơ cực trên đỉnh đồi dường như bị xáo trộn bởi phong tục cổ hủ này.
Chia tay xã Mường Lý trở về TP.Thanh Hoá, phía xa xăm, mây mờ che phủ cuối con đường đồi. Những hạt mưa bắt đầu rơi xuống mặt đất đỏ. Thoáng trong đầu tôi lại nhớ lại lời ru của mẹ năm nào: “À ơi... Bướm vàng đậu đọt mù u... Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn...".
Lục Chỉ (Dòng Đời) (Lục Chỉ (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.