Các chuyên gia cho rằng: Tái cấu trúc kinh tế theo kiểu chuyển doanh nghiệp khó khăn cho các tập đoàn khác, thay tên đổi họ, khoanh nợ, dãn nợ… thì “tái mãi mà không chín”. Theo ông, vấn đề thật sự của tái cấu trúc nằm ở đâu và làm sao để giải được bài toán tái cấu trúc hiện nay, thưa ông?
- Trước hết, phải xác định, tái cấu trúc nền kinh tế là một công việc hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Việc các chuyên gia kinh tế dùng những cách diễn đạt suồng sã theo kiểu “tái mà không chín” để nói về nhiệm vụ sống còn này là bởi họ đã thấy sự chậm trễ, quẩn quanh.
Trở lại với câu hỏi, khi đặt vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, đầu tiên phải xác định cơ sở để tiến hành tái cấu trúc.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 xác định, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành T.Ư Đảng tháng 10.2011, Ban Chấp hành T.Ư Đảng xác định, trong 5 năm tới, cần tập trung vào 3 lĩnh vực là tái cấu trúc đầu tư, cơ cấu lại thị trường tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
Quan điểm
Bùi Kiến Thành •
Chuyên gia kinh tế
Nền kinh tế hiện nay đang bị phụ thuộc, sản xuất chủ yếu là làm gia công, làm thuê cho Trung Quốc và các nước trên thế giới. Con số xuất khẩu 23 tỉ đô la/1 năm của ngành dệt may, có thể làm nhiều người vui nhưng thực chất chỉ là làm thuê...
Những chỉ đạo trên cho thấy, các cấp lãnh đạo đã nhìn ra những bất cập của nền kinh tế thị trường nhưng đóng vai trò chủ đạo (kèm theo những ưu tiên, ưu đãi) trong các lĩnh vực vẫn là doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Trên thực tế, một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa luôn lấy khu vực tư nhân làm chỗ dựa, làm động lực cho cả nền kinh tế. Không tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu tư nhân về tài sản, nền kinh tế thị trường khó có thể phát triển bình thường và phát huy được các tiềm năng của nó một cách trọn vẹn.
Như vậy, trong trường hợp của Việt Nam, đã tồn tại một sự mâu thuẫn trong định hướng và phát triển, chưa thể coi là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Đến đây có thể trả lời câu hỏi, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam phải dựa trên cơ sở nào? Cơ sở đó phải là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Cụ thể, Nhà nước không tham gia hoạt động kinh doanh, cạnh tranh với dân doanh mà chỉ được làm những gì dân doanh không làm được. Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về chính sách, đất đai, công nghệ, hành chính cho nền kinh tế dân doanh phát triển.
Nghĩa là, cần phải tư nhân hóa, trao quyền quyết định toàn bộ những khu vực dân doanh có thể làm cho khối tư nhân.
Đối chiếu với cách làm hiện tại, có thể thấy một mẫu thuẫn rất lớn đang xảy ra. Mặc dù tiến hành cổ phần hóa nhưng trong các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối.
Khối tư nhân tham gia mua cổ phần cũng sẽ không có tiếng nói quyết định. Việc cổ phần hóa nếu được thực hiện theo cách như vậy thì chỉ là cách thu hút thêm nguồn vốn của người dân cho các ông chủ tập đoàn nhà nước quản lý.
Mục đích tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ như trên đã phân tích là hoàn toàn không đạt được, nghĩa là, cơ sở của tái cấu trúc nền kinh tế đã không đúng ngay từ đầu.
Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà vẫn còn quẩn quanh tư duy cổ phần hóa, nhà nước nắm cổ phần chi phối thì việc tái cấu trúc nền kinh tế chỉ mãi luẩn quẩn, như con tằm không thể chui ra được khỏi cái kén.
Những trường hợp tái cấu trúc của Vinashin và Vietnam Airlines đã vấp phải tình trạng quẩn quanh vì chưa xác định được cơ sở tái cấu trúc như thế nào, thưa ông? Xin ông phân tích cụ thể về hai trường hợp này.
- Đầu tiên, phải xác định rõ, chủ trương phát triển Vinashin là đúng nhưng việc thực hiện đã sai. Việt Nam là một nước có vùng duyên hải dài với hơn 3.000 km đường biển, không gian sinh tồn của Việt Nam là đại dương, mà để vươn ra đại dương thì phải có tàu, có công nghệ đóng tàu. Do đó, ý thức vươn tới công nghệ đóng tầu hàng đầu khu vực là nhu cầu thiết yếu.
Tuy nhiên, thực hiện nó thế nào, điều hành nó ra sao? Khi có được nguồn vốn 750 triệu USD từ nguồn phát hành trái phiếu của chính phủ, Bộ Tài chính chuyển thẳng cho Vinashin mà không có bất kỳ một phương án, kế hoạch phát triển kinh doanh cụ thể nào. Vì phải trả nợ vay hàng năm, Vinashin đã đem đầu tư ngoài ngành vào chứng khoán, bất động sản… kiếm lợi nhuận. Điều đáng nói, việc đầu tư đó diễn ra trong thời gian dài mà không bị ai thanh tra, giám sát, dẫn tới hậu quả như chúng ta đã thấy.
Những sai lầm này bắt nguồn từ đâu? Trước hết, phải nói rằng, lãnh đạo của Vinashin thay vì phải có một tầm nhìn chiến lược lại dem đầu tư ngắn hạn, vào những lĩnh vực quá nhiều rủi ro để kiếm lời trước mắt. Nhưng sai lầm lớn hơn có lẽ phải quy cho việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo tập đoàn kinh tế không phù hợp, việc thiếu giám sát dẫn tới thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước.
Tháng 10.2013, Tập đoàn Vinashin bị chuyển đổi thành hình thức Tổng công ty Nhà nước là SBIC, tiếp nhận những trách nhiệm và nghĩa vụ của Vinashin. Ngay sau đó, SBIC đã tiến hành tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc SBIC, xin các ưu đãi như miễn thuế, xin xóa nợ lãi và nợ gốc, xin Nhà nước tiếp tục hỗ trợ bằng cách bù lỗ...
Như vậy, việc tái cơ cấu đi ngược với xây dựng một nền kinh tế thị trường theo như trên đã phân tích. Tương lai nhìn thấy trước được là sự quẩn quanh, không ra tư nhân cũng không hẳn nhà nước, chắc chắn sẽ không tạo được động lực để SBIC phát triển.
Trường hợp của Vietnam Airlines lại khác. Lẽ ra, vấn đề đầu tiên cần đặt ra trước khi tính tới phương án tái cấu trúc Vietnam Airlines là các hãng hàng không tương tự trên thế giới đang kinh doanh thế nào. Trên thực tế, British Airlines, Air France… đều phải được nhà nước bù lỗ. Những hãng hàng không kinh doanh có lãi hiện nay là các hãng bay khu vực hoặc địa phương, ví dụ Air Asia.
Trong bối cảnh như vậy, việc cổ phần hóa Vietnam Airlines sẽ có thể tiến hành theo những kịch bản nào?
Nếu thực hiện theo đúng xu thế của một nền kinh tế thị trường là tư nhân hóa VNA. Trong trường hợp đó, nếu các hãng bay nước ngoài đầu tư vào Vietnam Airlines, điều kiện cần và đủ với họ là phải biết VNA là thế nào (VNA hoạt động ra sao, lỗ lãi sổ sách thế nào, mua bán máy bay, nguyên vật liệu, dịch vụ quản lý... tất cả đều không ai biết) và được quyền quyết định thay đổi phương án kinh doanh (vì hiện VNA đang lỗ, không doanh nghiệp nào đầu tư vào đơn vị này để tiếp tục chịu thua lỗ). Hai khả năng đó đều không xảy ra.
Giả sử họ có mua cơ sở hạ tầng và các đường bay đang khai thác, sáp nhập VNA và tiếp tục kinh doanh (đó là cách duy nhất để chống lỗ) thì thương hiệu VNA sẽ không còn nữa. Theo tôi, đây không phải là điều mà Việt Nam mong muốn.
Quả thật, vấn đề tiên quyết ở đây là Nhà nước muốn giữ thương hiệu VNA như một hình ảnh đại diện của quốc gia. Như vậy, việc đặt ra chuyện cổ phần hóa VNA sẽ chỉ là thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước (những người đầu cơ chứng khoán, mua cổ phiếu vì chạy theo phong trào chứ không phải mua cổ phiếu vì muốn VNA lớn mạnh lên, phát triển tốt hơn), nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối và vẫn ưu đãi, hỗ trợ VNA theo đúng như đề xuất cổ phần hóa mà họ rất đàng hoàng đưa ra.
Từ đó, có thể thấy, quá trình cổ phần hóa VNA: Định giá tài sản, phát hành cổ phiếu… thực chất là cách thu hút thêm tiền từ người dân vào đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước. Cũng không loại từ nghi vấn có những sự khuất tất, thu lợi từ việc cổ phần hóa đó.
Nếu cứ theo cách như vậy thì công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế sẽ đi tới đâu? Nếu không tái cấu trúc được thì hậu quả có thể nhìn thấy được là gì, thưa ông?
- Nếu muốn tái cấu trúc thành công phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy. Phải xác định rõ nền kinh tế thị trường là nhà nước phục vụ dân chứ không phải làm giàu từ những hình thức đóng góp theo cách này hay cách khác của người dân.
Thực trạng kinh tế hiện nay có thể thấy rất rõ ràng, quy mô doanh nghiệp đang teo tóp, số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng chóng mặt... Tính đến ngày 1.4.2012 Việt Nam chỉ còn 312.600 doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số trên 694.000 doanh nghiệp thành lập.
Hơn thế, nền kinh tế hiện nay đang bị phụ thuộc, sản xuất chủ yếu là làm gia công, làm thuê cho Trung Quốc và các nước trên thế giới. Con số xuất khẩu 23 tỉ đô la/1 năm của ngành dệt may, có thể làm nhiều người vui nhưng thực chất chỉ là làm thuê. Có một nền kinh tế lành mạnh nào lại để cho công nhân làm liên tục trong xưởng 10 tiếng đồng hồ, sống chui rúc trong những căn nhà thuê 10m2 mà tối vẫn phải đi làm thêm những việc không chính đáng để có thể tồn tại.
Nếu không thực hiện tái cấu trúc, để nâng cao thể trạng của DN nhằm giúp DN hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho DN để thực hiện những mục tiêu đã đề ra thì nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy kiệt nội lực, không có khả năng để đương đầu với bất cứ ai và cứ chết dần, chết mòn như con kén mãi mãi không ra khỏi nỗi cái bọc.
PV: Xin cảm ơng ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này!
(Theo ĐVO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.