Tiến hóa dưới nước
Theo giả thuyết trong bộ phim Người cá, tìm ra cơ thể gần đây chiếu trên chương trình “Thế giới loài vật" (Animal Planet, của kênh truyền hình Fox News), thì "khỉ biển" là một dòng linh trưởng thích ứng với cuộc sống dưới biển. Bộ phim cho nghe những âm thanh dưới nước bí ẩn và giới thiệu một giả thuyết rùng mình này: trong quá trình tiến hóa từ khỉ thành người tiền sử, những con khỉ ấy sống được dưới nước.
|
Người cá là "khỉ biển"? |
Charlie Foley của "Thế giới loài vật" nói giữa loài người với các linh trưởng khác có nhiều khác biệt, nhưng loài người có nhiều điểm tương đồng với các động vật biển, ví dụ màng giữa các ngón tay (các loài linh trưởng khác không có), hoặc lớp chất béo dưới da và cơ thể không còn nhiều lông.
Loài người cũng có khả năng cơ bản bơi, kiểm soát được hơi thở, có thể nín thở được 20 phút tức lâu hơn các động vật khác sống trên cạn. Nhưng Foley nói trên đây chỉ là một giả thuyết mới về luật tiến hóa của loài người, nhưng đoàn phim đã nỗ lực đi tìm sự thật, vì cho rằng có thể người cá không hẳn là những tạo vật truyền thuyết
Bộ phim còn đặt giả thuyết hàng triệu năm trước, loài người sơ khai chắc chắn đã sống gần biển. Nhưng vì nước biển dâng, một số người chuyển hẳn lên bờ sinh sống, số khác chuyển qua sống dưới biển để có nguồn thức ăn.
Loài người sơ khai cũng rất sớm đi biển. Các dụng cụ của người thời đồ đá có niên hạn ít nhất 100.000 năm đã được tìm thấy tại Hy Lạp và ở các đảo Lefkada, Kefalonia và Zakynthos thuộc Hy Lạp, có nghĩa người của thời kỳ này đã biết sử dụng tàu bè.
Cô nàng biết yêu
|
Nữ tài tử Daryl Hannah trong phim “Splash” |
Theo truyền thuyết, người cá là người có đầu là phụ nữ, cánh tay, thân mình và có đuôi cá. Cũng có nơi cho rằng người cá là một nam thanh niên hoặc một bé trai. Trong tiếng Anh cổ, "người cá" đọc là "mermaid" với mer là "biển" còn maid là "cô gái" hoặc "thiếu nữ".
Họ thường được tả là chẳng mặc quần áo nhưng khi cần kiểm duyệt (nhất là trong phim), người cá phải có tóc dài che bộ ngực và trong các phim chiếu gia đình xem ở Mỹ, người cá phải che ngực, mặc áo tắm hoặc mặc các con ốc.
Câu chuyện người cá đầu tiên được cho là từ vùng Assyria năm 1.000 trước CN: nữ thần Atargatis là mẹ của nữ hoàng Semiramis, yêu một người chăn cừu nhưng vô tình làm anh ta chết. Xấu hổ, bà nhảy vào hồ nước để hóa cá, nhưng nước biển không giấu được vẻ đẹp thần thánh của bà. Sau đó, bà chọn làm người cá: thân trên là người, thân dưới là cá.
Chuyện khác kể em gái Thessalonike của vua Alexander đại đế khi qua đời hóa thành người cá ở biển Aegean và khi gặp tàu, bà chỉ hỏi các thủy thủ một câu: "Vua Alexander còn sống?". Nếu câu trả lời là "Ngài vẫn sống, trị vì và chinh phục thế giới" thì bà hài lòng, làm mặt biển yên và chúc tàu thượng lộ bình an. Trả lời sai thì bà nổi giận, gây bão tố làm chìm tàu, thủy thủ thiệt mạng.
Chuyện "Người cá nhỏ" của Đan Mạch kể cô người cá 15 tuổi muốn tìm hiểu thế giới, gặp một chiếc tàu và trên tàu, nàng phải lòng chàng hoàng tử. Bão nổi, tàu bị đắm, hoàng tử bị rớt xuống biển nhưng nàng cứu lên lên bờ. Vì có tiếng chân người, nàng lao xuống biển trốn, rồi gặp phù thủy biển xin liều thuốc để nàng hóa thành người… Trong thần thoại Hy Lạp, người cá dùng vẻ đẹp và sự quyến rũ để đưa các thủy thủ vào cõi chết, sử dụng tiếng hát để thủy thủ đâm tàu vào đá và bị chìm.
Bộ chuyện "Một ngàn lẻ một đêm" cũng có nhiều chuyện về người cá. Chuyện cổ tích Anh toàn kể người cá báo trước tai họa và tạo ra tai họa ấy, có nàng cao 610m. Nhưng cũng có khi các nàng báo trước điềm dữ để loài người cảnh giác.
Chuyện cổ tích Trung Hoa kể người cá là một tạo vật đặc biệt, giọt lệ của nàng có thể hóa thành những hòn ngọc vô giá. Nhưng các chuyện khác của TQ lại kể người cá dữ, ngu và dễ bị bắt. Truyền thuyết kể rằng người cá chào đời có đuôi màu tím tỏa mùi hạnh phúc, nhưng nếu người cá buồn hoặc chết thì đuôi chuyển sang màu đỏ tỏa mùi âu sầu. Từ đó, ngư phủ muốn bắt người cá chỉ để ngửi đuôi màu tím hoặc màu đỏ….
Đã gặp người cá?
|
Tượng Mỹ nhân ngư ở Đan Mạch |
Hồi tháng 2.2012, Bộ trưởng Tài nguyên nước Samuel Sipepa Nkomo của chính phủ Zimbabwe cho biết: công nhân ở hai hồ trữ nước nọ từ chối làm việc, với lý do nhiều người cá "ám" họ. Tháng 8.2009, thành phố Kiryat Yam (Israel) treo khoản tiền thưởng 1 triệu USD, cho bất kỳ ai chứng minh được người cá trong vùng biển này, do nhiều người nói đã trông thấy người cá phóng lên khỏi mặt biển như cá heo, múa biểu diễn trước khi nhào xuống nước trở lại. Cho đến nay, chưa có ai giật được món tiền thưởng ấy.
Cũng đã có nhiều người tuyên bố trông thấy người cá (sống hoặc chết) ở nhiều vị trí như ở Java (Indonesia), Vancouver (Canada)… Nhưng từ nhiều thế kỷ tại Nhật Bản và các đảo ở Thái Bình Dương, có những phụ nữ khỏa thân lặn biển mò ốc.
Họ dần dần luyện được khả năng nín thở lâu và chịu được cái lạnh rất lâu, mà theo các nhà khoa học, phụ nữ chịu lạnh giỏi hơn nam giới nên giỏi nghề lặn hơn. Khi trồi lên mặt biển, họ hít sâu để phục hồi nguồn oxy, tạo ra những tiếng thở mạnh nên được gọi là "tiếng còi của biển" hoặc theo tiếng Nhật là "bài ca của biển".
Nữ thợ lặn còn cần nghỉ nhiều và sau khi lặn, để duy trì khả năng hoạt động của buồng phổi, họ thường hát to và điều này có thể giải thích cho truyền thuyết "tiếng hát người cá" làm thủy thủ bị mê hoặc, lái tàu đâm vào đá và tàu chìm, dìm chết các thủy thủ.
Nhiều khả năng các thủy thủ đã gặp các nữ thợ lặn này và cho rằng đó là người cá do khả năng ngâm mình trong nước lạnh và lặn lâu. Cũng đã có những quy định cấm đánh cá tại những vùng biển, để dân làng đánh cá duy trì truyền thuyết người cá nhằm bảo vệ các nữ thợ lặn và nguồn cá của họ.
Dân Úc tự hào họ có người cá thật sự: nữ VĐV lặn biển Hannah Fraser 36 tuổi, hiện là người mẫu, diễn viên và sống ở Los Angeles (Mỹ). Hannah kể cô mê làm người cá từ lúc 9 tuổi, sau khi xem nữ tài tử Daryl Hannah thủ vai người cá trong phim Quẫy sóng (Splash).
Cô cũng biểu diễn những màn mang đuôi người cá để lặn cùng cá heo và thậm chí với cả cá mập lưng trắng. Hannah có thể nín thở 2 phút trong những lúc lặn biển sâu này. Cô vừa cùng chồng Dave Rastovich thực hiện một cuộc biểu diễn với cá mập lưng trắng, nhằm đánh động tình trạng săn bắt cá mập tràn lan, đồng thời kêu gọi bảo tồn tài nguyên biển.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.