"Om" tiền khách kéo dài, phải khởi tố chủ đầu tư

Thứ ba, ngày 27/05/2014 14:38 PM (GMT+7)
Sáng 27.5, Quốc hội làm việc ở tổ để bàn, cho ý kiến về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) .
Bình luận 0

"Luật cần quy định công khai minh bạch chứ không được mỹ miều, không có thực. Cần quy định rõ chứ hiện có tình trạng nhiều chủ đầu tư lấy tiền của người dân, nhưng 5-7 năm vẫn chưa có nhà để giao. Số tiền hàng trăm tỷ đó đầu tư vào đâu? Liệu có phải lừa đảo không? Phải khởi tố hình sự chứ để thế mãi sao được" ĐB Quốc hội Đỗ Văn Đương đã nói như vậy.

Sáng 27.5, Quốc hội làm việc ở tổ để bàn, cho ý kiến về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) . Các ý kiến đã tập trung phân tích nhà ở là tài sản đặc biệt gắn liền với việc sử dụng đất là tài sản phải đăng ký, cần rà soát đảm bảo phù hợp với 2 Luật dân sự và Luật đất đai.

Nói về một thực trạng bức thiết tại các khu chung cư ở Hà Nội và TP. HCM, đặc biệt là các khu tái định cư, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) đặt vấn đề: Hiện có trường hợp có nhà mà không có đường đi thì người dân sống thế nào? Hay chung cư thang máy hỏng 5-6 năm mà không sửa, trong khi nhà cao tầng 26-27. "Vậy tiền quỹ sử dụng như thế nào? Việc mua nhà tính diện tích nhà từ tim tường hay cột...Quá nhiều thứ bất cập dẫn đến khiếu kiện trong thời gian qua. Chính vì thế cần cơ chế quản lý nguồn vốn nhà đầu tư. Cần tay ba chủ đầu tư- khách hàng-ngân hàng" - ĐB Đương nêu ý kiến.

Về việc đầu tư bất động sản của người nước ngoài, ĐB Đương cho rằng cần tính đến trong tình hình mới, để bảo vệ lãnh thổ. "Mở chủ trương mà không chặt chẽ con cháu ông hàng xóm nước ta sang đầu tư thì đến bao giờ chúng ta đòi được" - ĐB Đương lo ngại.

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thì Luật nhà ở khi làm xong mới triển khai nhà ở xã hội, đó là lỗ hổng. Đề nghị Luật nhà ở điều chỉnh cái gì? Nếu đặt trong dân sự đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản xem cái gì như sở hữu thuộc dân sự. Những cái quy định rồi chúng ta cần quy định nữa không. Dường như một luật mà muốn làm tất cả, đối tượng luật nhà ở cần làm rõ

ĐB Võ Thị Dung (TP. HCM) thì cho rằng, Luật nhà ở phải tính sở hữu có thời hạn, không sở hữu vĩnh viễn. Tạo nhà hết đời mình, con cháu phải tự lập để lao động chứ không thể cha truyền con nối, như thế mới tạo động lực phát triển xã hội. Về điều kiện mua nhà của người nước ngoài theo ĐB Dung quy định đơn giản quá, chỉ nhập cảnh 3 tháng là được mua nhà. Trong khi hiện Luật xuất nhập cảnh đang được thảo luận.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng Luật nhà ở ra đời phải góp phần giải quyết vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay, đó là cải tạo các chung cư cũ. ĐB An dẫn chứng ở HN có chung cư đã 50 năm quy định rõ cải tạo thế nào, ai cải tạo, chế định tài chính thế nào chưa rõ. Chính vì thế mặc dù Thành phố Hà Nội đã cố gắng nhưng vẫn vướng mắc.

Đặt vấn đề về nhà ở công vụ, ĐB An nêu nhiều trường hợp người ở nhà công vụ đã thôi chữ vụ, nghỉ hưu nhưng không trả, hoặc có người nói không biêt trả cho ai. "Chính vì thế phải có quy định rõ cán bộ cấp như nào thì được hưởng nhà công vụ và ở đến thời gian nào" - ĐB An nói.

Cũng cho ý kiến về nhà công vụ, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng nhà nước không nên đứng ra xây dựng nhà công vụ, nên giao cho công ty dinh doanh vấn đề này như vậy sẽ tiết kiệm và quản lý chặt chẽ hơn. Khi người đó thôi việc thì doanh nghiệp sẽ đòi nhà dễ hơn khăc phục được tình rạng nể nang giữa người tiền nhiệm và kế nhiệm.

Kiều Minh - Ngọc Lương (Kiều Minh - Ngọc Lương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem