"Sáng tác trên beat có sẵn vẫn được xem là hoạt động sáng tác tử tế"

Thứ hai, ngày 08/12/2014 14:21 PM (GMT+7)
Việc viết melody trên beat có sẵn của người khác chỉ cấm trong trường hợp: Không xin phép tác giả bản beat hoặc không ghi tên nguồn của bản beat. Nghĩa là những hành vi bị quy vào phạm pháp luật bản quyền và đạo đức (Mượn đồ phải xin phép chủ nhân nếu không muốn bị quy là ăn cắp). Ngoài những yêu cầu đó ra, việc sáng tác trên beat có sẵn vẫn được xem là một hoạt động sáng tác đàng hoàng tử tế.
Bình luận 0

Xung quanh những dư luận và tranh cãi gần đây về vấn đề đạo beat, đạo nhạc, có thể thấy nổi lên một bộ phận công chúng chưa hiểu biết thấu đáo hoặc ngộ nhận về thế nào là đạo nhạc, sao chép, vay mượn, bắt chước, ảnh hưởng cũng như lẫn lộn giữa đạo đức và tài năng của nghệ sĩ…

Thứ nhất, về chuyện sáng tác trên beat nhạc có sẵn, nhiều người vẫn hoang mang không biết có được hay không và có người lại còn cho rằng nó có liên quan đến hiểu biết về công nghệ hiện đại, người tiên tiến thì chấp nhận, người lạc hậu thì không (?!)

Thật ra, chuyện viết nhạc trên beat hay bản hòa âm phối khí hoàn chỉnh có sẵn là chuyện xưa hàng thế kỷ rồi, nó không liên quan đến trình công nghệ thấp hay cao. Chuyện dân làng nhạc ai cũng biết trường hợp của Gounod khi viết “Ave Maria” trên một bản hòa thanh có sẵn của Bach là một dẫn chứng quá quen thuộc. Sự vay mượn hay kết nối chất liệu sáng tác của nhau có thể thấy rải rác từ xa xưa cho đến đương đại. Chỉ có điều ở thì hiện tại, việc này có lẽ phổ biến hơn nhờ vào việc sáng tác âm nhạc trên computer là chủ đạo.
 

Việc viết melody trên beat có sẵn của người khác chỉ cấm trong trường hợp: Không xin phép tác giả bản beat hoặc không ghi tên nguồn của bản beat. Nghĩa là những hành vi bị quy vào phạm pháp luật bản quyền và đạo đức (Mượn đồ phải xin phép chủ nhân nếu không muốn bị quy là ăn cắp). Ngoài những yêu cầu đó ra, việc sáng tác trên beat có sẵn vẫn được xem là một hoạt động sáng tác đàng hoàng tử tế.

Tuy nhiên, đối với người có yêu cầu cao về sáng tạo thì việc làm này không được đánh giá cao và xem trọng, trừ khi nó là dạng bài tập sáng tác cho những người đang học trên ghế nhà trường. Nó không nên trở thành một thói quen viết nhạc khi đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Chỉ có thế thôi!

Chuyện hai bài hát có giống nhau hay không thì phải căn cứ trên việc nó giống nhau như thế nào về liều lượng tổng thể và chi tiết cấu thành tác phẩm. Qua đó để xem đó là do ảnh hưởng, vay mượn hay sao chép chứ không nhất thiết luôn luôn là đạo nhạc! Chúng ta cũng biết, có những ca khúc mượn theme âm nhạc của bài khác để đưa vào sáng tác của mình như là một nguồn cảm hứng hoặc để làm một đề dẫn cho sự phát triển giai điệu khác. Việc làm này không bị xem là “đạo” nếu tác giả ghi rõ công khai nguồn chất liệu đó trong sản phẩm âm nhạc của mình.

Nếu không, tất nhiên bài hát đó đã vi phạm pháp luật lẫn đạo đức. Sự vay mượn này có thể thấy trong mọi lãnh vực sáng tạo nghệ thuật chứ không riêng gì âm nhạc. Và đôi khi nhờ tài năng cao từ chỗ vay mượn, tác giả còn tạo nên những sáng tác còn hay hơn từ nguồn vay mượn. Thế nhưng, điều đó thường chỉ thấy ở những nhân tài kiệt xuất mà thôi.

Một tác giả nếu viết một bài hát giông giống bài khác chưa đến mức có thể gọi là “đạo” thì anh ta bị đánh giá thấp ở góc độ sáng tác chứ không bị lên án về mặt pháp luật hay đạo đức (Dĩ nhiên là nếu như việc này xảy ra khá phổ biến trong các sáng tác thôi, còn nếu chỉ riêng trong một hai tác phẩm trong rất nhiều tác phẩm chất lượng thì không thể đánh giá anh ta qua thiểu số đó được). Nghĩa là anh ta bị ảnh hưởng quá nặng, anh ta làm việc như một anh thợ chăm chỉ và cần cù chứ không có hàm lượng chất xám của tư duy và sáng tạo riêng của mình. Anh ta chỉ kém giá trị hoặc giá trị tầm thường.
 
Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp anh ta làm cái việc sao chép trong vô thức vì bị nhập tâm quá nhiều sáng tác của người khác mà mình quá thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm, cũng như không quá tự nghiêm khắc với mình để tạo ra một tác phẩm mà căn cứ trên đó người ta có thể kết luận là anh ta “đạo” thì anh ta cũng phải chấp nhận giơ đầu chịu báng giống như kẻ cố tình sao chép chuyên nghiệp sáng tác của người khác khi bị phát hiện và bị tố!
 
Viết một ca khúc rất dễ nhưng khó là có một ca khúc giá trị về mặt tài năng lẫn…đạo đức là như vậy đó.
 

Có những người có lập luận rất đáng suy nghĩ về nhân cách và nhận thức giữa tài năng và đạo đức khi cho rằng (đại ý): “Tôi thấy anh ta viết bài này trên beat của người ta mà còn hay hơn giai điệu gốc nữa, như vậy cũng đáng khen rồi”!

Hay như ý kiến khác: “Anh ta đạo giai điệu người khác mà cho ra bài hát nghe tuyệt vời hơn bản gốc thì có gì mà chê bai”?! Và có sốc không khi một nhạc sĩ lão làng cũng tỏ ra quá rộng lượng: “Nếu anh ta có nhập tâm giai điệu hay của người khác thì anh ta cũng mất công sức để viết nên một bài hát kia mà”!

Ồ! Nếu thế, ăn cắp và ăn trộm vẫn có thể xem một nghề được không khi mà để thực hiện những hành vi đó, người ta cũng phải dùng sức lao động và hao tâm tổn trí để tìm cách và phương án tối ưu để trộm và cắp?!

Nhạc sĩ Trần Minh Phi 

(Theo Nhà báo & Công luận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem