Báo chí phương Tây bịa đặt?Sở trường của Lee là khả năng diễn xuất rất có duyên và những câu nói dí dỏm khiến khán giả phải cười. Người ta gọi Lee là phụ nữ có tài “thọc lét” không cần chạm vào người. Tuy nhiên, Lee bị tai nạn nghề nghiệp và sai lầm đó phải trả một cái giá đắt là bị kỷ luật: phải đến mỏ than làm việc trong một thời gian dài.
Diễn viên kịch Lee Choon Hong
Tờ Daily Mail và IBTimes của Anh cùng cho biết Lee đã gặp vạ vì tội lỡ miệng. Là một trong những diễn viên có tài, Lee được coi như con cưng của chính quyền Bình Nhưỡng. Phải rất tin tưởng, giới chức Triều Tiên mới cho Lee được vinh dự đi phục vụ giai cấp công nông luôn thèm khát nụ cười trên khắp đất nước. Vừa qua, Lee được cử đi biểu diễn cho các công nhân tại đại nông trường Sep’o rộng đến 150.000 acre (1 acre tương đương với 0,4ha) tại tỉnh Kangwondo.
Tại nông trường, các công nhân rất hào hứng khi có đoàn kịch hài đến biểu diễn nên hầu như không ai vắng mặt. Họ háo hức được xem Lee biểu diễn vì tại Triều Tiên, cơ hội giải trí không nhiều, cả xã hội cần phải làm việc để đất nước ngày càng phồn thịnh. Ai cũng hiểu được xem Lee diễn là phần thưởng mà họ may mắn được ban tặng mà có khi nhiều năm mới được một lần.
Trước đông đảo bà con, Lee rất phấn khởi biểu diễn để mua vui cho mọi người. Nhưng không biết hôm đó, Lee đã động đến đồ ăn thức uống gì mà tinh thần không được tỉnh táo kiên định lắm. Chính vì vậy, trong khi diễn Lee đã có một số lời bất nhã với các giá trị được toàn dân tôn sùng.
Nội dung của lời nói không được báo chí đưa nguyên văn nhưng mô tả nó có vẻ đem chính quyền ra làm trò cười hay nói theo kiểu phong kiến ngày xưa là “phạm húy”. Tại phương Tây, diễn viên hài có thể nói bất cứ điều gì để chọc cười khán giả, miễn là đừng thô tục quá nhưng với các diễn viên tại Triều Tiên, mỗi lần biểu diễn họ cần phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói.
Sau khi biết mình lỡ lời, mặt Lee như chàm đổ, thân hình run rẩy. Khán giả xem biểu diễn im bặt không dám cất tiếng cười vì họ biết điều mà Lee nói là không ổn. Ban quản lý nông trường và các quan chức khác cũng sốc trước cách nói văng mạng của Lee nhưng họ vẫn phải báo cáo lên cấp trên xin ý kiến chỉ thị. Cuối cùng, Lee cũng nhận được “sự quan tâm” của chính quyền khi họ quyết định cử đặc cách diễn viên này đến mỏ than Jikdong ở tỉnh Suchon.
Tại đây, Lee không cần phải biểu diễn cho các công nhân mỏ nữa mà được hòa mình vào quần chúng đi đào than luôn. Daily Mail cho biết việc "phạm húy" khi biểu diễn tại nông trường phải trả giá bằng việc đi đào than 6 tháng và thời gian còn lâu hơn nếu Lee không cho thấy sự tiến bộ trong nhận thức.
Đây không phải lần đầu Lee gặp tai nạn nghề nghiệp vì vào năm 2000 Lee cũng gặp sự cố tương tự khi lồng ghép chuyện chính quyền vào những tiết mục hài. Lee từng có nhiều công trạng trong việc dàn dựng, tổ chức các đại lễ tại Triều Tiên nên mới được tạo cơ hội cho sửa sai và cải tạo tại mỏ than Jikdong.
Một nguồn tin nói rằng do Lee bị “tai nạn nghề nghiệp vì không cẩn thận” nên mới được tạo điều kiện ra mỏ than để trau dồi lại nghiệp vụ và tinh thần. Tại mỏ than, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận nên yếu tố an toàn lao động rất được đề cao. Nếu Lee chịu khó học tập từ các công nhân thì nhất định sẽ tiến bộ và có cơ hội trở lại sân khấu sớm.
Điều đáng nói là quyết định cho Lee “thuyên chuyển công tác” được đưa ra rất nhanh. Hôm trước lỡ lời, hôm sau nhận quyết định đi từ nông trại lên mỏ than luôn. Lee Hong cũng không cần phải ghé qua nhà ở Bình Nhưỡng mà lên thẳng mỏ than để làm việc. Chính vì chuyến “công tác” đột xuất này nên con gái của Lee không kịp trở tay khi ngày cưới cận kề. Daily Mail cho biết cô con gái của Lee đã phải chấp nhận hoãn đám cưới chờ mẹ đi “công tác” về thì mới tổ chức ngày vui nhất cuộc đời.
Tuy nhiên, giới truyền thông Triều Tiên không xác nhận thông tin này và họ cho rằng những câu chuyện về Lee là sản phẩm của trí tưởng tượng phương Tây nhằm bóp méo hình ảnh của Bình Nhưỡng. Báo chí phương Tây cũng không hề có một tấm ảnh hay tư liệu nào nhằm làm sáng tỏ vấn đề mà họ nêu.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un
Điện ảnh Triều Tiên tránh xa vùng cấmNhắc đến điện ảnh Triều Tiên, người Việt Nam thường nhớ tới bộ phim Lệnh 027 nói về các điệp viên Triều Tiên anh dũng mưu trí, một mình hạ được cả trăm tên địch. Sau phim này, chúng ta ít nghe nhắc đến các bộ phim của điện ảnh Triều Tiên. Trên thực tế, hằng năm các xưởng phim vẫn ra đều. Thậm chí, họ còn hợp tác với các quốc gia phương Tây để sản xuất các bộ phim đi dự liên hoan điện ảnh quốc tế là đằng khác.
Chẳng hạn như tháng 4 vừa qua, Triều Tiên mang bộ phim Comrade Kim Goes Flying là tác phẩm hợp tác sản xuất cùng Anh và Bỉ đi tham dự liên hoan phim ở Trung Đông. Diễn viên chính của phim là Han Jong Sim rất khả ái và có vẻ đẹp tự nhiên xinh hơn nhiều so với các nữ diễn viên ca sĩ Hàn Quốc vốn toàn thẩm mỹ dao kéo.
Phim nói về một cô thợ mỏ nhưng nuôi dưỡng ước mơ trở thành một diễn viên xiếc và nhờ ý chí phấn đấu không ngừng mà đã hoàn thành giấc mơ. Cảnh phim đẹp, diễn xuất có thần và quan trọng là xuất thân từ Triều Tiên nên phim đã tạo được tiếng vang khi trình chiếu ở các nước.
Khi xem đoạn giới thiệu của phim này, người ta có thể nhận thấy một hình ảnh Triều Tiên diễm lệ với những con người hăng say lao động và nuôi dưỡng giấc mơ. Chủ đề chung của các bộ phim Triều Tiên là ca ngợi cuộc sống mới chứ không đắm say vào yếu tố yêu đương nhăng nhít, tình tay ba hay ung thư như điện ảnh Hàn Quốc. Ngoài ra, phim lịch sử cũng là một mảng quan trọng trong nền điện ảnh Triều Tiên và nêu bật tinh thần chiến đấu của quân dân Triều Tiên trong các cuộc chiến chống phát xít Nhật cũng như thế lực thù địch khác.
Tại Triều Tiên, hình ảnh của các cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật xuất hiện ở mọi nơi, hiện diện ở những chỗ trang trọng nhất như những tấm ảnh được treo cao ngay ngắn hay những bức tượng đồ sộ. Vậy thì vị trí nào cho các lãnh tụ của Triều Tiên trong điện ảnh? Các bộ phim tài liệu chẳng hạn như The Respected Comrade Supreme Commander Is Our Destiny (Đồng chí Tư lệnh tối cao đáng kính là vận mệnh của chúng ta).
Bộ phim được trình chiếu tại Cung văn hóa Nhân dân Bình Nhưỡng (tháng 8 năm 2008), nhân dịp kỷ niệm 48 năm kể từ ngày cố Chủ tịch Kim Chính Nhật đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, và nhằm tôn vinh ông ta như một người sáng lập của đường lối tư tưởng.
Hãng thông tấn KCNA đã công bố đánh giá như sau: “Bộ phim đã thực sự gây ấn tượng trong việc tái hiện những chiến công bất tử của lãnh tụ Kim Chính Nhật trong công cuộc phát triển Quân đội Nhân dân Triều Tiên thành một lực lượng vũ trang cách mạng bất khả chiến bại, trở thành đối trọng của Mỹ và chủ nghĩa đế quốc trong những năm 1990 dưới những khẩu hiệu mang tên Tướng quân, do đó thể hiện được sức mạnh của tư tưởng “Chủ thể Triều Tiên”.
Vậy còn những tác phẩm điện ảnh theo dạng phim liên quan đến các nhà lãnh đạo nước này? Không có trong suốt mấy năm qua. Chắc các nhà viết kịch bản cũng không dám viết phim về lãnh đạo vì ngộ nhỡ có câu nào trong phim sơ sẩy thì rắc rối. Hơn nữa, họ cũng chẳng kiếm nổi các diễn viên có thể vào vai tốt những nhà lãnh đạo đáng kính. Dựng các bộ phim tài liệu thì yên tâm hơn.
Hà khuê (Thế giới & Hội nhập) (Hà khuê (Thế giới & Hội nhập))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.