Chiều 4.2, tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi với báo chí về vụ cưỡng chế, nổ súng tại đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng).
Lãnh đạo Hải Phòng cho biết đã gửi báo cáo tới Chính phủ và các cơ quan Đảng, Nhà nước 2 ngày sau khi sự việc xảy ra. Ông đánh giá thế nào về báo cáo này?
- Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP Hải Phòng xem xét, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Nhưng việc Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Hải Phòng làm rõ vào ngày 17.1 phần nào thể hiện báo cáo của Hải Phòng chưa đủ chi tiết.
Ngày 2.2, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có ý kiến yêu cầu Hải Phòng và một số bộ ngành liên quan nắm chắc, phân tích vụ việc để tuần tới Thủ tướng chủ trì họp nghe Hải Phòng báo cáo và nghe ý kiến các bộ trước khi đưa ra kết luận.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. |
Sự việc xảy ra đã một tháng, gây chấn động dư luận xã hội. Tại sao các cơ quan trung ương lại chậm đưa ra ý kiến, biện pháp xử lý như vậy?
- Tất cả cơ quan Nhà nước cấp tỉnh hay, bộ, ngành đều làm việc theo quy định và trình tự. Thủ tướng với trách nhiệm trong Đảng, Nhà nước cũng đã yêu cầu không chỉ Chủ tịch UBND Hải Phòng mà Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng phải họp phân tích, thống nhất và có báo cáo tới Chính phủ quan điểm của Ban thường vụ về vụ việc.
Trong báo cáo, cần làm rõ 3 nội dung: Thứ nhất, việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở đâu, trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân nào? Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định và trong quy định pháp luật khi nào cần sử dụng tới biện pháp cưỡng chế và nếu không đúng thì sai ở điểm nào, tổ chức nào cấp nào chịu trách nhiệm? Thứ ba, những tài sản như ao cá, nhà - theo cách gọi của báo chí - bị phá hủy thì có chủ trương không, nếu có thì là của ai, cấp nào?
Các Bộ theo chức năng của mình phải có ý kiến rõ ràng, đặc biệt 3 vấn đề trên.
Vậy quan điểm của Chính phủ trong xử lý vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng?
- Vụ việc ở Tiên Lãng là một bài học về công tác giao, thu hồi đất, nếu ai có trách nhiệm liên quan sẽ bị xem xét xử lý. Thậm chí, Chính phủ sẽ xem xét cả trách nhiệm cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời, đúng luật báo chí chưa.
Thông tin kết quả cuộc họp tuần tới của Thủ tướng sẽ được cung cấp đầy đủ cho báo giới.
Đến năm 2013, thời hạn giao đất năm 1993 của hàng trăm nghìn hộ nông dân hết hiệu lực. Chính phủ sẽ thảo luận như thế nào về phương án tiếp tục giao đất cho nông dân hoặc thu hồi hàng loạt?
- Đất đai là tài nguyên hữu hạn, phải sử dụng hiệu quả để phục vụ sự phát triển của đất nước. Đi liền với nó là phải đảm bảo để người dân có nhu cầu có đất sản xuất thì được sản xuất. Vấn đề này liên quan tới sửa đổi Luật đất đai và Hiến pháp. Chính phủ chắc chắn bàn và có kiến nghị giải pháp với Đảng, Quốc hội trước thời hạn năm 2013.
Trao đổi bên lề buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, người đứng đầu thành phố Hải Phòng nếu từ đầu khẳng định xử lý nghiêm thì vụ việc Tiên Lãng không trở nên phức tạp như hiện nay.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.