Sáng 20.6, được sự bảo trợ của Ủy ban Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Ban Tuyên giáo TƯ, Ban Kinh tế TƯ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TƯ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013 đã được tổ chức tại khách sạn Melia (Hà Nội). Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cùng 500 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao của các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, các đơn vị ứng dụng CNTT.
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam được tổ chức thường niên theo sáng kiến của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bắt đầu từ năm 2011.
Với phương châm: Nhận diện xu thế - Chia sẻ tầm nhìn - Hoạch định chiến lược - Tìm kiếm giải pháp, diễn đàn là nơi gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao trong các lĩnh vực chủ chốt liên quan: các cơ quan hoạch định và thi hành chính sách ở trung ương và địa phương; các ngành, đơn vị cần ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh; các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hàng đầu trong ngành CNTT-TT; các cơ sở nghiên cứu, giáo dục và đào tạo nhân lực… Chủ đề của diễn đàn năm nay là "CNTT - nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia".
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như công cuộc đổi mới đất nước.
Thủ tướng khẳng định: "Để vượt qua những thách thức đó, Việt Nam đặt ra yêu cầu là phải phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phương thức nào để thực hiện được mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vượt qua quỹ thu nhập trung bình và phát triển kinh tế. Tôi hy vọng rằng diễn đàn hôm nay sẽ thảo luận để đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích nhằm giải đáp một phần nào câu hỏi đó".
|
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm: "Sự bùng nổ của CNTT với các nền tảng công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang hình thành nên xu thế phát triển thông minh trên mọi lĩnh vực. Từ hạ tầng thông minh, đô thị thông minh, y tế và giáo dục thông minh đến chính phủ thông minh và quốc gia thông minh. Từ năm 2000, chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp thích hợp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, xác định CNTT là 1 trong những động lực quan trọng nhất của phát triển, góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Hơn 10 năm qua, CNTT đã trở thành nền kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP của đất nước. Đồng thời có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Hạ tầng viễn thông và viễn thông Việt Nam đang từng bước phát triển để ngang tầm khu vực và thế giới.
Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ CNTT thế giới. Mức độ triển khai chính phủ điện tử của Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 4 trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Theo kết quả khảo sát chính phủ điện tử của UNESCO, năm 2012, Việt Nam xếp vị trí thứ 83 trong tổng số 190 quốc gia được thực hiện, đánh giá. Với kết quả này Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2010. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Bruney. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước phát triển nhất về gia công phần mềm và trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản. Hà Nội và TP.HCM đã lọt vào danh sách 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm".
Thủ tướng nhấn mạnh: "CNTT là một lợi thế phát triển đặc biệt của Việt Nam trên nền tảng nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và được đào tạo cơ bản. Để phát huy lợi thế này, từ năm 2010, Chính phủ đã triển khai đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông. Tháng 6.2013 này, Chính phủ dã phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư 2013 - 2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho mọi giao dịch của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội".
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng triển khai 8 nội dung, nhiệm vụ để CNTT thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã tới Việt Nam tham dự diễn đàn này. Thủ tướng nhấn mạnh, sự hiện diện của ngài Hatoyama mang ý nghĩa thiết thực nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ và tăng cường hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa 2 nước về CNTT và truyền thông.
Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.