"Xin đừng khoác quá nhiều nhiệm vụ chính trị lên vai một ca khúc"

Mai An Thứ hai, ngày 28/07/2014 14:33 PM (GMT+7)
Trong chương trình Giai điệu tự hào chủ đề "Xa khơi", việc những liên tưởng rất xa, rất rộng của các thành viên hội đồng bình luận trẻ đôi khi cũng khiến khán giả thấy mệt, và TS Minh Thái đã phải thốt lên “Xin đừng khoác quá nhiều nhiệm vụ chính trị lên vai một ca khúc”.
Bình luận 0

Giai điệu Tự hào chủ đề “Xa khơi” phát sóng tối 26.7 trên VTV1 vừa rồi, với sự trở lại của nghệ sĩ Kiều Hưng trong “Tình em biển cả” là một điểm nhấn khó quên với nhiều người. Nghe lại những ca khúc đẹp của một thời, để thấy thêm yêu từng tấc đất biển trời. 

Vẫn mang tình em mùa xuân rực rỡ

Nghệ sĩ Kiều Hưng- tiếng hát được hâm mộ suốt những thập nhiên 60, 70, 80 của thế kỷ trước đã có một phần trình diễn đầy cảm xúc. Nghe ông hát “Tình em biển cả” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn mới hiểu tại sao ca khúc này được mến yêu nhiều đến thế. Giai điệu đẹp, bay bổng như một khúc sáo từ chốn thiên thai, ca từ đẹp, mỗi hình ảnh, câu chữ đều như một viên ngọc, một bông hoa thơm lành: “Như những cánh chim bầu trời bao la/Con sóng đung đưa thuyền ra khơi xa/Vẫn mang tình em mùa xuân rực rỡ/Giếng nước bờ tre đồng thơm giạ lúa…”.

img Ca sĩ Anh Thơ với ca khúc “Xa khơi”.

Tiếng hát Kiều Hưng, gương mặt nhẹ nhõm, đôi mắt lấp lánh cười và tinh thần tươi trẻ thật hiếm có ở lứa tuổi của ông đã khiến cho tất cả khán giả tin rằng, bao nhiêu năm qua, ông vẫn còn nguyên tình yêu âm nhạc, “vẫn mang tình em mùa xuân rực rỡ”.

Tình yêu biển đảo quê hương đã có trong trái tim mỗi người Việt Nam có lẽ từ khi mới sinh ra đời, bởi thế mà có biết bao nhiêu áng văn thơ, bao nhiêu ca khúc của các thế hệ nghệ sĩ viết dành cho biển đảo. Bởi thế mà chỉ có 6 ca khúc được chọn lựa đưa vào chương trình gồm “Xa khơi”, “Tình em biển cả”, “Bến cảng quê hương tôi”, “Thơ tình lính biển”, “Bài ca thống nhất” và “Biển hát chiều nay” dường như vẫn chưa “đã” với khát khao được thưởng thức của khán giả. Vẫn còn muốn nghe nhiều và nhiều hơn nữa những bài tình ca biển cả làm rung động trái tim bao thế hệ như “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Nơi đảo xa”, “Đất nước bên bờ sóng”…

Hầu hết các ca sĩ trẻ trong chương trình đã thể hiện tốt tinh thần và cảm xúc của các ca khúc như Anh Thơ với “Xa khơi”, Quang Dũng với “Thơ tình lính biển”, Mỹ Tâm với “Biển hát chiều nay”, nhóm Dòng Thời Gian với “Tình em biển cả”. Tuy nhiên phần trình diễn của nhóm Mặt Trời đỏ với “Bài ca thống nhất” hay ban nhạc Magnet với “Bến cảng quê hương tôi” lại chưa thực sự ấn tượng như mong đợi. Có người bình luận rằng việc đạo diễn cho phát ca khúc “Bài ca thống nhất” do NSND Thu Hiền ngay trước phần trình diễn của nhóm Mặt Trời đỏ chẳng khác nào “chơi khó” cho thế hệ đi sau này bởi khán giả càng có cơ hội nhìn rõ sự cách biệt quá lớn.

Bình luận chưa cuốn hút

Khác với các số phát sóng trước, phần bình luận của hai hội đồng bình luận trẻ và già của số tháng 7 chủ đề “Xa khơi” chưa thật sự ấn tượng. Những tranh luận chỉ gay cấn một chút ở chỗ TS Nguyễn Thị Minh Thái khăng khăng bảo vệ quan điểm muốn Anh Thơ hát “Xa khơi” theo đúng như những gì NSƯT Tân Nhân đã làm được gần nửa thế kỷ trước, trong khi đó, nhiều thành viên hội đồng trẻ lại nghĩ thoáng hơn, họ muốn “Xa khơi” chỉ là sự khắc khoải, mong chờ gần gụi hơn.

Việc những liên tưởng rất xa, rất rộng của các thành viên hội đồng bình luận trẻ đôi khi cũng khiến khán giả thấy mệt, và TS Minh Thái đã phải thốt lên “Xin đừng khoác quá nhiều nhiệm vụ chính trị lên vai một ca khúc”. Việc có quá nhiều khách mời trong mỗi hội đồng cũng khiến cơ hội được xuất hiện trước ống kính và nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình về một ca khúc nào đó của khách mời cũng bị hạn chế. Về phía hội đồng trẻ tuổi, có hai khách mời là nhà báo Lê Quyết Chí và họa sĩ Trần Nhật Thăng hầu như chẳng được nói câu nào. Nên chăng ban tổ chức cần giảm bớt số lượng thành viên khách mời trong các hội đồng bình luận và có sự thay đổi nhiều hơn các gương mặt sau mỗi chương trình để tạo độ mới lạ, hấp dẫn nhằm thu hút khán giả.

Một điểm cần lưu ý nữa là “Xa khơi” có phần hơi lạm dụng các tiết mục múa minh họa, cả hai ca khúc “Thơ tình lính biển” và “Biển hát chiều nay” đều có các vũ công ba lê ra thực hiện các động tác cơ bản của múa ba lê như bê, xoạc… dù kỹ thuật khá đẹp nhưng nó xa lạ với nội dung bài hát chuyển tải. Giá như phần trình bày của Quang Dũng với “Thơ tình lính biển” được dàn dựng gần gũi hơn, nhiều “chất” lính biển hơn thì sẽ tạo được ấn tượng mạnh hơn.

Bỏ qua những tiểu tiết này, chương trình “Xa khơi” vẫn là một chủ đề thành công mà nhóm làm chương trình đã cố gắng đem đến cho khán giả. Nghe những ca khúc về biển đảo, càng thấy yêu đất nước quê hương, càng xót xa khi nghĩ đến vùng biển, vùng trời chứa đựng biết bao hoài bão, khát vọng của dân tộc đã bị cưỡng đoạt, xâm chiếm. Vẫn còn đó số phận những ngư dân mong manh trên biển, những người lính đã hy sinh cuộc đời ở lứa tuổi trai tráng để bảo vệ trời biển quê hương. Bởi vậy nên biển mãi ngàn năm thao thức.

Việc những liên tưởng rất xa, rất rộng của các thành viên hội đồng bình luận trẻ đôi khi cũng khiến khán giả thấy mệt, và TS Minh Thái đã phải thốt lên “Xin đừng khoác quá nhiều nhiệm vụ chính trị lên vai một ca khúc”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem