Frenkie de Jong - "Bom tấn" trị giá 84 triệu euro của Barcelona (Nguồn Youtube):
“Người hùng giấu mặt” ở thời 4.0
Sau “cơn địa chấn” ở Bernabeu giữa tuần qua, khi Ajax Amsterdam bất ngờ đánh bại Real Madrid tới 4-1 để thắng chung cuộc 5-3 tại vòng knock-out Champions League, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn highlight được rất nhiều người theo dõi. Đó không phải là các pha làm bàn của Neres hay Tadic mà lại là những pha đi bóng, tranh cướp bóng, chuyền bóng cực kỳ ảo diệu của một cầu thủ tóc vàng có tên Frenkie de Jong.
De Jong sinh ngày 12.5.1997. Anh từng có 14 trận cho các đội trẻ của Hà Lan và hiện đã có 5 trận khoác áo ĐTQG Hà Lan.
|
Các CĐV Ajax dĩ nhiên rất hả hê với chiến công này. Barcelona, đội bóng sẽ có De Jong vào mùa hè năm nay cũng phấn khởi không kém. Còn CĐV Real Madrid thì sao? Họ dĩ nhiên dồn hết sự bực bội về... ông chủ tịch Florentino Perez với bình luận đại loại như: “Ông đã sáng mắt ra chưa, Perez?”.
Vì sao lại có câu chuyện tưởng chừng chẳng ăn nhập gì? Chẳng là, cách đây 2 năm, đội ngũ tuyển trạch của Real đã từng được giới thiệu về một chú nhóc có tên Frenkie de Jong. Vốn quá bận và cũng có phần chủ quan, mọi thông tin về De Jong chỉ được nghiên cứu sơ sơ trên mạng.
Giữa thời công nghệ phát triển mà các chỉ số về De Jong chỉ lèo tèo: Đá vài trận cho các đội trẻ Hà Lan, xuất hiện 2 trận ở giải VĐQG Hà Lan trong màu áo Willem II. Với thông tin ít ỏi như vậy, các nhà tuyển trạch của Real chỉ xem thêm một highlight về De Jong rồi... bỏ qua.
Trong khi đó, cũng chỉ với ngần ấy chỉ số về De Jong, Ajax đã quyết định chiêu mộ cầu thủ này. Có lẽ, giải Hà Lan vốn chẳng được mấy người quan tâm nên Real không thể theo dõi kỹ De Jong. Còn Ajax, họ có điều kiện tiếp cận cầu thủ này nhiều hơn và đã đưa ra quyết định chính xác.
Ngoại trừ những người rất đam mê giải Hà Lan hoặc yêu thích Ajax Amsterdam tột bậc, hiếm có ai đã từng được xem cả một trận đấu đầy đủ của De Jong. Mọi điều được ca ngợi về cầu thủ đa năng này hầu như chỉ được tham khảo qua những đoạn highlight hoặc... các bài báo. Vậy, De Jong giỏi tới mức nào khi anh hiện vẫn như “người hùng giấu mặt” giữa thời 4.0?
Hồi sinh vị trí libero
Là một người Hà Lan, De Jong tất nhiên sở hữu kỹ thuật thượng thừa và tư duy chơi bóng thông minh. Đá cho Ajax, nghệ thuật chơi bóng theo kiểu “mở ra khoảng trống từ một góc con con” càng được phát huy. Nhưng điểm tuyệt diệu của De Jong là ở chỗ, anh lại đá ở vị trí mà chính người Hà Lan xưa nay cũng ít khi chơi: Libero.
Bóng đá hiện đại đánh giá cao lối chơi thiên về khả năng pressing. Với nhiều biến thể khác nhau, cách đá pressing luôn mang lại hiệu quả và khiến các HLV hàng đầu ưa chuộng.
Điển hình nhất của pressing là cách đá tiqui-taca mà Pep Guardiola hình thành nên ở mọi đội bóng ông dẫn dắt cũng dựa vào cách đá pressing, tức không chỉ kiểm soát bóng mà còn không ngừng gây áp lực nên đối phương để giành bóng.
Trong những lối chơi như vậy, vai trò của libero hầu như đã trở nên lỗi thời, chẳng còn đất mà dụng võ. Ấy vệ mà De Jong đã làm được điều tưởng như... không tưởng: Hồi sinh vị trí libero.
“Có người bảo De Jong giống Beckenbauer. Có người bảo cậu ta giống Rijkaard. Nhiều người tin, De Jong đá hay theo kiểu của Pirlo. Lại có ý kiến đánh giá, De Jong giống hệt tôi. Nhưng tôi cho rằng, De Jong chẳng giống ai mà cậu ấy là một thiên tài theo cách rất riêng”, cựu danh thủ Xavi của Barca khẳng định.
|
Không dày về thể hình, chẳng nổi bật về thể lực, tốc độ cũng không phải quá nhanh, lối đá tất nhiên không dữ dằn như người tiền bối có cùng cái họ De Jong (cựu tiền vệ Nigel de Jong), nhưng Frenkie de Jong lại đá libero một cách siêu hạng. Cựu danh thủ Arie Haan từng trầm trồ: “De Jong là một Beckenbauer ở phiên bản nâng cao”. Một cựu danh thủ khác là Marco van Basten thì cho rằng: “Cậu ta chơi bóng với tư duy vượt thời đại khoảng 20 năm”.
Đá phía trên các hậu vệ, thậm chí khi cần thì lùi về trung vệ, De Jong thi đấu theo kiểu mà bất cứ ai yêu bóng đá đẹp cũng “phê”: Anh không lao băm bổ vào tranh bóng mà dùng tư duy chiến thuật thông minh của mình để lái trận đấu theo ý thích bản thân. Bóng mà vào chân De Jong mà khỏi phải bàn, Ajax hiện tại có thể chuyển đổi từ phòng ngự sang phản công hay tấn công chỉ bằng một đường chuyền từ cầu thủ tóc vàng này.
Tiếp nối mối duyên Hà Lan – Barca
Không ngoa khi khẳng định, nếu không có sự xuất hiện của những người Hà Lan, Barca đã không có được thành công và sự vĩ đại như ngày hôm nay. Bắt nguồn từ Johan Cruyff, Barca đã xây dựng và phát triển tư duy chơi bóng tấn công và tạo ra lò đào tạo trứ danh La Masia.
Giai đoạn thịnh vượng, Barca do một HLV người Hà Lan dẫn dắt (Louis van Gaal) và đội hình xuất phát luôn có 6-7 cầu thủ Hà Lan. Guardiola có được tư duy bóng đá thông minh là nhờ được Cruyff dìu dắt, còn Messi chập chững những bước đầu thành một siêu sao là do Frank Rijkaard (một người Hà Lan khác) bồi dưỡng.
Ban đầu, De Jong đã muốn tới PSG. Đội bóng nước Pháp chẳng thiếu tiền và họ tự tin sẽ có được De Jong. Nhưng Antero Henrique, Giám đốc thể thao của PSG đã sơ xuất khi không tính đến mối duyên Hà Lan – Barca.
Tin vào tài năng của De Jong, Chủ tịch Barca là Josep Maria Bartomeu vào cuộc sau nhưng cuối cùng thì ông lại về đích trước. Rất trân trọng cầu thủ trẻ này, Bartomeu bay sang Hà Lan để gặp trực tiếp De Jong. Không chỉ đi một mình, ông còn kéo theo Tổng giám đốc Pep Segura, Thư ký kỹ thuật Eric Abidal và trợ lý Ramon Planes.
Cuộc gặp tại Amsterdam đã khiến De Jong bị thuyết phục hoàn toàn. “Cậu muốn đá cho Barca chứ?”, Bartomeu mở đầu câu chuyện rất thẳng thắn. “Tôi muốn, nhưng...”, De Jong tỏ ý ngập ngừng. “Tiền không phải vấn đề. Vấn đề là chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để cậu trở thành một cầu thủ vĩ đại. OK?”. Câu chuyện trở thành ván bài lật ngửa và De Jong chẳng có lý do nào nữa để từ chối Barca.
“Khi Frenkie rời khỏi Ajax, tới Barca là sự lựa chọn đúng đắn nhất của nó”, ông John de Jong, bố của tiền vệ này khẳng định.
|
Cũng phải nhấn mạnh, Giám đốc thể thao của Ajax là Marc Overmars có những tác động lớn. Là người Hà Lan và từng đá cho Barca, hiển nhiên khi gặp thương vụ này, Overmars rất ủng hộ việc De Jong tới xứ Catalan chơi bóng. Và Barca nhờ một tấm chân tình đã nẫng tay trên thiên tài De Jong trước mũi PSG cũng như nhiều đội bóng khác.
De Jong liệu có phá vỡ cấu trúc của Barca?
Còn trẻ, nhưng De Jong không phải tay vừa. Barca mất 75 triệu euro để mua anh, kèm theo việc có thể trả thêm Ajax 11 triệu euro tuỳ thuộc thành tích của anh. Cái giá để giải phóng De Jong cũng là cao ngất ngưởng: 400 triệu euro. Điều đó cho thấy Barca đã đánh giá De Jong cao thế nào.
Nhưng tiền chưa phải là tất cả. De Jong vẫn chứng tỏ độ quái và cả sự trưởng thành bằng việc “bắt” Barca phải có hành động cụ thể hơn. “Cụ thể hơn” ở đây là Barca đã đẩy đi Denis Suarez và mùa hè tới, có thể Rafinha lẫn công thần Ivan Rakitic cũng phải bán sới khỏi sân Nou Camp. Tất cả là để nhường một suất đá chính cho De Jong.
“Frenkie quá giỏi. Cậu ta là người xuất chúng nhất trong thế hệ của mình và sẽ nhanh chóng trở thành người giỏi nhất thế giới chỉ trong một thời gian ngắn”, Giám đốc điều hành của Willem II là Berry van Gool từng nhận định như vậy về De Jong cách đây 3 năm.
|
Với cách chơi chịu khó chuyền bóng, có tính đồng đội cao, De Jong được coi là phù hợp với Barca. Nhưng vị trí libero sở trường mà anh ưa thích có thể sẽ khiến Barca phải thay đổi cách đá.De Jong sẽ chỉ toả sáng khi anh là trung tâm của đội bóng. Mà ở Barca, siêu sao của mọi siêu sao, “đại ca cầm đầu” không phải bàn cãi vẫn là Lionel Messi. Liệu Messi có chịu thay đổi để “cho phép” De Jong chơi như anh mong đợi?
Câu trả lời tất nhiên phụ thuộc vào tài cầm quân của HLV Valverde và cách hoà nhập của De Jong với các đồng đội mới ở mùa hè này. De Jong còn một tương lai rộng mở và Barca hẳn sẽ phải biết cách để khai thác tài năng siêu việt của anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.