38 hiện vật kể về cuộc đời - nghiệp báo của nhà báo lão thành Thái Duy

Thủy Vũ Thứ tư, ngày 09/08/2023 21:51 PM (GMT+7)
Nhân dịp 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9), hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) chiều 9/8, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ra mắt phim, tọa đàm và trưng bày chuyên đề: Thái Duy - Sống và Viết.
Bình luận 0

Nhà báo Thái Duy bắt đầu làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, ông cùng lãnh đạo Báo Cứu Quốc vào miền Nam xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Trong giai đoạn này, ông hoàn thành một số tác phẩm đỉnh cao “Sống như Anh”, “Người tử tù Khám lớn”, “Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi”…

Sau giải phóng, nhà báo Thái Duy công tác tại báo Đại đoàn kết, bước vào mặt trận nông nghiệp, thông qua ngòi bút của mình đã tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu trong sự nghiệp khoán mới. “Khoán chui hay là chết” là câu nói, là quyết tâm Thái Duy nghe thấy, nhìn thấy từ người nông dân Việt Nam. Chính thực tiễn sinh động đã góp phần đổi mới tư duy, khuyến khích cách làm hiệu quả giúp người dân vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên.

Trưng bày 38 hiện vật về nhà báo Thái Duy  - Ảnh 1.

Nhà báo Thái Duy cùng các đại biểu xem lại tư liệu, hiện vật. Ảnh: BTC

Đánh giá về đóng góp của nhà báo Thái Duy, nhà báo Hữu Thọ viết trên Báo Nhân Dân số ra ngày 22/4/2013: “Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở Báo Đại đoàn kết, Hồng Giao ở Tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã, Đắc Hữu ở Báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”.

Năm 2020, tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” ở Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền Thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, nhà báo Thái Duy là một trong số bảy nhà báo lão thành tiêu biểu được tôn vinh vì đã có những cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trưng bày 38 hiện vật về nhà báo Thái Duy  - Ảnh 2.

Nhà báo Thái Duy chia sẻ trong toạ đàm. Ảnh: BTC

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: "Điều đặc biệt là nhà báo Thái Duy là người duy nhất chưa từng đảm nhận một chức vụ nào. Suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy chỉ có một danh xưng duy nhất là phóng viên, với mục tiêu cầm bút là viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật. Ông từng nói, chỉ làm phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi! Ông chính là tác giả của tác phẩm đỉnh cao "Sống như Anh" được xuất bản hàng triệu bản ra khắp thế giới, được nhiều lãnh tụ coi trọng, tiếp đón thân tình".

Sống như là viết, viết là sống. Cả cuộc đời làm báo của nhà báo Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để “Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt” như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc.

Trưng bày 38 hiện vật về nhà báo Thái Duy  - Ảnh 2.

Những tác phẩm báo chí của nhà báo Thái Duy đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, giúp người nông dân thêm nghị lực để vươn lên. Ảnh: BTC

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao việc Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức sự kiện này vào dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023), hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

"Để Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực sự là ngôi nhà di sản của các thế hệ nhà báo Việt Nam, tôi rất mong Bảo tàng tới đây sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều sự kiện ý nghĩa, vinh danh các nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng, tiến tới có thể làm sách ảnh, làm phim về 100 nhà báo Việt Nam tiêu biểu qua các thời kỳ" nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định.

Ra mắt phim tài liệu về nhà báo Thái Duy: "Thái Duy - Sống và viết"

Nhân sự kiện này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng cho ra mắt bộ phim tài liệu đầu tiên về nhà báo Thái Duy: "Thái Duy - Sống và viết". Trong thời lượng 30 phút, với nhiều tư liệu, hình ảnh, bộ phim mang đến câu chuyện thú vị về một nhà báo đi qua các cuộc kháng chiến và tiếp tục có những cống hiến xuất sắc trong thời bình.

Phim tập trung phác họa những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy, đồng thời tri ân những đóng góp của ông, với ngòi bút sắc bén chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Trưng bày 38 hiện vật về nhà báo Thái Duy  - Ảnh 4.

Quang cảnh trong buổi tọa đàm. Ảnh: BTC

Tại tọa đàm, các đại biểu là các nhà báo lão thành, đồng nghiệp, thành viên đoàn làm phim đã dành nhiều thời gian để chia sẻ những câu chuyện thú vị về quá trình sống, chiến đấu, làm việc của nhà báo Thái Duy trong thời chiến và thời bình. Trong đó nhấn mạnh đến tinh thần làm việc, chiến đấu vượt qua bao gian khổ từ bom đạn chiến tranh để có những tác phẩm báo chí mang tầm thời đại, tạo tiếng vang lớn. Những tác phẩm của ông đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Một số đại biểu cho rằng, tác phẩm “Sống như Anh” của nhà báo Thái Duy đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, dấy lên trong cả nước phong trào noi gương Anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc. Ngoài ra, “Sống như Anh” là một tác phẩm lớn không chỉ vì đối tượng phản ánh của nó rất vĩ đại mà lao động nghệ thuật của tác giả cũng rất tinh diệu, công phu và trở thành cuốn sách gối đầu của bao thế hệ, với hàng triệu bản in, từng dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, từng tái bản rất nhiều lần. Nói về bộ phim, phần lớn các đại biểu đều cho rằng, bộ phim đã ghi lại được nhiều ý kiến của nhà báo Thái Duy và các đồng nghiệp, đó là những tư liệu quý sinh động, chân thật.

Trưng bày 38 hiện vật về nhà báo Thái Duy  - Ảnh 3.

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ cảm xúc tại sự kiện. Ảnh: BTC

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, những tác phẩm báo chí của nhà báo Thái Duy không chỉ là những dẫn chứng sắc bén từ thực tế, rực lửa chiến đấu, can đảm hy sinh mà còn có tính lý luận. Nhà báo Thái Duy là tấm gương sáng cho các nhà báo hiện tại, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Ông là một con người giản dị, bản lĩnh và hội tụ phẩm chất đạo đức của người làm báo chân chính.

Ông Hồ Quang Lợi mong muốn bộ phim không chỉ được giới thiệu trong ở Bảo tàng báo chí mà còn đến với công chúng, đến với Hội Nhà báo các cấp, các trung tâm đào tạo báo chí để công chúng hiểu rõ hơn về cuộc đời sự nghiệp nhà báo Thái Duy...

Chia sẻ về quá trình làm phim, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại đại diện đoàn làm phim cám ơn lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã tạo điều kiện để Bảo tàng Báo chí Việt Nam dựng lên những thước phim sống động về sự phát triển của báo chí Việt Nam cũng như các nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Mỗi thước phim sẽ làm sống lại quá khứ hào hùng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại cho rằng: "Nhà báo Thái Duy tuổi đã cao, ít khi muốn nói về mình, điều này tạo ra khó khăn cho đoàn làm phim, vượt qua những khó khăn đó, hôm nay nhà báo Thái Duy đánh giá bộ phim “đúng với thực tế, không sai gì”, đó là điều đáng mừng cho đội ngũ làm phim chúng tôi".

Bên cạnh đó, bảo tàng cũng trưng bày 38 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem