Đầu giờ chiều 26.2, gốc gỗ sưa có kích thước: dài 2,1 m, đường kính 1,1m, khoảng cách giữa 2 rể dài 3m, lõi có lỗ rỗng khoảng 60cm đã được các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình trục vớt thành công. Theo các kiểm lâm, trọng lượng của gốc sưa khoảng 2 tấn. Ông Trần Quang Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, gốc gỗ sưa sẽ được đưa về Hạt kiểm lâm Bố Trạch, cân đo và sau đó bàn giao cho tỉnh và Hội đồng đầu giá của tỉnh sẽ đem bán đầu giá rộng rãi như một tài sản công. Sau khi bán đầu giá, 10% giá trị khúc gỗ sẽ được trả cho người phát hiện.
Gốc gỗ sưa nặng 2 tấn đã được trục vớt thành công hôm 26.2.
Về việc trích cho người phát hiện 10% giá trị bán đấu giá gỗ sưa, LS Trịnh Anh Dũng (Văn phòng luật sư Trịnh và đồng nghiệp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc UBND huyện Bố Trạch xử lý với gốc gỗ sưa tìm được là đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, theo quy định của Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2005 : Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khoản 6, Điều 4 của Nghị định 96/2009 của Chính phủ Về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam quy định: Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nếu không thông báo, không giao nộp tài sản được tìm thấy hoặc tự khai quật, trục vớt tài sản thì không được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này và bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 17 của Nghị định 96/2009 quy định Thanh toán phần giá trị của tài sản cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy như sau:
1. Tổ chức, cá nhân trong quá trình sinh hoạt, sản xuất mà ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản được tìm thấy như sau:
a) Nếu tài sản có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan thì xử lý theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định này;
b) Nếu tài sản có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan thì tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong Nghị định này quyết định mức được hưởng của tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.
Lương Kết (ghi) (Lương Kết (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.