Theo ghi nhận của Báo điện tử
Dân Việt, đa số các trường ĐH ngoài công lập khu vực phía Nam đã tuyển đủ; trong khi đó, ở nhiều trường CĐ thì tình hình tuyển sinh có phần khó khăn hơn mọi năm…
Bậc Đại học: Người cười, kẻ khócTheo nhận định của lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập khu vực phía Nam: Mùa tuyển sinh năm 2013 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng về cơ bản, tình hình tuyển sinh của các trường cũng đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tại một số trường ĐH ngoài công lập đã có “thương hiệu” như ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Lang…, chỉ cần xét tuyển một đợt là đã đủ 100% chỉ tiêu. Ông Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, phấn khởi: “Ban đầu chúng tôi cũng rất lo sẽ phải tuyển sinh nhiều đợt, tuy nhiên, chỉ sau một đợt xét tuyển chúng tôi đã nhận đủ thí sinh với mặt bằng điểm thi khá cao so với năm 2012”.
Thí sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển NVBS tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2013.
Ở một số trường ĐH ngoài công lập khác như: ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech); ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai... cũng kết thúc nhẹ nhàng các đợt xét tuyển NVBS từ đầu tháng 10 với lượng thí sinh đạt 100% chỉ tiêu.
Riêng với một số trường như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng thì tình hình tuyển sinh có phần khó khăn hơn nhưng về cơ bản cũng đạt khoảng 70-80% chỉ tiêu.
Cá biệt, chỉ một số trường ĐH ngoài công lập mới thành lập là còn gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh như: ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM chỉ tuyển được hơn 200 sinh viên (SV) trong khi chỉ tiêu là 1.000, riêng bậc CĐ trường hiện chỉ tuyển được hơn 20 SV tất cả các ngành. Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định năm nay có 500 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ tuyển được hơn 140 SV cả bậc ĐH và CĐ.
Bậc Cao đẳng: “Chung một nỗi buồn…”Nếu như ở bậc ĐH, có trường tuyển đủ chỉ tiêu, có trường không tuyển đủ thì ở bậc cao đẳng, phần lớn các trường cao đẳng ngoài công lập đều thiếu chỉ tiêu.
Theo lý giải của lãnh đạo các trường, lý do chỉ tuyển được khoảng từ 40% đến 60% chỉ tiêu được giao ít nhiều đều là vì quy chế tuyển sinh liên thông chính quy. Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, than thở: “Nguyên nhân lớn nhất khiến thí sinh quay lưng với các trường CĐ là vì sợ sau khi học xong chương trình sẽ phải chờ đủ 3 năm để thi liên thông. Do vậy, các em bằng mọi cách tìm suất vào trường ĐH. Chưa kể, nhiều trường ĐH tại các địa phương được phép tuyển đối tượng ưu tiên thấp hơn điểm sàn 1 điểm nên hút khá nhiều thí sinh khiến hệ CĐ tuyển sinh càng chật vật ”.
Theo tìm hiểu của PV
Dân Việt, hiện nhiều trường CĐ khu vực TP.HCM vẫn còn đang thiếu hàng nghìn chỉ tiêu như: CĐ Bách Việt; CĐ Viễn Đông; CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp; CĐ Kinh tế Công nghệ TP.HCM. Theo ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho biết: “Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại quy chế liên thông, nếu không các trường CĐ sẽ rất khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu”.
Ở một góc độ khác, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng đề nghị: “Cho các em TS có điểm thi đại học, cao đẳng trên điểm sàn quy định được bảo lưu điểm thi đại học, cao đẳng trong thời gian từ 3 đến 4 năm để học cao đẳng hay trung cấp trước. Sau khi học xong cao đẳng, trung cấp những đối tượng này được học liên thông ngay nếu đăng ký vào các trường có điểm trúng tuyển bằng hoặc thấp hơn điểm đã bảo lưu hoặc dự thi liên thông ngay vào trường có điểm trúng tuyển cao hơn điểm bảo lưu của mình (nếu có nhu cầu) mà không cần phải chờ đủ 3 năm như những đối tượng khác. Trong trường hợp phải thi tuyển, các môn thi tuyển sinh liên thông là những môn cơ sở, chuyên ngành theo ngành học (không phải thi các môn văn hóa nữa mà sử dụng lại điểm bảo lưu). Khi đó sẽ góp phần phân luồng học sinh rất tốt”.
Quốc Hải (Quốc Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.