4 biểu hiện hội chứng tâm lý ở học sinh tiểu học do ảnh hưởng Covid-19

Bảo Yến Thứ năm, ngày 14/04/2022 16:42 PM (GMT+7)
Dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, học sinh tiểu học Việt Nam đã xuất hiện một loạt các biểu hiện bất thường về nhận thức, cảm xúc, hành vi và cơ thể.
Bình luận 0

Đó là một trong những nghiên cứu được TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý  - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia "Ứng dụng tâm lý học đường trong bối cảnh giáo dục đổi mới diễn ra ngày 14/4.

3715e7e5-694b-426d-8a40-b3d1b8d101d4.jpg

Hội thảo khoa học quốc gia "Ứng dụng tâm lý học đường trong bối cảnh giáo dục đổi mới diễn ra ngày 14/4 tại Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: BY

4 biểu hiện của hội chứng tâm lý do Covid-19

Theo TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý  - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, các biểu hiện hội chứng tâm lý ở học sinh tiểu học Việt Nam cụ thể như sau:

Kết quả nghiên cứu thực tiễn cho thấy, trong 4 mặt biểu hiện của hội chứng tâm lý do Covid-19, triệu chứng bộc lộ rõ nét nhất được nhận diện ở khía cạnh nhận thức, hành vi. Những biểu hiện về mặt cơ thể và cảm xúc cũng bộc lộ, nhưng không phổ biến như những dấu hiệu về mặt nhận thức và hành vi.

Về phương diện nhận thức, kết quả nghiên cứu cho thấy những biểu hiện của dấu hiệu suy giảm khả năng tư duy, chú ý và trí nhớ. 

Thống kê cho thấy, tỷ lệ lớn học sinh trong vùng bị giãn cách xã hội có biểu hiện suy giảm khả năng tư duy và giải quyết vấn đề khi học tập (60,6%). Điều đáng nói là, học sinh gặp khó khăn ngay cả đối với những nhiệm vụ học tập vừa sức với các em – những nhiệm vụ mà bình thường các em vẫn giải quyết được.

Dấu hiệu suy giảm trí nhớ cũng thấy rõ với 2 biểu hiện chính: "Khó nhớ nội dung, hoặc nhiệm vụ học tập", "Quên làm bài tập về nhà".

hoi-chung-tam-ly-covid.jpg

Thống kê cho thấy, tỷ lệ lớn học sinh trong vùng bị giãn cách xã hội có biểu hiện suy giảm khả năng tư duy và giải quyết vấn đề khi học tập. Ảnh minh họa. IT

Đối với phương diện cảm xúc, những bất thường tâm lý biểu hiện ở tỉnh dễ xúc động, mất kiểm soát cảm xúc và những đấu hiệu suy giảm động cơ học tập. Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng nhạy cảm, dễ bị kích động và "dễ xung đột với mọi người" bộc lộ ở những học sinh bị giãn cách xã hội (28,2%).

Thông thường, học sinh tiểu học do đặc điểm lứa tuổi, thường ít bị kích động, ít xung đột với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, bị ảnh hưởng bởi Covid -19, gần 1/3 học sinh được khảo sát thừa nhận bản thân trở nên nhạy cảm và dễ xung đột với mọi người.

Tình trạng suy giảm hứng thú, động cơ học tập cũng là hiện tượng rất đáng lưu tâm.

Về phương diện hành vi, triệu chứng dễ nhận thấy ở khía cạnh gia tăng thời gian sử dụng Internet, điện thoại thông minh, tivi và xu hướng lạm dụng mạng xã hội, game trực tuyến. Những biểu hiện thu mình, tránh giao tiếp, tránh tương tác xã hội, thậm chí là suy nghĩ liên quan đến việc tự tử cũng là những dấu hiệu đáng lo ngại ở học sinh tiểu học Việt Nam.

haong-trung-hoc.jpg

TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: BY

Những biểu hiện bất thường về cơ thể: Tình trạng nhức mỏi cơ thể, đau đầu không rõ nguyên nhân và tình trạng mất ngủ ở một bộ phận học sinh. Những triệu chứng này biểu hiện rõ nét ở những học sinh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Covid -19 trong tình trạng giãn cách xã hội.

"Kết quả nghiên cứu ở học sinh tiểu học Việt Nam có những điểm tương đồng nhất định với một số kết quả nghiên cứu về những vấn đề tương tự trên các trẻ em tại các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt ở những khía cạnh cảm xúc và hành vi. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện thêm những biểu hiện bất thường ở phương diện nhận thức và cơ thể" – TS Hoàng Trung Học cho biết.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến hội chứng tâm lý do Covid-19

Theo Tiến sĩ, các yếu tố ảnh hưởng đến hội chứng tâm lý do Covid-19 là giới tính, địa bàn cư trú; phong cách giáo dục của cha/mẹ; mức độ bị giãn cách xã hội; hình thức học tập: thời gian ngủ trong ngày; thời gian sử dụng máy tính, điện thoại, tivi trong ngày; thời gian tập luyện thể thao trong ngày; khối lớp (độ tuổi); mức độ stress; lo âu; trầm cảm của học sinh tiểu học trong thời gian bùng phát dịch Covid -19 là những yếu tố tác động có ý nghĩa đến hội chứng tâm lý do Covid -19.

Trong đó, thời gian giãn cách xã hội; thời gian sử dụng máy tính, điện thoại, internet trong ngày; phong cách giáo dục của cha/mẹ, đặc biệt là mức độ stress, lo âu, trầm cảm ở học sinh tiểu học là những yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến những biểu hiện hội chứng tâm lý do giãn cách xã hội ở học sinh tiểu học.

"Trẻ em dường như đang gặp một loạt triệu chứng ranh giới giữa các dạng rối nhiều nêu trên. Vì vậy có thể nhận định đây là một dạng hội chứng tâm lý có liên quan trực tiếp, gián tiếp với những tác động trong thời gian Covid -19.

Cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa, can thiệp sớm và hỗ trợ tâm lý kịp thời cho các đối tượng có biểu hiện hội chứng tâm lý do Covid -19, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của các rồi nhiều tâm lý trong liệu kiện dịch bệnh như Covid -19 và ứng phó một cách có hiệu quả với những văn để tâm lý tương tự có thể này sinh trong tương lai" - Trưởng khoa Tâm lý  - Giáo dục cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem