Dịch Covid-19 đang trên đà "tuột dốc", còn cần thiết đeo khẩu trang trong lớp?

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 14/04/2022 09:00 AM (GMT+7)
Trước tình hình ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh, các chuyên gia cho rằng cần xem xét lại, linh hoạt trong việc thực hiện 5K cũng như vấn đề đeo khẩu trang trong lớp...
Bình luận 0

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trong cả nước giảm mạnh, chỉ còn hơn 24.000 ca mắc mỗi ngày. Tại Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước nhiều tháng qua giờ chỉ còn hơn 1.700 trường hợp trong ngày 13/4.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như chính sách mở cửa các hoạt động, một số ý kiến cho rằng cần thay đổi và linh hoạt hơn trong việc thực hiện nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) được Bộ Y tế đề ra từ tháng 8/2021.

Dịch Covid-19 đang trên đà "tuột dốc", đã đến lúc bỏ biện pháp 5K? - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ đeo khẩu trang trong lớp có thể ảnh hưởng tới đường thở của các cháu. (Hình ảnh trẻ tại Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đo thân nhiệt, khử khuẩn trước khi vào trường.) Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, trong giai đoạn mới hiện nay nếu thực hiện 5K một cách hoàn hảo như trước thì không còn cần thiết nữa.

"Trong biện pháp 5K tôi cho rằng như khai báo y tế không còn cần thiết. Hiện điều quan trọng nhất đó là đeo khẩu trang khi cần thiết và rửa tay sát khuẩn nhiều nhất có thể. Còn lại các biện pháp còn lại như khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế không còn phù hợp", bác sĩ Khanh cho hay.

Dịch Covid-19 đang trên đà "tuột dốc", đã đến lúc bỏ biện pháp 5K? - Ảnh 2.

Người dân Hà Nội luôn ý thức trong việc đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: Gia Khiêm

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho hay, đỉnh dịch Covid-19 đã đi qua. Việt Nam may mắn khi chiến dịch tiêm phủ vaccine rất tốt nên xoay chuyển được tình hình chống dịch cộng thêm ý thức của người dân đã biết cách phòng bệnh.

"Với tình hình như vậy theo tôi đã đến lúc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Chúng ta có thể thay đổi biện pháp phòng chống dịch mang tính chất y tế công cộng và điều quan trọng 5K cũng cần thiết phải thay đổi, thay đổi với toàn xã hội cũng như toàn cá nhân. 5K vẫn có giá trị trong chừng mực nào đó chứ không phải áp dụng nguyên 5K. Theo tôi giờ phút này không còn phù hợp áp dụng 5K nữa", bác sĩ Phúc cho hay.

Dịch Covid-19 đang trên đà "tuột dốc", đã đến lúc bỏ biện pháp 5K? - Ảnh 3.

Hình ảnh người dân đông nghịt tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên, Hà Nội ngày 10/4 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bác sĩ Phúc, biện pháp 5K vẫn có một số điều có thể áp dụng được nhưng có một số điều không phù hợp nữa. Cụ thể như cá nhân mỗi người, quy định tụ tập đông người, khai báo y tế không phù hợp nữa.

"Chúng ta có thể mạnh dạn trở về trạng thái gần như bình thường mới đi, nếu quy định không tụ tập đông người gần như đóng băng các hoạt động xã hội. Tôi đề cao khẩu trang, khử khuẩn ngoài ra có rất nhiều biện pháp phòng vệ cá nhân, ý thức của người dân là chìa khoá phòng chống dịch", bác sĩ Phúc lưu ý.

Tuy nhiên, về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam lại cho rằng, Covid-19 là bệnh lây theo đường hô hấp với hình thức lây vẫn là giọt bắn, nguy cơ cao là tiếp xúc gần, môi trường kín, đông người và 5K là các biện pháp dự phòng cá nhân vô cùng hiệu quả.

Dịch Covid-19 đang trên đà "tuột dốc", đã đến lúc bỏ biện pháp 5K? - Ảnh 4.

Người dân ăn uống đông nghịt tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên, Hà Nội ngày 10/4 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Phu, đến nay hiệu quả bảo vệ phòng lây nhiễm của vaccine Covid-19 chưa thật cao, người tiêm rồi vẫn có thể nhiễm và là nguồn bệnh tiếp tục lây lan cho người khác chỉ có điều phần lớn người nhiễm thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ mà thôi.

"Covid-19 hiện cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dự phòng cá nhân là vô cùng quan trọng. Với nguyên tắc 5K được Bộ Y tế đề ra là biện pháp dự phòng cá nhân", ông Phu này nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Phu, có nhiều nghiên cứu cho rằng đeo khẩu trang có thể phòng được 50% nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây theo đường hô hấp và khi rửa tay với xà phòng có thể phòng được tới 40% các bệnh lây qua đường tiêu hoá và hô hấp.

Dịch Covid-19 đang trên đà "tuột dốc", đã đến lúc bỏ biện pháp 5K? - Ảnh 5.

Hình ảnh trẻ nhỏ nô đùa tại Công viên Thủ Lệ chiều ngày 9/4 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Tuy vậy mọi người cần hiểu và linh hoạt khi thực hiện 5K, thực hiện ở đâu, khi nào chứ không phải bất kỳ chỗ nào, lúc nào cũng phải thực hiện hết các biện pháp của 5K. Trong đó cần thấy nguyên tắc nào nào là ưu tiên và nguyên tắc nào là hỗ trợ cho nhau và thực hiện tối đa có thể được tùy theo công việc, hoạt động...

"Ví dụ khi ăn uống thì không thể đeo khẩu trang được nhưng chúng ta có thể giãn cách. Ở đây cũng không nhất thiết phải giãn cách tất cả người với người mà giãn cách giữa nhóm người. Cụ thể, như các gia đình với nhau, bố trí phòng ăn riêng… và khử khuẩn thì lại dễ thực hiện.

Hay khi đi xem thi đấu thể thao thì không thể không tụ tập hoặc giữ khoảng cách nhưng khẩu trang và khử khuẩn rất quan trọng. Ở các nhà máy, xí nghiệp cũng vậy… Khi làm việc trong phân xưởng sản xuất có nơi không thể thoáng khí được vì chống bụi bẩn bám vào sản phẩm nên việc đeo khẩu trang rất quan trọng rồi mới đến khử khuẩn, giãn cách…", chuyên gia này phân tích.

Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng cho hay, việc thực hiện 5K phải linh hoạt trong từng hoạt động có tính chất đặc thù mà mỗi ngành, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi công ty, xí nghiệp, nhà máy... có những hướng dẫn và quy định phù hợp khi thực hiện.

Trong bối cảnh mở cửa du lịch thì cũng rất cần sự linh hoạt như khách tham quan ngoài trời thì áp dụng 5K như thế nào, vào trong bảo tàng môi trường kín, vào nhà hàng ăn uống… thì áp dụng ra sao. Chúng ta không cần giữ khoảng cách các thành viên trong gia đình nhưng hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn lại rất quan trọng.

"Vấn đề đeo khẩu trang trong lớp cũng vậy. Tùy từng đối tượng, các cháu nhỏ thì không cần thiết phải đeo khẩu trang vì có thể ảnh hưởng đến đường thở của các cháu. Tuỳ đối tượng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… có những quy định phù hợp trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", ông Phu chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem