4 câu thơ đầy trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trường cũ Nguyễn Gia Thiều
4 câu thơ đầy trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trường cũ Nguyễn Gia Thiều
Gia Khiêm
Thứ bảy, ngày 20/07/2024 08:30 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng 6 năm theo học tại đây đã gửi gắm những tình cảm ân cần, thân tình đến các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức mái trường xưa
Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành… tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Khi biết tin, nhiều cán bộ giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội), nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn bó trong suốt 6 năm học phổ thông, đã vô cùng đau buồn.
Trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, tập thể cán bộ của trường đều bày tỏ niềm tiếc thương bởi sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một vị lãnh đạo tận tâm, tận tuỵ và tận lực cho tới phút cuối đời.
Theo đại diện nhà trường, trong ký ức các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường, Tổng Bí thư luôn ân cần, dành tình cảm thân tình và trìu mến. Lần nào Tổng Bí thư về dự trường cũng thường dành thời gian nói chuyện ân cần với toàn thể cán bộ giáo viên, động viên mọi người cùng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện thành công công cuộc đổi mới chương trình sách giáo khoa 2018.
Gần đây nhất, Tổng Bí thư về trường là ngày 14/11/2020 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Đối với các thế hệ học trò của trường, Tổng Bí thư luôn thân tình và gần gũi. Mỗi dịp trở về trường xưa, bác được gặp lại những thầy giáo, cô giáo cũ, được hòa mình giữa lớp lớp thế hệ học trò của ngôi trường một thời gắn bó, những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên, những ký ức sâu đậm thuở học trò lại ùa về. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bồi hồi kể lại những năm tháng nhiều khó khăn nhưng vô cùng ấm áp, thân thương. Tổng Bí thư cũng khuyên các thế hệ phải chăm học, dám ước mơ và thực hiện ước mơ của mình.
"Tổng Bí thư kể ngày xưa, thời còn đi học, trường lớp chật chội, nhà tranh, mái lá, sân đất; các phương tiện, phòng thí nghiệm, thư viện... rất đơn sơ, thiếu thốn. Anh chị em học sinh phần lớn ở xa, phương tiện đi lại rất khó khăn, hầu hết tự đi bộ hàng chục cây số. Nhà Tổng Bí thư ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, để đến được trường phải đi đò qua sông Đuống để sang học.
Những lúc mưa rét phải nghỉ lại trường cùng với thầy giáo chủ nhiệm nên có những kỷ niệm rất sâu sắc. Nhiều người, trong đó có Tổng Bí thư phải đi ở nhờ, ở trọ, thậm chí phải vừa học vừa đi làm thêm để kiếm sống", đại diện nhà trường xúc động.
Tổng Bí thư luôn quan tâm các thế hệ
Nhà trường vẫn nhớ kỷ niệm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ đó là vào năm 1962, khi đang học lớp 10B do thầy Lê Đức Giảng làm chủ nhiệm, trường tổ chức thi viết báo. Lớp được giải thưởng, trong đó, ông Trọng viết một bài thơ nhan đề "Năm cuối cùng của đời học phổ thông" với cảm xúc "chân thành".
Tổng Bí thư đã đọc 4 câu đầu và 4 câu cuối. Bốn câu đầu thể hiện niềm vui: "Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu/ Tôi học 10B Nguyễn Gia Thiều/ Nay đã trở nên người anh cả/ Cuộc đời vui bay bổng cánh diều". Bốn câu cuối bày tỏ trăn trở: "Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/ Năm cuối cùng của đời học phổ thông/ Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ/ Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng…"
Theo đại diện nhà trường, Tổng Bí thư rất quan tâm đến các thầy cô giáo, hỏi thăm và gửi lời chúc sức khoẻ những ai đang ốm đau, dặn dò phải quan tâm đến thế hệ trẻ, khuyến khích học sinh học để đào tạo ra nhiều người giỏi cho thành phố, đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và tự hào về những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong suốt 70 năm qua. So với thời kỳ ông học tập thì đến nay nhà trường khang trang, sạch đẹp hơn nhiều, quy mô lớn và các điều kiện, phương tiện học tập hiện đại và văn minh, đầy đủ hơn nhiều; trình độ và chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng cao hơn, tốt hơn.
Nhiều học sinh của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu hoặc tham gia thanh niên xung phong, đi xây dựng các nông trường, lâm trường, làm đường giao thông. Nhiều đồng chí đã anh dũng hi sinh, trở thành liệt sĩ... Nhiều người sau này đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý, giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư... đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng.
"Với sự quan tâm của Tổng Bí thư, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Đồng chí hiệu trưởng Lê Trung Kiên thay mặt cán bộ giáo viên và hơn 2.000 học sinh của trường hứa sẽ quyết tâm thực hiện tốt chương trình giáo dục 2018, từ đó đến nay trường luôn là nơi nằm top đầu điểm tuyển sinh cũng như thành tích thi tốt nghiệp của học sinh lớp 12", lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Gia Thiều bày tỏ.
Năm nay, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đỗ 100% tốt nghiệp THPT, trong đó có em Lê Hà Nhi xuất sắc là 1 trong 2 thủ khoa toàn quốc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với điểm số 57,85 điểm. Trong đó, Lịch sử 10 điểm; Địa lý 10 điểm, Giáo dục công dân 10 điểm, Toán 8,8 điểm, Ngoại ngữ 9,8 điểm, Ngữ văn 9,25 điểm.
Cũng trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ nhất phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tấm gương rất mẫu mực để các thế hệ học trò Trường THPT Nguyễn Gia Thiều phấn đấu, noi theo.
"Kỷ niệm đáng nhớ của tôi đó là lần Chi uỷ, Chi bộ nhà trường vào mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường, được tận mắt thấy phòng làm việc của bác rất giản dị. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh đó. Ngoài ra, dịp kỷ niệm đó, Tổng Bí thư vẫn xưng hô 'em' với các thầy cô. Mặc dù đứng trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhưng Tổng Bí thư vẫn xưng như vậy thể hiện sự kính trọng với những người thầy, người cô, mái trường đã từng dạy dỗ mình", vị này chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.