4 khối ngành "hot" có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đại học cao nhất năm 2022

Tào Nga Thứ tư, ngày 30/11/2022 13:20 PM (GMT+7)
Đây là 4 lĩnh vực "hot" nhất trong mùa tuyển sinh năm 2022, có lĩnh vực tỉ lệ thí sinh trúng tuyển lên tới 26%.
Bình luận 0

Trúng tuyển ngành "hot" năm 2022 chiếm 26%

Bộ GDĐT cho biết, sau khi kết thúc đợt 1 tuyển sinh đại học năm 2022, trong số 564.735 thí sinh trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt cả số lượng của cả năm 2020. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu. 

Theo thống kê kết quả trúng tuyển đại học theo lĩnh vực mới đây của Bộ GDĐT, có 4 nhóm ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhất là Kinh doanh và quản lý; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Nhân văn. Trong đó, lĩnh vực Kinh doanh và quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất với 26%; Máy tính và công nghệ thông tin chiếm 13%.

4 khối ngành "hot" có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đại học cao nhất năm 2022 - Ảnh 1.

Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển chiếm 6%; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên chiếm 5% và các lĩnh vực Kỹ thuật, Pháp luật; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân cùng chiếm tỉ lệ 4%.

Top 4 ngành thấp nhất là gì?

Nói về khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành và cơ sở đào tạo, Bộ GDĐT cho hay, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu là các trường tư thục chưa có đủ uy tín, thương hiệu mạnh và một số trường công lập, phân hiệu trường công lập không có lợi thế về địa điểm hoặc lĩnh vực đào tạo. Trừ một số trường hợp loại lệ, phần lớn trường tuyển kém trong đợt 1 năm 2022 này cũng tuyển kém trong 2 năm gần đây.

Ngoài ra, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

4 khối ngành "hot" có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đại học cao nhất năm 2022 - Ảnh 2.


Bộ GDĐT đánh giá, danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hàng năm, nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo với chỉ tiêu thấp và ít nơi đào tạo. Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng luôn đạt chỉ tiêu rất thấp.

Nhiều ngành tuyển quy mô lớn trong toàn hệ thống, đạt chỉ tiêu tương đối cao nhưng lại gặp khó khăn ở một số trường. Như vậy việc dễ tuyển hay khó tuyển không chỉ do đặc điểm ngành đào tạo mà phụ thuộc chủ yếu vào các trường.

Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế có xu hướng trở nên kém hấp dẫn hơn những năm trước đây. Nhiều trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là đối với các chương trình mà đối tác nước ngoài không có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Giải pháp của Bộ GDĐT

Bộ GDĐT cho biết, tiếp tục triển khai các giải pháp liên quan trực tiếp tới công tác tuyển sinh đại học. Bộ ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn năng lực trong tương lai; hướng dẫn các trường rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.

4 khối ngành "hot" có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đại học cao nhất năm 2022 - Ảnh 3.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Hưng Phạm

Giữ ổn định quy chế tuyển sinh, chỉ đạo và hướng dẫn các trường hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh. Hoàn thiện hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung theo hướng đơn giản hóa giao diện sử dụng, tích hợp với cơ sở dữ liệu ngành và tích hợp với các hệ thống phần mềm quản lý.

Kết nối cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội để thống kê tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin định hướng cho các trường về xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành đào tạo.

Bộ hoàn thiện xây dựng phát triển các ngành công nghệ cao, trong đó đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ người học theo học các chương trình đào tạo trọng điểm về công nghệ cao; phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cơ chế nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển KT-XH của đất nước; phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng chính sách ưu đãi tín dụng đối với sinh viên.

Bộ GDĐT đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các trường đầu tư tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển bền vững, tiếp tục tăng cường các biện pháp truyền thông, tạo lập và củng cố niềm tin của người học và xã hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các sở GDĐT, các trường phổ thông đổi mới và tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh từ sớm.

Bộ GDĐT cân nhắc không xét tuyển đại học sớm năm 2023. Clip: Truyền hình Đồng Tháp

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem