4 kinh nghiệm lựa chọn chủ đầu tư để không bị "om" sổ hồng
4 kinh nghiệm lựa chọn chủ đầu tư uy tín để không bị "om" sổ hồng
A.Vũ (tổng hợp)
Thứ ba, ngày 15/12/2020 19:30 PM (GMT+7)
Để lựa chọn được chủ đầu tư uy tín, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt liên quan sổ hồng, người mua chung cư cần lưu ý 4 kinh nghiệm dưới đây.
Khi mua chung cư, bên cạnh giá cả, vị trí, diện tích thì một vấn đề được hầu hết mọi người quan tâm đó là giấy chứng nhận (sổ hồng).
Lựa chọn chủ đầu tư dự án là yếu tố quan trọng nhất khi bạn chọn mua nhà chung cư. Có rất nhiều người mua nhà chung cư hiện nay gặp vấn đề liên quan đến chủ đầu tư.
Một số vấn đề thường gặp ở phía chủ đầu tư như: "Om" sổ hồng; Tiến độ thi công và tiến độ bàn giao chậm; hoặc bỏ hẳn không xây; bán nhà kiểu "vịt trời"; huy động góp vốn một giá, nhưng khi lên hợp đồng một giá khác; chất lượng xây dựng cẩu thả; thu phí quản lý giá trên trời ...
Để lựa chọn được chủ đầu tư uy tín, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt liên quan sổ hồng, người mua chung cư cần lưu ý 4 kinh nghiệm dưới đây:
4 kinh nghiệm lựa chọn chủ đầu tư uy tín để không bị chậm sổ hồng
1. Nắm rõ các quy định pháp luật về chủ đầu tư dự án
Đây là cách giúp người mua có thể xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án bất động sản hay không. Điều 21 Luật nhà ở 2014 quy định điều kiện làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại như sau:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Có vốn pháp định theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản và có vốn ký quỹ để thực hiện đối với từng dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật
2. Xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, điều kiện về năng lực tài chính của chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại bao gồm:
- Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên
- Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác
Lựa chọn được chủ đầu tư có tài chính vững mạnh sẽ đảm bảo việc dự án không bị đóng băng hay bỏ dở do thiếu hụt nguồn vốn hoặc gặp các vấn đề khủng hoảng bất ngờ. Ngoài ra, tiềm lực tài chính của chủ đầu tư còn quyết định chất lượng và quy mô dự án, bởi sản phẩm bất động sản sẽ không được đầu tư xây dựng hiện đại, tiện nghi phong phú và đẳng cấp nếu nguồn vốn của chủ đầu tư hạn hẹp.
Người mua cũng có thể xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư thông qua báo cáo tài chính năm gần nhất. Tuy báo cáo này do chủ đầu tư soạn lập, tự khai và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác, nhưng khi được yêu cầu, chủ đầu tư phải đệ trình các văn bản chứng minh. Vì vậy, đây có thể là căn cứ dùng để kiểm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư.
3. Kiểm tra uy tín, kinh nghiệm hoạt động của chủ đầu tư
Những con số thực, những dự án thực chính là bằng chứng đáng tin nhất cho người mua khi xác định uy tín của một chủ đầu tư. Vì vậy, khách hàng nên tìm hiểu hồ sơ những dự án mà chủ đầu tư đó đã thực hiện xem trong quá trình hoàn thiện có phát sinh vướng mắc hay tranh chấp nào không.
Nếu là chủ đầu tư đã hoạt động lâu năm, bạn có thể tìm hiểu về uy tín, tên tuổi của họ qua thông tin báo chí, mạng xã hội.
Nếu là chủ đầu tư mới gia nhập thị trường, bạn nên tìm hiểu thông tin thật cẩn thận, nhờ những người am hiểu hoặc có kinh nghiệm trước tư vấn xem có nên thực hiện giao dịch hay không.
4. Đánh giá thông tin dự án mà chủ đầu tư cung cấp
Một chủ đầu tư uy tín sẽ luôn minh bạch thông tin về dự án cho khách hàng, giúp họ yên tâm xuống tiền mà không lo ngại về vấn đề pháp lý. Vì vậy, khách hàng cần lưu ý xem chủ đầu tư có né tránh những câu hỏi của mình của mình về hồ sơ, giấy tờ hay những thông tin trái chiều (nếu có) về dự án hay không, đồng thời hãy thật lưu tâm đến thái độ của chủ đầu tư khi bạn đặt câu hỏi.
Để có được đánh giá chân thực nhất, người mua nên tận mắt đến xem dự án bất động sản mà chủ đầu tư đó đang triển khai trên thị trường. Cẩn thận hơn, người mua nên dành thời gian để quan sát tiến độ dự án, thăm hỏi người dân đã và đang sống trong khu vực đó để nắm được thông tin đầy đủ và khách quan hơn.
Làm gì khi chung cư bị chậm cấp sổ hồng?
Căn cứ khoản 7 Điều 26 Luật Nhà ở 2014 và khoản 4 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Sổ hhồng cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện thực hiện.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục cấp Sổ hồng thì người mua cần xử lý theo hướng sau:
- Làm đơn kiến nghị với thanh tra xây dựng hoặc UBND cấp có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư (nếu chậm thực hiện thì tùy vào thời gian và số lượng căn hộ bị chậm cấp mà bị phạt tới 01 tỷ đồng - ngoài việc bị phạt tiền thì chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định).
- Nếu trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm khi chậm thực hiện thủ tục cấp Sổ hồng hoặc người mua có thiệt hại do hành vi chậm thực hiện thì yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo điều khoản đã thỏa thuận hoặc khởi kiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.