Doanh nghiệp chê vì rủi ro lớn, lợi nhuận thấp
Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp lớn, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của trên 93 triệu dân trong nước, mà còn xuất khẩu nhiều loại nông sản tới 180 nước với giá trị xuất khẩu năm 2016 là 32,14 tỷ USD và năm 2017 ước đạt trên 36 tỷ USD.
Doanh nghiệp không nhiệt tình tham gia bảo hiểm nông nghiệp do rủi ro lớn (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Ông Hoàng Xuân Điều - đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai BHNN là có quá nhiều rủi ro và sự khác nhau giữa các vùng địa lý, quá trình triển khai còn lúng túng. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân chưa hiểu biết đầy đủ về BHNN, còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, muốn mua bảo hiểm thì phải được bồi thường… nên khi nói tới chuyện “đóng phí bảo hiểm”, bà con đều e ngại.
|
Tuy nhiên, nông nghiệp là lĩnh vực luôn phải hứng chịu nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, BHNN mặc dù đã được triển khai thí điểm khá rầm rộ và quyết liệt từ năm 2011, các cơ chế chính sách cũng đã ban hành tương đối đầy đủ, tạo điều kiện cơ sở để các DN bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện nhưng lĩnh vực này vẫn chưa được các DN quan tâm.
Chia sẻ tại Diễn đàn BHNN- Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng (tổ chức chiều ngày 21.12), ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân nước ta khối tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP (tương đương khoảng 6.700 tỷ đồng – PV). Vì vậy, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và BHNN chính là hy vọng chuẩn xác nhất. Đây cũng được coi là tấm khiên vững chắc, đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa”.
Song theo ông Phòng: “Trên thực tế, dù Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp liên tục có các chính sách “trải thảm” để mời gọi các DN tăng đầu tư, nhưng đến nay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn quá khiêm tốn. Một trong những lý do hàng đầu là đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao”.
Xung quanh vấn đề BHNN, theo chia sẻ của các chuyên gia tại diễn đàn, Việt Nam đã thí điểm triển khai BHNN tới lần thứ 4. Tuy nhiên, trong gian đoạn thí điểm vừa qua, các công ty bảo hiểm chỉ thu được 394 tỷ đồng lệ phí, nhưng đã phải bỏ ra tới 712 tỷ đồng để trả tiền bảo hiểm. Do vậy, việc các DN hờ hững với lĩnh vực này cũng không có gì lạ.
Bà Hoàng Thị Tính - Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) chia sẻ thêm: “Năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thí điểm BHNN theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng và đạt được một số kết quả bước đầu như vận động được 304.017 hộ nông dân mua bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, cây lúa và vật nuôi (trâu, bò, lợn, gà). Doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng, giải quyết bồi thường 712,9 tỷ đồng cho người mua bảo hiểm (chủ yếu là bồi thường thiệt hại lĩnh vực thủy sản, chiếm 306% số doanh thu).
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thí điểm, mô hình này cho thấy rất khó nhân rộng ra toàn quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm thủy hải sản, bảo hiểm vật nuôi vì nhiều nguyên nhân, bao gồm mức độ tổn thất hàng năm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp rất cao, ước tính chiếm tới 1,5-2% GDP, đòi hỏi DN bảo hiểm phải có mức vốn lớn và có rất đông người tham gia thì mới không bị lỗ trong kinh doanh”.
Bên cạnh đó, bà Tính cho biết, khâu đánh giá rủi ro cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN chưa hiểu hết tập quán sản xuất của người nông dân, còn khu vực nông thôn lại thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác. Do vậy, các DN khó thu xếp được các chương trình tái bảo hiểm, vì các nhà tái bảo hiểm không có số liệu chính xác để đánh giá.
Đưa bảo hiểm nông nghiệp tới người nông dân
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ những rào cản trong triển khai BHNN sâu rộng tới bà con nông dân, ông Hoàng Xuân Điều – đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đưa ra đề xuất: “Cần tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình BHNN để người dân thấy rõ mình được hưởng lợi ích gì từ chính sách này. Tiếp đó, DN bảo hiểm có thể chủ động hơn trong việc thiết kế sản phẩm, lựa chọn địa bàn, khai thác giám định…
Ngoài ra, các DN bảo hiểm cũng cần chủ động tìm hiểu và hoàn thiện quy trình khai thác, bán sản phẩm; quy trình quản lý rủi ro, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường… chặt chẽ hơn. Đồng thời, phải tăng tính hấp dẫn của chương trình BHNN để thu hút được nhiều người dân tham gia và được hưởng lợi ích của bảo hiểm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các trang trại lớn”.
Còn TS Đặng Kim Khôi - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: “Chính phủ nên tiếp tục có chính sách trợ cấp cho những hộ nghèo, cận nghèo. Với hộ không nghèo, có thể trợ cấp mức phí bảo hiểm thấp hơn. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có mức trợ giá ưu đãi cho nông dân có hợp đồng với các DN để tạo ra các khu sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và cải tiến chuỗi giá trị”.
“Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xem xét xây dựng hệ thống tái bảo hiểm thích hợp để thu hút các DN tham gia thị trường này thông qua việc xem xét giảm đầu tư trực tiếp cho nông dân bằng cách giảm tỷ lệ hỗ trợ phí về mức thích hợp nhằm thúc đẩy nhu cầu tự nguyện và nâng cao năng lực quản lý rủi ro ở cấp hộ để giảm rủi ro doanh nghiệp” – TS Đặng Kim Khôi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.