40 năm Báo Nông thôn Ngày nay: Nhớ lại ngày đầu viết báo cho NTNN
40 năm Báo Nông thôn Ngày nay: Nhớ lại bài báo đầu tiên viết cho NTNN
Hoàng Hạnh
Thứ tư, ngày 10/04/2024 10:00 AM (GMT+7)
“Alo”… Giọng người đàn ông bắt máy ở đầu dây bên kia vang lên, chất giọng vừa lớn vừa khàn khiến cho chiếc điện thoại “cùi bắp” của tôi như muốn nổ tung…
"Mầy là ai ?…", người đàn ông ấy chất vấn khi tôi chưa kịp giới thiệu về mình. "Dạ… dạ, em là Hoàng Hạnh ở Cà Mau. Em đang viết cho Báo Nông nghiệp Việt Nam. Dạ, dạ...", giọng tôi ấp úng – nếu như không muốn nói là hơi run khi nói chuyện dù chỉ là qua điện thoại với người đàn ông ấy.
Chưa kịp lấy lại bình tĩnh thì ở bên kia đầu dây, người đàn ông "lớn tiếng" ấy quát tiếp: "Mầy làm cái gì mà ấp a ấp úng vậy. Gọi cho tao có gì thì nói…", cuối cùng "người ấy" cũng mở lời để tôi trình bày nội dung câu chuyện.
"Em muốn xin về làm ở Báo Nông thôn Ngày nay – Văn phòng đại diện tại TP.Cần Thơ". Chờ khi tôi vừa dứt lời, người đàn ông ấy lại "lớn tiếng": "Tao cho mầy địa chỉ email, viết mấy bài gửi tao coi thử thế nào", ảnh nói nhanh trước khi cúp máy cái rụp.
Người đàn ông "lớn tiếng" ấy là anh Bùi Phụ - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông thôn Ngày nay tại ĐBSCL lúc bấy giờ. Tôi nhớ như in cuộc gọi chớp nhoáng ấy là vào khoảng giữa năm 2014 - mốc thời gian đánh dấu cuộc đời viết lách của tôi gắn với tờ báo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho đến bây giờ.
Cảm cái tình khẳng khái…
Sau cuộc gọi ấy, tôi suy nghĩ rất nhiều về việc mình có nên xin về làm lính cho anh Bùi Phụ hay không. Vì ở thời điểm đó, tôi có công việc ổn định tại một tờ báo cũng chuyên về lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng không hiểu sao, trong đầu tôi cứ lảng vảng mãi những câu nói của ảnh, như muốn thử thách khả năng viết lách của mình.
Nhiều ngày sau, tôi nhắn tin cho anh Bùi Phụ đăng ký đề tài về việc rừng phòng hộ ven biển Cà Mau bị tàn phá. Điện thoại của tôi nhận lại tin nhắn phản hồi từ anh Bùi Phụ, với nội dung đại khái: "Đề tài này ok, mầy biết kiếm đề tài phản biện đó… Viết đi rồi gửi tao coi cho".
Đọc tin nhắn như sự khích lệ tinh thần của anh Bùi Phụ, tôi có thêm động lực để thực hiện đề tài này. Đầu tháng 12/2014, tôi chuẩn bị "đồ nghề" - nói là đồ nghề cho sang vậy chớ chỉ có cái máy ghi âm bằng băng nhựa, cái máy ảnh cũng coi là "cùi bắp" nếu như so với thời điểm bây giờ.
Trước khi chạy xe máy xuống huyện Ngọc Hiển để gặp người dân, nghe phản ánh về tình trạng lâm tặc phá rừng, máy điện thoại của tôi lại báo tin nhắn của anh Phụ căn dặn: "Mấy đề tài điều tra kiểu này nguy hiểm. Mầy đi làm thu thập đủ chứng cứ, quan trọng là phải biết tự bảo vệ bản thân mình…".
Đọc tin nhắn của anh Bùi Phụ, trong đầu tôi nghĩ, cái ông "sếp tương lai" này nói chuyện nghe "đao to, búa lớn" vậy mà cũng quan tâm đến anh em quá trời - dù tôi khi đó chưa phải là lính của ảnh.
Ba ngày sau khi cùng người dân băng qua nhiều cánh rừng phòng hộ xung yếu, rất xung yếu thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng quản lý ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau để thu thập hình ảnh, chứng cứ, gặp nhân chứng…, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo của Ban Quản lý rừng phòng hộ này, tôi đủ tài liệu để viết bài báo "Rừng phòng hộ ở Cà Mau "kêu cứu"…" gửi email cho anh Bùi Phụ.
Đọc bài của tôi qua email, ảnh gọi kêu tôi gửi thêm chứng cứ mà quá trình tác nghiệp tôi thu thập được, kể cả những đoạn băng ghi âm của người dân cung cấp khi họ gọi cho cán bộ quản lý rừng thông báo việc lâm tặc chặt phá cây rừng…
Tôi còn nhớ rất rõ từng chi tiết, câu văn tôi miêu tả trong bài. Và phải nói rằng, trước khi gửi bài cho anh Phụ tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, vì nghĩ rằng bài viết này như là "thước đo" năng lực, và nó sẽ góp phần quyết định tôi có được anh Phụ nhận về làm lính hay không.
Bài viết của tôi được anh Phụ biên tập lại còn gần 1.000 từ với tít là: "Cà Mau: Cán bộ bắt tay với lâm tặc phá rừng?" đăng ngày ngày 4/12/2014. Sau khi bài đăng, anh Phụ gọi cho tôi bảo coi lại bài báo đã đăng, so sánh với bài thô hơn 2.000 từ mà tôi viết trước đó để xem anh em khi biên tập đã bỏ đi những chi tiết nào không cần thiết…
"Mầy viết được, nhưng cần để ý nhiều hơn đến cách trình bày của báo. Báo nào cũng có cái gu riêng, từ dấu (.) đến dấu (,)… Đọc nhiều hơn các bài viết khác báo đã đăng để mà rút kinh nghiệm, lần sau viết, anh em khỏi mất nhiều thời gian để biên tập", lời anh Phụ dặn và nhận xét bài viết đầu tiên của tôi viết cho NTNN là như thế - giản dị, chân thật và tình cảm đến lạ thường.
Trở về mái nhà Nông thôn Ngày nay
Bài viết: "Cà Mau: Cán bộ bắt tay với lâm tặc phá rừng?" của tôi nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ chính quyền địa phương cũng như ngành nông nghiệp Cà Mau…
Sau bài viết này, tôi càng hăng hái đi "săn" nhiều đề tài điều tra khác để viết cho báo và luôn được anh Phụ ủng hộ, chỉ bảo cách điều tra, cách viết bài để được Ban Biên tập duyệt đăng.
Bắt đầu từ đầu năm 2015, tôi viết nhiều hơn cho Báo Nông thôn Ngày nay, sau đó xin nghỉ ở cơ quan cũ về đầu quân cho Báo Nông thôn Ngày nay – lúc đó Văn phòng đại diện đặt tại số 95 Trần Văn Hoài, TP.Cần Thơ với tư cách là CTV. Trong thời gian làm CTV, tôi được anh Phụ động viên rất nhiều để phấn đấu trở thành phóng viên chính thức của Báo Nông thôn Ngày nay.
Hồi ấy Văn phòng báo tại Cần Thơ phóng viên chỉ có anh Đức Khánh, anh Trọng Bình, anh Ngô Văn Tước, chị Hồng Cẩm và phóng viên trẻ Huỳnh Xây.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi lên ra mắt anh Phụ và anh em Văn phòng, lúc họp mặt, anh Bùi Phụ nói trước mặt mọi người rằng: "Tính cách của mày tao nghe đầy hai bên tai. Nói tốt cũng có, nói xấu mầy cũng có…, nhưng tao sẽ giới thiệu mầy để Ban Biên tập xem xét nhận về làm phóng viên", anh Phụ nói lớn và không quên dặn, nếu về được thì phải quyết tâm làm cho tốt nghen.
Làm CTV chưa lâu, anh Bùi Phụ xin chuyển công tác về Báo Giao thông ở TP.HCM, anh "gửi gắm" tôi lại cho anh Đức Khánh vừa được phân công phụ trách văn phòng để anh Khánh tiếp tục giới thiệu tôi cho Ban Biên tập xem xét ký hợp đồng chính thức.
Gắn bó với anh Đức Khánh và anh em văn phòng sâu đậm kể từ đó. Sự phấn đấu của tôi cuối cùng cũng được Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay ghi nhận. Tôi trở thành phóng viên chính thức cho báo cuối năm 2015.
Hết năm 2016, tôi gặp anh Đức Khánh để xin chuyển công tác về một tờ báo điện tử có Văn phòng đại diện phía Nam tại Sài Gòn vì lý do cá nhân. Tôi còn nhớ, trong tiệc rượu gần tàn đêm vắng, khi nghe tôi nói ý định của mình, anh Đức Khánh trầm xuống một hồi lâu. Ảnh nói: "Tao cũng như anh em văn phòng không muốn mầy đi…, mầy về suy nghĩ lại rồi trả lời cho tao".
Sang tuần, tôi gửi đơn xin nghỉ việc cho anh Đức Khánh qua email mà không dám cầm lá đơn lên trực tiếp gặp ảnh. Tôi sợ cái tình cảm thân tình của anh em ở văn phòng níu chân…, và tôi sợ đối diện với thứ cảm xúc khó tả khi phải nói chia tay mọi người lúc tận mặt nhau…
4 năm sau khi rời khỏi mái nhà Nông thôn Ngày nay nói chung và mái nhà 95 Trần Văn Hoài nói riêng, tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với anh em văn phòng, nhất là anh Đức Khánh – lúc bấy giờ đã nhận nhiệm vụ chính thức làm trưởng Văn phòng của báo tại miền Tây.
Trong một lần gặp lại anh Đức Khánh ở Cần Thơ cuối năm 2019, hai anh em ngồi với nhau uống vài ly bia, tâm sự cho nhau nghe những thăng trầm, vui buồn trong cách làm nghề, cách sống… Tôi ngỏ ý với anh Khánh là muốn xin về lại Báo Nông thôn Ngày nay. Anh Khánh gật đầu ngay, hứa sẽ báo cáo đến Ban Biên tập về ý định của tôi.
Bằng cái tình của anh em trong ngôi nhà Nông thôn Ngày nay, tôi đã có cơ hội trở về mái nhà xưa công tác cho đến hôm nay.
Thi thoảng bây giờ, mỗi lần ngồi tâm sự với nhau, tôi thường nói với anh Khánh rằng mình sẽ không đi đâu nữa…, sẽ ở mãi với ngồi nhà này để cùng phụng sự, cùng sát cánh với giai cấp Nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.