Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mỗi lần có công việc, giao dịch gì đó, tôi lại mở cái cặp đó ra nhưng cứ cầm cầm, soạn soạn rất lâu để nhớ lại và chiêm nghiệm. Hợp đồng lao động đầu tiên của tôi được ký năm 2007 với Báo NTNN, các giấy khen của báo… được xếp ngăn nắp trong đó, chứa đựng một quãng dài, quan trọng của cuộc đời tôi.
Và hôm nay, tôi ngồi gõ những dòng này trong tâm thế trân trọng, biết ơn với cơ quan cũ và bồi hồi xúc động nhớ lại chặng đường khởi nghiệp và trưởng thành của mình, y như khi tôi lật dở, mân mê những tài liệu cá nhân.
Bản hợp đồng trân quý
Tôi là con em dân nghèo thành thị (TP.Vinh, Nghệ An), bố lại mất sớm nên cuộc lập nghiệp của tôi khá chật vật. Năm 2004, khi tôi tốt nghiệp cử nhân Văn học của Đại học Quốc gia Hà Nội, mẹ tôi vay được của hàng xóm 1.000USD (lúc đó trị giá khoảng 15 triệu đồng) đưa cho tôi để tôi ở lại Hà Nội lập nghiệp. Tôi mua chiếc xe máy cũ, sắm chiếc máy ảnh hết hơn nửa số đó; còn lại để chi tiêu, nuôi mộng thành "cây phóng sự".
Giai đoạn này, tôi chủ yếu viết thể loại ghi chép những chuyện độc lạ ở nông thôn, miền núi... gửi các báo, trong đó có Báo NTNN. Cuộc sống làm báo tự do đó tuy vui nhưng cực vì thu nhập bấp bênh. Mải miết hơn 2 năm như thế nhưng vẫn không cơ quan nào ngỏ ý nhận tôi vào làm việc chính thức...
Thế rồi, một buổi sáng nào đó, tôi đến số 13 Thụy Khuê (trụ sở của Báo NTNN lúc đó) chơi. Chị Lê Huyền - biên tập viên trang Xã hội, người vẫn nhận bài và truyền thụ nghiệp vụ cho tôi lắc đầu: "Quá phí. Chú đã bỏ bao công sức rồi, phải tiếp tục cố lên". Nói rồi chị hứa, cứ cộng tác thật tốt vài tháng, chị sẽ xin cho chế độ cộng tác viên thường xuyên (lúc đó khoảng 700.000 đồng/tháng). Biết là vẫn sẽ khổ, nhưng lại được làm báo, có tương lai hơn, tôi lại nghiến răng cố gắng...
Tờ báo mà tôi yêu mến năm nay đã bước sang tuổi 40, độ tuổi "nhi bất hoặc" (chín chắn, không còn nghi hoặc gì sự đời nữa). Quan sát tổng thể về nội dung, nhân sự, cơ ngơi, đặc biệt là công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại, tôi thực sự bị thuyết phục về sự lớn mạnh, về sự "nhi bất hoặc" của báo. Một tờ báo có bộ nhận diện màu xanh lá mạ với rất nhiều thông tin, sự kiện hàng đầu về tam nông làm tôi, và có lẽ rất nhiều những "Nông kiều" cảm thấy rất tự hào.
Tôi lao đi khắp nơi để viết, viết bất cứ thứ gì có thể đăng để được ghi nhận, để có nhuận bút mà tồn tại. Công việc tốt lên từng ngày, tôi được hưởng phụ cấp cộng tác viên, và khoảng gần một năm sau thì được ký hợp đồng chính thức. Chiều hôm được anh Phạm Văn Thạo - người phụ trách công tác nhân sự của báo gọi lên ký hợp đồng, tôi mừng khôn xiết, ký xong là rời cơ quan ngay. Trên đường về, tôi dừng xe máy ven đường nhiều lần gọi điện thoại báo tin mừng cho thầy giáo, cho anh trai và cho cả bạn gái ở quê. Tôi được ký hợp đồng mà không tốn một đồng quan hệ, "lót tay". Đó là điều tôi tự hào nhất về bản thân mình. Đó cũng là điều khiến tôi trân trọng biết ơn Báo NTNN, đặc biệt là cô Võ Mai Nhung - người mà trước khi ký hợp đồng, tôi chỉ mới được gặp vài lần.
Tự hào làm "báo nhà quê"
Rồi công việc cuốn đi và thay đổi rất nhanh. Ngoài các bài phóng sự xã hội, tôi được phân công theo dõi Bộ Xây dựng, Bộ GTVT. Ở đây, tôi xin nói kỹ về khó khăn, cái giằng xé nhất của công tác nội dung ở Báo NTNN, ít nhất là từ góc độ của một người từng làm phóng viên lâu năm của báo. Trong bể thông tin ngồn ngộn hàng ngày, phóng viên Báo NTNN sẽ chọn gì để đưa, đưa cái gì sâu hơn? Để viết về các vấn đề nóng hổi nhất của ngành GTVT hay Xây dựng, phóng viên tờ báo chuyên sâu về "nhà quê" như NTNN rất khó liên hệ với các cá nhân, tổ chức để phỏng vấn, lấy thông tin. Nếu cố lấy thông tin, viết được bài hay, thú thực, tác động cũng không lớn bằng một số tờ báo khác.
Tôi đã kiên trì hóa giải điều đó với cách thức rất đơn giản là viết những tin bài đúng với đặc trưng của tờ báo (hay gọi theo cách bây giờ là viết đúng tôn chỉ mục đích). Tôi vẫn cố gắng đưa đầy đủ cho tòa soạn, cho bạn đọc các thông tin hàng ngày liên quan đến mảng giao thông vận tải, xây dựng. Còn các bài chuyên sâu, dài kỳ, tôi tập trung khai thác các vấn đề liên quan đến nông thôn, nông dân. Ví dụ, trong khi các đồng nghiệp khác ở mảng xây dựng khai thác kỹ về thị trường bất động sản ở thành phố, tôi lại đi viết tuyến bài về quy hoạch, về kiến trúc làng quê. Về giao thông, tôi tập trung viết về cấm xe công nông ở nông thôn, các khu mỏ, về thi công cao tốc qua ruộng đồng, về tai nạn giao thông ở nông thôn, về mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ người Thái… Những đề tài đó dễ làm, không đụng hàng mà thiết thực.
Cách làm đó được tòa soạn rất ủng hộ, hoan nghênh. Các bộ trưởng, thứ trưởng Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, thứ trưởng Bộ Công an phụ trách giao thông và nhiều cán bộ trong các bộ ngành đó tôn trọng, nhiệt tình giúp đỡ tôi dù họ vẫn hay gọi đùa tôi là phóng viên "báo nhà quê". Không ít các bài báo đầy bản sắc đó được đánh giá cao, trong đó tôi và anh Quang Hưng được giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2009 với tuyến bài "Băm nát kiến trúc làng".
Viết các bài chỉ có "khuynh hướng tam nông" như thế chưa "đã", tôi xin Ban Biên tập chuyển hẳn sang làm phóng viên mảng tam nông (lúc đó gọi là Tổ Tam nông). Những năm làm phóng viên mảng này, tôi lại thấy mình sung sức như lúc còn làm cộng tác viên. Tôi thường phóng xe máy khắp các tỉnh thành ở đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc để viết về các mô hình sản xuất nông nghiệp độc đáo, những phong tục, tập quán kỳ lạ, các mô hình du lịch cộng đồng đắt khách... Rồi mỗi mùa bão lụt, tôi lại xung phong lên đường. Có những chuyến đi, công tơ mét xe máy đo được hơn 800km.
Khi làm phóng viên mảng Tam nông, tôi quen và khá thân với các doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành. Tôi được thay mặt báo, viết, giúp đỡ họ được phần nào đó và họ cũng giúp đỡ tôi và báo rất nhiều. Trong đó, có vụ việc, năm 2012, một doanh nghiệp trong Nam thuê xe chở ba ba ra Bắc bán bị kiểm lâm Quảng Bình giữ hàng. Mấy tạ ba ba nuôi chết như ngả rạ. Doanh nghiệp kiện kiểm lâm, lãnh đạo tỉnh ra tòa, Báo NTNN vào cuộc "hăng" nhất, đăng tải hàng loạt bài, làm cả chuyên đề "Ba ba dưới búa quan tòa"... Cái khó nhất của vụ đó là Bộ NNPTNT vẫn để ba ba trong danh sách động vật hoang dã, cấm buôn bán. Ngay sau phiên tòa, Bộ NNPTNT liền cho ba ba thành loại vật được nuôi, buôn bán dễ dàng như gà, lợn.
Tôi rời Báo NTNN ngày 1/4/2013 trong sự dùng dằng dai dẳng. Hơn 10 năm đã qua, đến giờ tôi thấy mình may mắn khi những lúc công to việc lớn của NTNN, tôi vẫn được mời dự, vẫn nhận được lời chúc mừng mỗi dịp sinh nhật...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.